Năm 2023, Biwase đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 720 tỷ đồng

02/04/2023, 10:46
báo nói -

TCDN - Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 ngày 31/3, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đặt ra mục tiêu, doanh thu dự kiến 3.970 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến tối thiểu 720 tỷ đồng, cổ tức bằng cổ phiếu 14% vốn điều lệ, thất thoát giảm toàn công ty dưới 5%.

Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Biwase.

Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Biwase.

Ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc Biwase đã báo cáo tổng kết hoạt động năm 2022 và kế hoạch năm 2023 với nội dung cụ thể như sau:

Kết thúc năm 2022, Biwase ghi nhận tổng doanh thu 3.902 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và hoàn thành 101% kế hoạch năm (kế hoạch doanh thu 3.850 tỷ đồng); và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 682 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ và hoàn thành 91% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 750 tỷ đồng).

Trong đó, sản lượng nước tiêu thụ là 181,2 triệu m3, tăng 4% so với cùng kỳ; đấu nối cấp nước cho 26.521 khách hàng, tăng 13% so với cùng kỳ; tỷ lệ thất thoát nước là 5%, tương đương với năm 2021; và cổ tức 13%, cao hơn so với kế hoạch 12%.

Thêm nữa, trong năm 2022, tổng giá trị đầu tư công trình ống trục, ống phân phối bằng nguồn vốn phát triển của Công ty là 148 tỷ đồng, các công trình tập trung chủ yếu ở các chi nhánh Khu Liên Hợp, Thuận An, Tân Uyên, Bàu Bàng.

Điển hình như hệ thống cấp nước Làng biệt thự sinh thái Moonrivew - Bến Cát, tuyến ống cấp nước D160 đường Đt 744 xã An Tây - thị xã Bến Cát, tuyến ống PVC D220 đường N1 KCN Bàu Bàng, tuyến ống cấp nước HDPE D160 đường ĐT750 xã Trừ Văn Thống - huyện Bàu Bàng …

Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác, năm qua ghi nhận doanh thu 933,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ (835 tỷ đồng). Trong đó, khối lượng rác tiếp nhận trong năm 2022 là 964.516,39 tấn; tổng số khách hàng của Chi nhánh xử lý chất thải đến cuối năm 2022 là 2,599 khách hàng.

Đối với hoạt động thu gom, xử lý nước thải, năm qua ghi nhận doanh thu 189 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch (kế hoạch 137 tỷ đồng). Trong đó, tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các chi nhánh là 18.149.777 m3 với chất lượng nước thải sau xử lý ổn định, đạt loại A; tổng số lượng hộ đấu nối nước thải đến nay là 24.266 hộ.

Về hoạt động xây dựng cơ bản, năm qua đã giải ngân 479 tỷ đồng, chủ yếu là nâng cấp nhà máy nước Đất Cuốc, nâng cấp nhà máy nước Phước Vĩnh, tuyến ống D600-400mm từ tạo lực 2 đến KCN tân Bình …

Về kế hoạch kinh doanh, trong lĩnh vực cấp nước, tiếp tục đầu tư mạng lưới ống truyền tải và phân phối đến các vùng sâu, vùng xa, phát triển công tác đấu nối khách hàng nhằm cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng, sản xuất ngày càng nhiều hơn và để phát huy tối đa công suất của các công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng như NMN Tân Hiệp, Dĩ An, Uyên Hưng, Nam Tân Uyên, Đất Cuốc và Chơn Thành. Trong đó, tập trung đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cấp nước Bầu Bàng, Chơn Thành – Bình Phước.

Đối với lĩnh vực xử lý chất thải, tăng cường thu gom và xử lý hết lượng rác tiếp nhận ngày càng tăng cao của nhà máy xử lý chất thải cũng như thi công hoàn thành phát huy công suất dây chuyền xử lý rác thành phân hữu cơ, công suất 840 tấn/ngày giai đoạn 4 và lò đốt rác, công suất 200 tấn/ngày.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 400 ha phục vụ công trình xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Đối với lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải, tiếp tục hoàn thiện và trình duyệt phương án đơn giá dịch vụ thoát nước thải sinh hoạt để có thể áp dụng đơn giá mới; tăng cường công tác đấu nối khách hàng và hoàn thiện cơ chế thu gom nước thải đối với khách hàng công nghiệp. Cổ đông đã thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2022 và kế hoạch năm 2023 của Tổng giám đốc Trần Chiến Công.

Về kế hoạch trong năm 2023, Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền nhận định sẽ có nhiều khó khăn hơn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lãnh đạo và quyết tâm cao, HĐQT sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò quản trị trong năm 2023, tiếp tục nỗ lực để hoàn thành trọng trách mà các cổ đông đã tín nhiệm giao cho, đó là đảm bảo cho Biwase luôn phát triển về quy mô và bền vững về tài chính.

2

Biwase tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển, đảm bảo cung cấp nước sạch tại các tỉnh mà Công ty tham gia đầu tư như Đồng Nai, Bình Phước, Cần Thơ, Long An; đảm bảo cấp nước an toàn, môi trường trong sạch, an toàn cho nhà đầu tư, đảm bảo mức thoát nước được giữ vững hoặc thấp hơn hiện tại.

Cụ thể, kế hoạch năm 2023, doanh thu dự kiến 3.970 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến tối thiểu 720 tỷ đồng, cổ tức bằng cổ phiếu 14% vốn điều lệ, thất thoát giảm toàn công ty dưới 5%, nước thương phẩm tối thiểu 186 triệu m3, khách hàng cấp nước tăng đạt tối thiểu 26.000 đầu nối…

“Chắc chắn doanh thu sẽ cao hơn, khoảng hơn 4.000 tỷ đồng do Công ty đặt kế hoạch kinh doanh chưa tính tới thị trường Long An. Khả năng đóng góp của thị trường Long An khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2023”, ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ thêm.

Đối với lĩnh vực rác thải, nghiên cứu đầu tư mở rộng thị trường ở những nơi có tính chiến lược; hoàn thành đưa dự án xử lý rác giai đoạn 4 có phát điện vào sử dụng; nghiên cứu các giải pháp xử lý rác ngày càng sâu hơn, hiện đại hơn; mở rộng tăng công suất xử lý rác thải, đầu tư về điện tái tạo từ lò đốt rác, quyết tâm trong năm 2023 đưa vào sử dụng lò đốt rác phát điện CS 5MW, tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm tái chế, nhất là phân bón Con Voi Bình Dương …

Về hoạt động đầu tư, Biwase đang chuẩn bị phương án tăng vốn điều lệ hoặc huy động vốn bằng các hình thức khác phù hợp với quy định hiện hành, dự kiến thực hiện trong năm 2023 để đảm bảo nguồn tài chính phục vụ nhu cầu sản xuất, phát triển trong tương lai, nhu cầu đầu tư nâng công suất tại các công ty con, công ty liên kết, công ty cấp nước mà Biwase tham gia góp vốn.

Nói về thị trường Long An, ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ đã chiếm thị phần cấp nước ở Long An hơn nữa, dân số Long An hơn 2 triệu dân, đây là tỉnh đông dân nhất Đồng bằng Sông Cửu Long, tiềm năng rất rộng mở. Tuy nhiên, Long An đang hạn chế về đường xá, tỉnh đang mở rộng hệ thống đường ở nhiều tuyến. Khi Biwase vào đây, tỉnh Long An đang thực hiện mở rộng đường, công nghiệp sẽ phát triển theo, sẽ giúp Công ty có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển. 

Trong 3 lĩnh vực hoạt động, tới thời điểm hiện tại đã hết niên hạn giá, Công ty hy vọng thời gian tới sẽ đẩy mạnh trình sở ngành, nhanh chóng thẩm định điều chỉnh giá", ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Biwase nhấn mạnh về triển vọng điều chỉnh tăng giá dịch vụ.

Ngoài những thành công ấn tượng cũng như sự lan tỏa nhanh chóng của thương hiệu Biwase trong suốt thời gian qua thì Đại hội cổ đông lần này sẽ tiếp tục khẳng định khả năng phát triển và mang tính bền vững của Biwase. Mọi nỗ lực, mọi sự đổi mới đều sẽ được đền đáp bằng “trái ngọt”, bằng những đột phá mạnh mẽ trên mọi phương diện. Với quy luật đó, vững tin bằng sự phấn đấu và sáng tạo không ngừng của mình, Biwase sẽ luôn luôn nắm bắt và làm chủ xu thế của thị trường để đạt đến hiệu quả hoạt động cao nhất, góp phần tạo nên tên tuổi và thế đứng của thương hiệu Biwase nói riêng cũng như lĩnh vực kinh doanh nước và xử lý môi trường ở Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngọc Thủy
Bạn đang đọc bài viết Năm 2023, Biwase đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 720 tỷ đồng tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan