Nan giải xử lý vi phạm thương mại điện tử

16/08/2020, 08:28

TCDN - Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm thương mại điện tử (TMĐT) nhưng chỉ như “muối bỏ bể”.

Hàng nghìn vụ vi phạm quy mô càng lớn

Theo ông Nguyễn Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu TMĐT được dự báo vượt ngưỡng 13 tỉ USD. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TMĐT càng nổi lên trở thành một phương thức quan trọng giúp người dân giao dịch, mua bán hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày, tránh được các tiếp xúc trực tiếp không cần thiết.

Chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để: một mặt cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; mặt khác thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn.

Vi phạm thương mại điện tử ngày càng nhiều.

Vi phạm thương mại điện tử ngày càng nhiều.

Trong vòng một tuần (từ ngày 22/7 đến 29/7/2020), các Đội QLTT Gia Lai kiểm tra đột xuất 4 vụ việc trên môi trường TMĐT gồm sách giáo khoa, túi xách các thương hiệu lớn, đồng hồ nhãn hiệu Thụy Sĩ, nước hoa, kính mắt…

Đơn cử như vụ việc, theo dõi mạng xã hội Facebook có tên “Anmol Singh”, ngày 22/7/2020, đội QLTT số 5 Gia Lai tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm tập kết hàng hóa để Livestream của bà Võ Thị Mỹ Xuân tại Thị trấn Chư sê, huyện Chư sê, Gia Lai. Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm có 21 túi xách không có căn cứ để xác định được nguồn gốc, xuất xứ và 60 túi xách có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu LOUIS VUITTON đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngày 10/8/2020, Đội QLTT số 3, Cục QLTT Quảng Nam phối hợp với lực lượng chức năng, kiểm tra, tạm giữ 800 sản phẩm túi xách các loại có dấu hiệu nhập lậu, kinh doanh trên mạng xã hội Facebook.

Theo báo cáo của Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt 16.382.372.000 đồng, trị giá hàng vi phạm 40.625.465.000 đồng (bao gồm những hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả).

Giao dịch, thanh toán chớp nhoáng và vô hình

Ông Nguyễn Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT thừa nhận, việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. 

Bên cạnh đó, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Thẩm quyền của lực lượng QLTT không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an.

Cục QLTT Gia Lai phát hiện nhiều vụ vi phạm thương mại điện tử.

Cục QLTT Gia Lai phát hiện nhiều vụ vi phạm thương mại điện tử.

Đại diện Cục QLTT Nghệ An cho rằng, hoạt động kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử xuất hiện những mô hình mới như bán hàng qua nền kinh tế chia sẻ, Drop Shipping, Affilate marketing…, thuê fanpage, youtube chanel, các tài khoản mạng xã hội có tương tác tốt để thực hiện hoạt động bán hàng đòi hỏi lực lượng chức năng cần phải tập trung nghiên cứu để có phương thức quản lý hiệu quả.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) Bộ Công Thương cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Theo đó, các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, và một số mô hình hoạt động TMĐT mới đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước…

Nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2981/QĐ-BCT ngày 1/10/2019 thực hiện kiểm tra, giám sát hết năm 2020.

Cùng với đó, Cục TMĐT và KTS đang chủ trì xây dựng Nghị định Sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử với hi vọng làm môi trường kinh doanh TMĐT lành mạnh.

Nghị định mới tập trung vào điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh; minh bạch hóa thông tin sản phẩm; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn; các vấn đề bán hàng xuyên biên giới…

“Trên thực tế hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bán trên môi trường mạng mà vẫn được bày bán công khai tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại,… Vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch”, ông Nguyễn Hữu Linh nhấn mạnh.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Nan giải xử lý vi phạm thương mại điện tử tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Làm gì chống thất thu thuế trong thương mại điện tử?
Trước việc thu thuế trong kinh doanh thương mại điện tử thời gian qua gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ gây lãng phí nguồn ngân sách quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất cần phát triển công cụ tìm kiếm thông minh để rà soát các hoạt động, đồng thời tăng mức phạt đủ sức răn đe những người vi phạm.
Quản lý thị trường phạt hơn 5,2 tỷ đồng trong 7 tháng
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, ngày 12/8/2020 lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý 9 cơ sở; xử phạt 101,7 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 12/8/2020 kiểm tra, giám sát của lực lượng QLTT: 9.380 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 5,23 tỷ đồng.