Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI tại Hải Phòng

17/08/2023, 20:51
báo nói -

TCDN - Với vị trí địa lý cũng như những điều kiện phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng có nhiều thuận lợi trong thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

2-1

TÓM TẮT:

Với vị trí địa lý cũng như những điều kiện phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng có nhiều thuận lợi trong thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Kinh nghiệm thực hiện công nghiệp hóa thành công từ các nước đi trước điển hình như Hàn Quốc, Trung Quốc đều hướng tới xây dựng các khu công nghiệp, đặc biệt các khu công nghiệp công nghệ cao. Điều này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Do đó, thu hút vốn đầu tư FDI tại Hải Phòng cần đảm bảo những yêu cầu về thu hút đầu tư công nghệ cao, đảm bảo chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, sớm hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như thực hiện thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Hải Phòng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư FDI, trong đó có giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về đất đai.

Bài viết tập trung phân tích thực trạng quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các giải pháp tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp cận đất đai, chủ động quy hoạch, phát triển quỹ đất sạch cũng như cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch chuyển trong xu hướng đầu tư nước ngoài và chuỗi cung ứng toàn cầu.

I. TỔNG QUAN

Theo số liệu của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, năm 2022, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) Hải Phòng thu hút gần 2,5 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 4 toàn quốc. Những năm gần đây, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nguồn vốn FDI thu hút trong KCN, KKT chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới.

Hầu hết, các dự án FDI đều thuộc các doanh nghiệp lớn có năng lực về tài chính và thái độ đầu tư nghiêm túc đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Singapore. Cụ thể như: Tập đoàn LG (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) có tổng vốn đầu tư 1,22 tỷ USD; Tập đoàn Regina Miracle (Hồng Kông) có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) có vốn đầu tư 800 triệu USD... Tỷ trọng thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics càng ngày được nâng cao (năm 2021 đạt 83,3%, năm 2022 đạt 81,8%).

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 883 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 26,197 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ đầu năm 2023 đến ngày 20/7/2023, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố đạt 2,03 tỷ USD, bằng 184,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,57% kế hoạch thu hút 2023.

Trong tổng số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư FDI tại Hải Phòng, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về cả số dự án và số vốn đầu tư với 179 dự án, tổng số vốn đăng ký là 11,15 tỷ USD, chiếm 42,56% tổng số vốn đăng ký đầu tư vào thành phố. Tiêu biểu là các dự án thuộc tổ hợp LG với tổng vốn đầu tư đạt 7,24 tỉ USD, chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố.

Hải Phòng tiếp tục trong top các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều đó cho thấy sức hút của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Hải Phòng đối với các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, các dự án do LG đầu tư tại Hải Phòng đều sản xuất sản phẩm công nghệ cao để cung cấp cho thị trường toàn cầu. Không thể phủ nhận sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đang đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng; thúc đẩy hiện đại hóa ngành công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước…

II. QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI NHẰM THU HÚT DOANH NGHIỆP FDI

Những kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải Phòng có phần đóng góp của công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Để có thể thu hút nhà đầu tư đến với thành phố, cần phải có quỹ đất để nhà đầu tư xây dựng, tổ chức sản xuất kinh doanh. Tiếp cận đất đai thuận lợi, nhanh chóng với chi phí hợp lý, thủ tục nhanh gọn là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Xác định vai trò quan trọng của quản lý đất đai, thành phố đã tích cực xây dựng quy hoạch đất cho khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch cho nhà đầu tư và thực hiện nhanh chóng với chi phí hợp lý các thủ tục liên quan đến đất đai như giao đất, cho thuê đất...

1. Thực trạng phát triển quỹ đất sạch thu hút FDI tại Hải Phòng

Để thực hiện quy hoạch, tạo quỹ đất cho nhà đầu tư thì công tác phát triển quỹ đất là rất quan trọng. Phát triển quỹ đất sạch là hoạt động quản lý nhà nước về đất đai được thể hiện ở những nội dung cụ thể như: tổ chức các phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; giải phóng mặt bằng để có thể giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Nói cách khác, phát triển quỹ đất sạch là việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm gia tăng diện tích đất dành cho phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương hoặc quốc gia. Phát triển quỹ đất sạch có ý nghĩa quan trọng là hoạt động tạo những nguồn lực tiền đề đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI cũng như thu hút vốn đầu tư nói chung. Phần lớn các dự án đầu tư có vốn FDI tại Hải Phòng là ở trong khu kinh tế, khu công nghiệp (chiếm 93,72%).

Thứ nhất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI

Đối với các dự án có vốn đầu tư FDI trong khu kinh tế, khu công nghiệp (tính đến tháng 4/2021, có 406 dự án có vốn đầu tư FDI đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng), khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Chủ đầu tư các khu kinh tế, khu công nghiệp này đăng ký kế hoạch sử dụng đất với thành phố khi các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đến đầu tư và hoạt động giải phóng mặt bằng được thành phố triển khai, thực hiện.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Hải Phòng đã đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giải phóng mặt bằng khẩn trương, giúp các doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số khu công nghiệp tại Hải Phòng có tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh giúp tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp khá cao, thậm chí có những khu lên tới 100% như khu công nghiệp Nomura; Khu công nghiệp Tràng Duệ.

Tuy nhiên, khâu giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất sạch tại Hải Phòng còn chưa đáp ứng được tiềm năng của thành phố cũng như yêu cầu của các nhà đầu tư. Đối với 04 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, tổng diện tích đất là 762,7 ha, tuy nhiên mới có 619,2 ha đã giải phóng mặt bằng, còn 143,5 ha chưa giải phóng mặt bằng.

Một số khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải cũng có diện tích chưa giải phóng mặt bằng khá lớn, tỷ lệ lấp đầy thấp như: Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 1) mới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khoảng 519, 7 ha/1.329,1 ha tổng diện tích, tỷ lệ lấp đầy đạt 19,3%; khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C3) được thành lập từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn đang tiến hành giải phóng mặt bằng, chưa thu hút đầu tư…

Với quỹ đất được quy hoạch cho thu hút đầu tư nói chung và thu hút các doanh nghiệp FDI nói riêng của Hải Phòng khá lớn, cơ sở hạ tầng của thành phố trong 5 năm qua được nâng cấp đáng kể, đó là những điều kiện khá thuận lợi để Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên diện tích đất công nghiệp hiện có để thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp còn lại không nhiều, hoạt động, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thực hiện các dự án phát triển hạ tầng còn chậm làm ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Với việc triển khai các khu công nghiệp mới đến năm 2025 của thành phố, nếu không thực hiện hiệu quả công tác phát triển quỹ đất sạch, cũng sẽ có nguy cơ làm giảm tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư tại Hải Phòng.

So với các tỉnh, thành phố trên cả nước, việc giải phóng mặt bằng chậm, khó khăn về thiếu quỹ đất sạch của Hải Phòng có xếp hạng không cao, có xu hướng giảm điểm qua các năm. Năm 2019, Hải Phòng xếp thứ 50 cả nước về giải phóng mặt bằng chậm. Khó khăn trong thiếu quỹ đất sạch các năm 2017, 2018, 2019 lần lượt xếp thứ 6, 15, 20 so với cả nước. Cụ thể:

b1

Những hạn chế này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ trở thành lực cản lớn đối với thu hút vốn đầu tư nói chung và thu hút vốn đầu tư FDI nói riêng tại Hải Phòng.

Thứ hai, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất

Quá trình bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố gặp phải một số khó khăn xuất phát từ cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, giá trị bất động sản tại các đô thị của Hải Phòng biến động, giá đất trên thị trường tăng nhanh, do đó gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ người dân khi thu hồi đất. Việc định giá đất theo khung giá đất, bảng giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Chính quyền thành phố Hải Phòng đã có sự điều chỉnh bảng giá đất tại các quận, huyện, có những nơi bảng giá đất quy định giá đất lên tới 80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá đất được quy định trong bảng giá đất thành phố vẫn thấp hơn so với giá thị trường, do đó xảy ra mâu thuẫn giữa người có đất bị thu hồi và cơ quan nhà nước khiến quá trình bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất gặp khó khăn, từ đó kéo theo sự chậm trễ trong phát triển quỹ đất thu hút FDI.

Tại các khu công nghiệp vẫn còn tình trạng một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường nên chưa di dời gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Tình trạng các khu công nghiệp còn xen lẫn những hộ dân chưa di dời gây lãng phí đến nguồn tài chính của công ty cũng như hiệu quả sử dụng đất tại đây. Tại khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, giải phóng mặt bằng được thực hiện từ năm 2009 nhưng vẫn còn những hộ dân chưa di dời; đến tháng 6/2023, UBND huyện Thủy Nguyên mới hoàn thành việc cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp không chấp hành bàn giao mặt bằng.

2. Thực trạng giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng

Các dự án đầu tư FDI tại Hải Phòng chủ yếu hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Hoạt động thuê đất của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố chủ yếu là thuê lại từ các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Do đó, đối với các doanh nghiệp FDI hoạt động giao đất, cho thuê đất được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tại các khu công nghiệp còn tình trạng đất đã giải phóng mặt bằng nhưng đưa được giao cho các nhà đầu tư, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong ra quyết định giao đất. Tại các khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, diện tích giải phóng mặt bằng là 619,2 ha, trong đó 584,2ha đã được giao đất cho nhà đầu tư, 35 ha chưa có quyết định giao đất. Trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng còn 163,5 ha đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa có quyết định giao đất.

Nhìn chung, hoạt động giao đất tại các khu công nghiệp sau khi đã giải phóng mặt bằng xong còn chậm so với thời gian quy định, thông thường phải mất 5 -6 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ xin bàn giao đất. Sự chậm trễ trong bàn giao đất gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, không chỉ làm gia tăng chi phí thời gian trong thực hiện các thủ tục hành chính mà còn làm gia tăng chi phí tài chính, gây đội vốn đối với các dự án đầu tư.

Quá trình sử dụng diện tích đất được giao, cho thuê của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn không có tình trạng dự án treo nhưng việc sử dụng đất được giao, cho thuê còn tồn tại một số sai phạm. Một số doanh nghiệp FDI sử dụng đất không đúng với quy hoạch được phê duyệt ban đầu, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các hạng mục công trình xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng, tổ chức thi công khi chưa đủ điều kiện khởi công, chưa có giấy phép xây dựng như một số sai phạm của chủ đầu tư và một số doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp An Dương. Quản lý hoạt động sử dụng đất được giao, cho thuê của các doanh nghiệp FDI không chỉ đảm bảo hiệu quả sử dụng đất đai mà còn có ý nghĩa trong việc tạo dựng môi trường đầu tư hiện đại và công bằng cho các chủ thể đầu tư.

Đối với các dự án có vốn đầu tư FDI ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố hoạt động giao đất, cho thuê đất cũng có một số hạn chế. Các dự án có vốn đầu tư FDI tại Hải Phòng nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp thường hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục đào tạo (2 dự án); nghệ thuật, vui chơi, giải trí (1 dự án)…

Với những dự án này, chính quyền thành phố Hải Phòng thực hiện giao đất có thu tiền, cho thuê đất qua hình thức đấu giá và không qua đấu giá (theo Điều 55, 56 Luật Đất đai năm 2013). Với các dự án sản xuất, kinh doanh nằm ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, Nhà nước sẽ không thu hồi đất (theo điều 73 Luật Đất đai năm 2013) mà tôn trọng quyền bình đẳng, tự nguyện thỏa thuận giữa người những sử dụng đất. Do việc thỏa thuận trực tiếp giữa doanh nghiệp FDI và những người đang sử dụng đất thường khó khăn, phức tạp nên những doanh nghiệp này thường thuê lại đất của cá nhân, tổ chức đã được thành phố giao, cho thuê đất.

Thực tế, nếu không thuê lại đất từ các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp FDI sẽ rất khó đạt được thỏa thuận đền bù với mỗi cá nhân người sử dụng đất tại nơi muốn đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh. Đây là một rào cản lớn đối với những doanh nghiệp FDI muốn đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế tại các lĩnh vực giải trí, giáo dục…

Quản lý đất đai phục vụ cho nhà đầu tư như vậy có sự cải thiện rõ rệt thể hiện ở các chỉ số tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng có những chuyển biến tích cực về cả điểm số và xếp hạng so với các địa phương trên cả nước, trong đó có đóng góp từ điểm số và xếp hạng trong chỉ số tiếp cận đất đai của Hải Phòng (Bảng 2).

b2

Có thể thấy, chỉ số tiếp cận đất đai của Hải Phòng có sự cải thiện đáng kể từ năm 2015 - 2018, tăng 28 bậc, từ xếp hạng thứ 61/63 năm 2015 lên xếp hạng thứ 33/63 vào năm 2018. Tuy vậy, năm 2020 điểm số về tiếp cận đất đai của Hải Phòng giảm từ 6,9 xuống 6,18 và giảm 17 bậc, xếp hạng thứ 44. Hơn nữa, chỉ số tiếp cận đất đai của Hải Phòng luôn thấp hơn so với các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương từ năm 2015 đến nay. Năm 2018, Quảng Ninh vươn lên vị trí số 2 trong chỉ số tiếp cận đất đai; năm 2019, Hải Dương xếp thứ 13. Điều đó chứng tỏ mặc dù có cải thiện, quản lý đất đai vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những trở ngại của Hải Phòng trong cạnh tranh, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI trong thời gian tới.

III. GIẢI PHÁP

Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất nhằm hướng tới các nhà đầu tư công nghệ cao. Đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, Hải Phòng cần bổ sung quy hoạch các khu nhà ở cho công nhân, đảm bảo về quy mô của các khu nhà ở, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân trong sản xuất, sinh hoạt.

Trước bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay cũng như từ bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, Hải Phòng cần đặt trọng tâm thu hút vốn đầu tư với công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, trong quy hoạch, Hải Phòng cần quy hoạch các khu công nghiệp công nghệ cao tại những nơi có vị trí địa lý, giao thông thuận tiện nhằm giảm thiểu, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Một số địa phương như Đại Đồng, Đông Phương thuộc huyện Kiến Thụy có thể nối trực tiếp với trục đường Phạm Văn Đồng đã được quy hoạch cụm công nghiệp nhưng chưa có quy hoạch chi tiết cũng như kế hoạch phát triển thành cụm công nghiệp công nghệ cao.

Do đó, cần mở rộng thêm quy hoạch, kết nối với một số địa điểm thuộc Dương Kinh để hình thành cụm công nghiệp công nghệ cao. Nếu được quy hoạch phát triển công nghiệp công nghệ cao, đây sẽ là địa điểm thuận lợi, tiết kiệm chi phí về giao thông do gần đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và sân bay Cát Bi. Trong quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao cần đảm bảo tính liên kết chuỗi giữa những khu được quy hoạch, giữa các ngành, lĩnh vực được định hướng trong quy hoạch. Khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái hoặc xây mới các khu công nghiệp sinh thái. Ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động phát triển quỹ đất, thu hút đầu tư FDI. Trong phát triển quỹ đất sạch thu hút vốn đầu tư FDI, Hải Phòng cần chú trọng nâng cao hiệu quả, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Khâu định giá đất, bồi thường, hỗ trợ người dân khi Nhà nước thu hồi đất phát sinh nhiều mâu thuẫn, khó khăn nên cần …tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đất đai, có sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội trong toàn hệ thống chính trị thành phố.

Bên cạnh đó, đối với những hộ gia đình còn chưa di dời khỏi khu công nghiệp, khu kinh tế, thành phố cần có phương án xử lý dứt điểm, hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí thời gian trong việc giao đất, cho thuê đất, đẩy nhanh thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch cũng là một trong những giải pháp Hải Phòng cần chú trọng trong thời gian tới. Đồng thời cần quan tâm dành quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thứ ba, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ với các dự án thu hút vốn FDI ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc các lĩnh vực giải trí, giáo dục…. Một mặt, các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai tại Hải Phòng cần có những phản hồi, kiến nghị với Trung ương để làm rõ hơn điều 73 của Luật Đất đai, kiến nghị sửa đổi Luật cho phù hợp. Mặt khác, Hải Phòng cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong vận động người sử dụng đất thực hiện thỏa thuận với các chủ đầu tư. Đồng thời, chính quyền thành phố cần có biện pháp xử lý kịp thời với tình trạng đầu cơ quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình thỏa thuận đền bù tại nơi muốn đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong sử dụng đất của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, chính quyền thành phố Hải Phòng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong sử dụng đất đai của các doanh nghiệp FDI, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển kha, thực hiện không đúng tiến độ đã cam kết. Hoạt động này không làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, ngược lại còn xây dựng được môi trường kinh doanh hiện đại, công bằng giữa các doanh nghiệp FDI cũng như giữa các doanh nghiệp thuộc mọi khu vực kinh tế trên địa bàn thành phố. Một môi trường đầu tư kinh doanh tuân thủ nghiêm túc những quy định pháp luật sẽ là môi trường thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng (2021), Báo cáo số 1671/BC-BQL, ngày 20/4/20212021 của Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng về tình hình hoạt động của các khu kinh tế và các khu công nghiệp tháng 04 năm 2021

2. Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng (2021), Báo cáo số 550/BC-BQL ngày 05/2/2021 của Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng về tình hình hoạt động, mục tiêu thu hút đầu tư năm 2021 vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố.

3. Đảng cộng sản Việt Nam, Thành ủy Hải Phòng (2020), Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025

4. Sở Xây dựng Hải Phòng (2020), Kết luận số 02/KL-TTrSXD, ngày 19/02/2020 của Thanh tra sở Xây dựng thành phố Hải Phòng về việc thanh tra việc quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý chất lượng công trình đối với Khu Công nghiệp An Dương do công ty TNHH Liên hợp Đầu tư Thâm Việt và một số doanh nghiệp sản xuất trong Khu công nghiệp làm chủ đầu tư.

ThS. Trịnh Quang Trường

HĐND quận Ngô Quyền - Tp. Hải Phòng

Tạp chí in số tháng 8/2023
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI tại Hải Phòng tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận