Nâng cao hiệu quả giảng dạy môn nguyên lý kế toán tại trường Đại học Thủ Dầu Một

26/09/2023, 21:48
báo nói -

TCDN - Môn Nguyên lý kế toán có thể được xem là môn học nhập môn đầu tiên của sinh viên thuộc khối ngành Kế toán - Kiểm toán và là một môn học bắt buộc của tất cả sinh viên khối ngành Kinh tế. Với mỗi chuyên ngành khác nhau thì mục tiêu môn học cũng sẽ có sự khác biệt.

4-1

TÓM TẮT:

Môn Nguyên lý kế toán có thể được xem là môn học nhập môn đầu tiên của sinh viên thuộc khối ngành Kế toán - Kiểm toán và là một môn học bắt buộc của tất cả sinh viên khối ngành Kinh tế. Với mỗi chuyên ngành khác nhau thì mục tiêu môn học cũng sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, việc truyền đạt để sinh viên tiếp cận môn học này, hiểu được nội dung của các chủ đề trong thời lượng quy định là vấn đề tương đối khó khăn, buộc giảng viên phải lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Trên cơ sở chia sẻ phương pháp giảng dạy nâng cao trong quá trình giảng dạy bộ môn Nguyên lý kế toán, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy môn học này tại khoa Kinh tế Trường Đại học Thủ Dầu Một. 

1. Đặt vấn đề

Với mong muốn cung cấp các kiến thức cơ bản về kế toán, trang bị cho sinh viên cách thức sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính, trang bị phương pháp luận về kế toán để tiếp tục học tập các môn khác thuộc chuyên ngành đã chọn. Bởi vì kiến thức các học phần thuộc khối ngành Kinh tế có mối liên hệ với nhau. Do đó, việc xác định mục tiêu giảng dạy môn Nguyên lý Kế toán có ý nghĩa quan trọng, cần định hình được nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học. Theo thống kê từ các nhà tuyển dụng, sinh viên khối ngành Kinh tế nói chung và sinh viên khối ngành Kế toán- kiểm toán nói riêng tuy có bằng tốt nghiệp xếp loại khá, giỏi nhưng khả năng thích nghi môi trường làm việc nhóm, khả năng trình bày còn yếu.

Từ những thống kê đó có thể thấy ngoài việc đào tạo cho sinh viên kiến thức về lý thuyết cần nâng cao phương pháp giảng dạy tích cực giúp sinh viên không chỉ tiếp cận kiến thức một chiều từ giảng viên truyền đạt mà tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tìm tòi, khám phá, mở rộng và vận dụng kiến thức khi tham gia vào các hoạt động do Trường, Khoa, tổ chức như là: Kỹ năng tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng soạn thảo,….

Để làm được những vấn đề trên theo tác giả, mỗi giảng viên sẽ tự lựa chọn và tổ chức cho mình những phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp. Tuy nhiên, chỉ trong những điều kiện hỗ trợ tương thích, các phương pháp giảng dạy tích cực khi vận dụng mới có thể thật sự đạt được kết quả như mong muốn.

2. Các phương pháp giảng dạy nâng cao giúp sinh viên học tập chủ động

* Phương pháp động não:

Theo Hilbert Meyer động não là một kỹ thuật dạy học tích cực, thông qua thảo luận, nhằm huy động những ý tưởng mới mẻ về một chủ đề của mọi thành viên tham gia thảo luận. Các thành viên được cổ vũ tham gia một cách tích cực, không hạn chế các ý tưởng, nhằm tạo ta “cơn lốc” các ý tưởng. Thực hiện phương pháp này, giảng viên cần đưa ra một hệ thống các thông tin làm tiền đề cho buổi thảo luận đạt kết quả mong đợi.

* Phương pháp giảng dạy dựa trên suy nghĩ - ghép cặp - chia sẻ

Nhằm kết nối các sinh viên với nhau trong quá trình học tập, giảng viên có thể áp dụng phương pháp giảng dạy Suy nghĩ - ghép cặp - chia sẻ (Lyman F. (1987). Đây là phương pháp sử dụng nhiều và triển khai hiệu quả trong công tác đào tạo. Phương pháp này được thực hiện bằng cách cho các sinh viên cùng đọc tài liệu về một chủ đề, sau đó cho sinh viên ngồi cạnh nhạu để trao đổi ý kiến và kinh nghiệm của mỗi người trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó là chia sẻ với cả lớp. Phương pháp này có ưu điểm là rất dễ dàng thực hiện mọi cấu trúc lớp học, ai cũng có thể tham gia được vào việc chia sẻ ý kiến của mình, tạo được sự tự tin cho sinh viên dám nói ra những suy nghỉ của mình, giúp cho sinh viên tập trung vào chủ đề đang học, biết mình đang học gì và đã hiểu bài đến đâu, thậm chí có thể nêu lên cả những vấn đề mới cho bài học.

* Phương pháp làm việc nhóm

Phương pháp này giảng viên sẻ chia lớp học thành từng nhóm nhỏ từ 5-7 thành viên. Tùy từng mục đích và yêu cầu học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hoặc chủ định. Khi làm việc nhóm, các thành viên đều phải làm việc chủ động, không được ỷ lại vào một vài người hiểu biết. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề để nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Khi có một nhóm nào lên thuyết trình, các nhóm còn lại phải đặt ra các câu hỏi phản biện để làm sáng tỏ vấn đề. Phương pháp này giúp các thành viên trong nhóm chia sẻ các băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhau xây dựng nhận thức mới.

* Phương pháp học dựa trên vấn đề

Học tập dựa vào vấn đề là phương pháp học tập trong đó sinh viên sẽ được chia thành từng nhóm nhỏ để hợp tác giải quyết vấn đề dưới sự giám sát của giảng viên. Ở phương pháp này giảng viên không còn ở vị trí giảng dạy nữa mà chuyển sang vị trí giám sát và chỉ tham gia khi thật sự cần thiết. Theo Hmelo-Silver, (2004) trong phương pháp này sinh viên vừa nắm được kiến thức mới, phát triển tư duy chủ động, sáng tạo, được chuẩn bị một năng lực thích ứng với đời sống xã hội, phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lý các vấn đề nảy sinh.

* Phương pháp mô phỏng thực tế kết hợp với phương pháp đóng vai

Theo Kritzeroe (1990) ưu điểm của phương pháp đóng vai như sau: sinh viên được rèn luyện thực hành những kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành thực tiễn; gây hứng thú; tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo của sinh viên, khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của sinh viên theo chuẩn mực hành vi đạo đức và chính trị - xã hội, có thể thấy ngay tác động và hiệu quả của lời nói hoặc việc làm của các vai diễn.

Với phương pháp mô phỏng thực tế, giảng viên sẽ đưa ra các tình huống thực tế và và tạo ra một doanh nghiệp ảo, yêu cầu người học đảm nhận vai trò là nhân viên trong các doanh nghiệp ảo đó.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Nguyên lý kế toán

Từ những phương pháp giảng dạy trên, để có thể đạt được kết quả đào tạo tốt nhất, phương pháp giảng dạy được lựa chọn cần phù hợp với mục tiêu cung cấp kiến thức cho người học. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp nào cũng cần chú ý đến điều kiện thực tế về trình độ sinh viên, điều kiện cơ sở vật chất cũng như điều kiện về thời gian học tập,…

Tùy theo chủ đề trong các học phần, trong cùng một tiết giảng, các giảng viên có thể vận dụng linh hoạt và phối hợp từng phương pháp giảng dạy ví dụ như phương pháp động não, phương pháp mô phỏng thực tế kết hợp với phương pháp đóng vai, phương pháp làm việc nhóm.

Đối với phương pháp động não giảng viên sẽ đưa ra câu hỏi tại lớp và yêu cầu các sinh viên suy nghỉ và trả lời ngay tại lớp mà không thảo luận theo nhóm. Các câu hỏi này gắn liền với các nội dung lý thuyết. Ví dụ như: Hao mòn có khác khấu hao Tài sản cố định hay không? Báo cáo tài chính khác Báo cáo kết quả hoạt động như thế nào? Giảng viên sẽ dựa vào chất lượng câu trả lời của sinh viên để ghi điểm cộng hay chấm điểm cá nhân cho từng sinh viên trả lời. Ưu điểm của phương pháp này kích thích tinh thần học tập tích cực và có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên.

Với kiến thức của môn Nguyên lý kế toán tương đối khó và khô khan.Thì phương pháp mô phỏng thực tế kết hợp với phương pháp đóng vai sẽ giúp thu hút sinh viên quan tâm chú ý hơn, khi sử dụng phương pháp này giảng viên sẽ đưa ra các tình huống có thật trong thực tế giúp cụ thể hóa tình huống dạy học. Mặt khác, tổ chức hướng dẫn văn bản pháp luật, thông tư, nghị định liên quan đến môn học bằng cách cho các em đóng vai, thể hiện thử các tình huống. Đây là con đường ngắn nhất tạo nên khả năng ghi nhớ, hình thành kỹ năng ứng xử đem lại niềm vui trong từng tiết học.

Phương pháp làm việc nhóm thì giảng viên sẽ thực hiện theo các trình tự như sau:

Căn cứ vào sỉ số lớp mà giảng viên sẽ tiến hành phân nhóm với số thành viên được chọn một cách ngẫu nhiên, tối thiếu mỗi nhóm là 5 và tối đa là 7 thành viên và chỉ định một nhóm trưởng. Nhóm trưởng có nhiệm vụ tổ chức làm việc của nhóm mình là: Phân chia công việc cho từng thành viên, đánh giá mức độ đóng góp của từng thành viên.

Giảng viên có nhiệm vụ giao cho từng nhóm nội dung cần nghiên cứu phù hợp với nội dung học phần giảng dạy cho các nhóm. Tùy trường hợp mà có thể tất cả các nhóm cùng làm một vấn đề nghiên cứu, hoặc mỗi nhóm chỉ làm một hay hai chủ đề. Trong trường hợp khác thì các nhóm sẽ tiến hành bốc thăm chủ đề nghiên cứu.

Giảng viên sẽ quy định thời gian làm việc và cách thức tổ chức báo cáo. Trước ngày báo cáo, tất cả các nhóm đều nộp bài vào Email của giảng viên, đến ngày báo cáo các nhóm tiến hành báo cáo trước lớp, giảng viên sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá của nhóm trưởng về quá trình làm việc của từng thành viên trong nhóm, giảng viên sẽ chỉ định người báo cáo, tất cả các nhóm còn lại lắng nghe và đặt câu hỏi phản biện, tùy theo nội dung mỗi bài thuyết trình thì thời gian báo cáo tối đa 10 phút và thời gian trả lời là 15 phút.

Giảng viên sẽ chấm điểm dựa trên các tiêu chí sau: Hình thức bài báo cáo, cách báo cáo, cách tổ chức báo cáo và trả lời câu hỏi. Điểm của nhóm thuyết trình là điểm bình quân của tất cả các nhóm phản biện chiếm 50% và điểm của giảng viên là 50%, được công bố ngay tại lớp. Bên cạnh điểm nhóm, giảng viên cũng khuyến khích các sinh viên có những câu hỏi chất lượng và câu lời tốt thì sinh viên này sẽ được cộng thêm vào điểm cá nhân.

Với phương pháp này sẽ giúp kết nối các thành viên lại với nhau, làm động lực cho các thành viên tham gia một cách thoải mái, thân thiện, nhiều lớp tổ chức làm việc nhóm hiệu quả với tinh thần đồng đội cao. Nhiều cá nhân trong quá trình làm việc nhóm đã thể hiện được khả năng lãnh đạo, lập kế hoạch và thu hút mọi người vào công việc trên cơ sở phát huy năng lực sở trường của từng cá nhân trong nhóm. Tuy nhiên, cũng có nhiều sinh viên có thái độ thụ động, không đóng góp ý kiến, chỉ chờ các thành viên khác làm xong rồi ghi tên vào nhóm. Vì vậy, kết quả đánh giá thường chung chung thiếu chính xác, thiếu công bằng. Giải pháp cho vấn đề này là giảng viên phải lập kế hoạch chi tiết, thống nhất mục tiêu cần đạt được và những yêu cầu mà quá trình làm việc nhóm cần tuân theo. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng ghi tên những thành viên vắng mặt, cần kiểm soát bảng phân công nhiệm vụ, đo lường mức độ hoàn thành của từng thành viên. Giảng viên nên gọi ngẫu nhiên người báo cáo tránh tình trạng để nhóm tự phân công. Trên đây là những nhận xét, đánh giá và đề xuất những biện pháp nhằm góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Nguyên lý kế toán tại Trường Đại học Thủ Dầu Một.

* Để có thể thực hiện tốt phương án lựa chọn phương pháp giảng dạy học phần Nguyên lý kế toán nêu trên cần đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: Số lượng sinh viên mỗi lớp nên giới hạn khoảng 50 sinh viên (khoảng 10 nhóm) nhằm nâng cao chất lượng phân nhóm, làm việc nhóm của sinh viên và việc quản lý đánh giá của giảng viên.

Thứ hai: Phòng học cần được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ dạy và học phù hợp như trang bị hệ thống máy tính, dữ liệu mô phỏng thực tế, âm thanh, bảng viết, mạng internet,…

Thứ ba: Khối lượng lớp một giáo viên trong học kỳ không quá nhiều, đủ để có thời gian đảm bảo tốt cho việc hướng dẫn và đánh giá các hoạt động nhóm của sinh viên.

Thứ tư: Cần nâng cao năng lực điều hành, đào tạo thêm một số kỹ năng về làm việc nhóm cho sinh viên.

Thứ năm: Cần nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên cả về môn học và phương pháp giảng dạy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ môn Nguyên lý kế toán, ĐHKTQD, Chương trình môn học Nguyên lý kế toán KTKE1002, 2011, 2012.2. Ths. Trần Tuyết Thanh, giảng dạy môn Nguyên lý kế toán theo hướng tiếp cận người sử dụng thông tin, Kỷ yếu hội thảo phương pháp giảng dạy và nghiên cứu trong kế toán - tài chính, 2015.

3. Ths. Nguyễn Bích Hương Thảo, Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy học phần Nguyên lý kế toán, Kỷ yếu hội thảo phương pháp giảng dạy và nghiên cứu trong kế toán - tài chính, 2015.

ThS. Huỳnh Thị Đông

Trường Đại học Thủ Dầu Một

Tạp chí in số tháng 9/2023
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao hiệu quả giảng dạy môn nguyên lý kế toán tại trường Đại học Thủ Dầu Một tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899