Làm gì chống thất thu thuế trong thương mại điện tử?

14/07/2020, 10:04

TCDN - Trước việc thu thuế trong kinh doanh thương mại điện tử thời gian qua gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ gây lãng phí nguồn ngân sách quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất cần phát triển công cụ tìm kiếm thông minh để rà soát các hoạt động, đồng thời tăng mức phạt đủ sức răn đe những người vi phạm.

Được biết, ngay trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã triển khai kinh doanh trực tuyến, đồng thời người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen, ưa thích kênh mua sắm này hơn.

Thương mại điện tử có nhiều ưu điểm như không giới hạn về khoảng cách, không gian… nhưng được đánh giá là khó khăn với ngành Thuế trong quản lý và thu thuế.

Phát triển nóng trong mùa dịch

Thời gian qua, nhiều cá nhân bán hàng qua mạng xã hội (như Facebook, Zalo…) không có địa chỉ cư trú, kinh doanh rõ ràng, tên đăng ký trên mạng lại khác với tên thật, nhiều giao dịch thanh toán bằng tiền mặt…; ý thức chấp hành quy định pháp luật về nghĩa vụ thuế của các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử chưa cao.

Công tác thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Tại Cục Thuế Hà Nội, đơn vị này đã rà soát 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh, nhưng mới có khoảng 2.000 cá nhân kê khai và được cấp mã số thuế.

Ngành Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng thương mại rà soát, thu thập thông tin về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và đã truy thu thuế một số trường hợp, song thực tế không được nhiều. Chưa kể, Luật Viễn thông, Luật Các tổ chức tín dụng có điều khoản giới hạn việc cung cấp thông tin nên khả năng tiếp cận thông tin của cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2019, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt trên 32%; quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD.

Dự báo năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử duy trì trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Trong các địa phương, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử, tiếp theo là Hà Nội và Hải Phòng.

Đáng chú ý, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực nhưng lại là cơ hội để thương mại điện tử phát triển.

cover_mba_andrews

Tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra mới đây, đại diện Cục thuế TP. Hà Nội cho biết đã có dữ liệu của hơn 1.190 cá nhân cung cấp sản phẩm ứng dụng, nội dung, dịch vụ quảng cáo trên các trang mạng phân phối ứng dụng, chia sẻ nội dung (Google Play, Apple Store, YouTube…).

Với tổng doanh thu 3.614 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 253 tỷ đồng (5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân); 36.000 cửa hàng, 77 cá nhân bán hàng trên mạng xã hội có sử dụng trung gian vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dung, với tổng doanh thu 14.976 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 224 tỷ đồng (1% thuế giá trị gia tăng, 0,5% thuế thu nhập cá nhân); cho thuê nhà thông qua các ứng dụng (Agoda, Booking, Airbnb…) với tổng doanh thu 350 tỷ đồng, dự kiến số thuế là 35 tỷ đồng (5% thuế giá trị gia tăng, 5% thuế thu nhập cá nhân).

Để tăng cường quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phát triển công cụ tìm kiếm thông minh để rà soát các hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh việc đề xuất Bộ Tài chính, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ kiện toàn quy định pháp luật điều chỉnh 3 nhóm đối tượng kể trên, Cục Thuế Hà Nội sẽ xây dựng các phương án đăng ký kê khai thuế áp dụng cho cá nhân hoạt động thương mại điện tử theo hướng giảm thủ tục hành chính.

Ngoài ra, ngành Thuế Hà Nội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thiết lập cơ chế giám sát giao dịch thanh toán cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của tổ chức, cá nhân trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử.

Giải pháp xử lý các hành vi trốn thuế thương mại điện tử

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các hành vi trốn thuế trong kinh doan thương mại điện tử hay thương mại truyền thống đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế chung. Vì vậy, việc xử phạt đối với các hành vi trốn thuế cũng được quy định chung, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi đó.

Tuy nhiên, việc phát hiện và có bằng chứng để buộc tội các hành vi trốn thuế trong kinh doanh TMĐT là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. 

Đối với việc không đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế, theo các chuyên gia, trước hết, để xác định các doanh nghiệp, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan thuế cần lập ra một đội giám sát, định kỳ rà soát các website.

Dựa trên thông tin liên lạc trên website, nếu cán bộ thuế phát hiện doanh nghiệp, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh mà không đăng ký, cán bộ thuế sẽ gửi công văn hoặc cử đội kiểm tra thuế đến địa chỉ DN để nhắc nhở, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, cán bộ thuế sẽ tiến hành các bước tiếp theo bao gồm cả việc khởi tố.

Bên cạnh đó, cần phải có quy định yêu cầu doanh nghiệp khi muốn mở tài khoản tại ngân hàng phải nộp một bản sao giấy đăng ký kinh doanh nhằm phục vụ cho việc xác minh thông tin. Các quy định này đã giúp nâng cao tính tuân thủ trong đăng ký kinh doanh của các cá nhân kinh doanh không phải là pháp nhân.

Trao đổi thêm về vấn đề này, một số luật sư cho rằng, đối với các hành vi không khai báo hoặc khai báo sai giá trị giao dịch, thu nhập nhận được từ các giao dịch thương mại điện tử. Cơ quan thuế cần thu thập dữ liệu, lập kho dữ liệu và phân tích các hành vi trốn thuế phổ biến trong kinh doanh thương mại điện tử để dễ dàng trong việc nhận diện.

Trong một thị trường có tốc độ thay đổi nhanh chóng như thương mại điện tử với những cơ chế tránh thuế đang ngày càng trở nên tinh vi như hiện nay, cần phải xây dựng hệ thống phân tích và giám sát, thu thập thông tin về xu hướng phát triển thương mại điện tử cũng như các nguồn thu từ hoạt động này từ các cơ quan liên quan.

Có thể kiểm tra khối lượng giao dịch thương mại điện tử bằng việc thu thập các thống kê về thương mại điện tử và các gian hàng trực tuyến.

Bằng việc thường xuyên tìm kiếm các website, thu thập và phân tích dữ liệu thuế như ngày giao dịch, đại lý giao dịch, thông tin chi tiết về giao dịch từ các tổ chức thanh toán, các nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ phát hiện ra các loại giao dịch, các phương thức thanh toán và dự tính được số lượng người truy cập vào các địa chỉ website thông qua việc sử dụng các công cụ phân tích, xếp hạng để phát hiện ra các nghi vấn trốn thuế.

Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin từ chính các website của DN, cơ quan thuế có thể tập trung thu thập và sử dụng dữ liệu từ các công ty giao hàng và các đại lý quảng cáo để phát hiện ra với các loại giao dịch mới, các giao dịch phổ biến, có giá trị lớn.

Ngoài việc tìm kiếm, thống kê trên các tài liệu có sẵn, ngành Thuế cần xây dựng một hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang điện tử.

Đây là hệ thống hoạt động hiệu quả mà Nhật Bản đã áp dụng. Hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet cho phép người dùng tìm được tên và địa chỉ URL của các trang điện tử dựa trên các từ khóa tìm kiếm cụ thể và thu thập hình ảnh, đường dẫn và thông tin khác trên trang điện tử một cách tự động nhằm nhận diện những người nộp thuế không rõ ràng.

Hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả và giảm nguồn lực thu thập thông tin thông qua việc thực hiện các thao tác thủ công như sử dụng Yahoo, Google và các trang tìm kiếm khác.

"Để thực hiện các biện pháp nêu trên, điều kiện hết sức cần thiết là phải có đội ngũ cán bộ thuế đủ trình độ. Vì vậy, cần có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử", một chuyên gia góp ý.

Theo điều luật hiện hành, với hành vi trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, các tổ chức phải chịu mức xử phạt hành chính 1-3 lần số tiền trốn thuế; mức phạt đối với cá nhân bằng 50% mức phạt đối với tổ chức. 

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Làm gì chống thất thu thuế trong thương mại điện tử? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sắp có sàn thương mại điện tử dành riêng cho vải thiều
UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang triển khai thành lập sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm đa dạng hóa kênh quảng bá, mua bán sản phẩm vải thiều trong bối cảnh các thương nhân nước ngoài khó sang mua vải trực tiếp tại Lục Ngạn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.