Nâng cao giá trị gạo Việt: Chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp

13/02/2024, 19:04
báo nói -

TCDN - Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về gạo Việt.

4-2

Vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới

Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của ngành lúa gạo cả về lượng và chất. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 đạt 7,75 triệu tấn, thu về 4,41 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2022. Giá gạo Việt Nam lập đỉnh trong thời gian qua cho thấy thành công của sự chuyển dịch theo hướng từ lượng sang chất, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp tiếp cận với thị trường. Trước đây, phần lớn nông dân trồng các giống lúa bình thường, còn ngày nay nhiều diện tích chuyển sang giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Việc chọn giống lúa cũng là bước chuyển dịch theo nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị.

Các sản phẩm chất lượng cao đã có mặt tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15/12 vừa qua. Tại sự kiện là chuỗi các hoạt động triển lãm, hội nghị, hội thảo, gồm: triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam; triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố cả nước, triển lãm chuỗi ngành hàng lúa gạo; trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo, trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm và các hội thảo liên quan đến ngành hàng lúa gạo.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trước đây việc “chạy gạo từng bữa” luôn là nỗi lo oan thường nhật. Giờ đây, ngành lúa gạo đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp…

3

Cần phải nhìn nhận khách quan, sản phẩm lúa gạo Việt hiện nay đang cải thiện rõ nét và mạnh mẽ về chất lượng. Giá bình quân xuất khẩu gạo trong năm 2023 đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử hơn 30 năm chúng ta xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.

Hơn 90% gạo Việt xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là sự kết tinh từ những đóng góp không mệt mỏi của những người nông dân trồng lúa, các nhà khoa học, nhà quản lý. Đồng thời là những nỗ lực "phi thường" của đội ngũ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt là hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo

Dự báo tăng bình quân 1,5%/năm

Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong 10 năm tới với mức tăng bình quân 1,5%/năm; thị trường lúa gạo rộng mở hơn khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại mới... Tuy nhiên, ngành lúa gạo cũng đứng trước nhiều thách thức, nhất là đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.

hinh-anh-canh-dong-lua-dang-mua-gat

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện tại, với sản lượng lúa gạo ổn định khoảng 43 triệu tấn mỗi năm thì Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn đóng góp chung vào an ninh lương thực thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, giá gạo Việt Nam tăng quá cao “chưa hẳn là lợi thế” và phân tích, khi giá cao, khách hàng có thể sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng tương đương, như Thái Lan, dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường. Dự báo thị trường gạo xuất khẩu trong năm 2024 toàn ngành có khả năng đạt 8 triệu tấn. Lượng tồn kho sẽ rất ít, do đó các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá lúa, gạo tăng cao dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng. Giá thu mua tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá phải hủy hợp đồng. Số khác để giữ chữ tín bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng. Có thể thấy, đằng sau việc giá lúa tăng lên mức kỷ lục, vẫn còn đó những nỗi lo mà bất cứ ai trong ngành cũng không thể đứng ngoài. Câu chuyện liên kết, chia sẻ lợi nhuận một cách hài hòa lại được nhắc đến nhiều.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chú trọng về giải pháp công nghệ và vốn cho ngành lúa gạo. Để giữ cho chất lượng hạt lúa vẫn tươi mới, thơm ngon không bị mất phẩm chất từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng thì nhất thiết phải áp dụng công nghệ, vì trên thực tế, các yếu tố cấu thành để nâng cao thu nhập của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi lúa gạo không còn nhiều dư địa. Đồng thời, để có thể kinh doanh xuất khẩu trong năm 2024 tốt hơn, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao hàng ở những vị trí địa lý xa vì nguồn cung hạn hẹp, cộng với vốn tín dụng khó khăn.

Cẩm Tú

Tạp chí in số tháng 1+2/2024
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao giá trị gạo Việt: Chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận