Nâng cao năng lực cho hộ kinh doanh: Tăng cường thông tin, phát triển dịch vụ hỗ trợ

13/09/2024, 11:21

TCDN - Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh theo hướng minh bạch, phát triển nhanh, bền vững, giải pháp được xem là căn cơ nhất vẫn là tăng cường công tác phổ biến thông tin, đồng thời, khuyến khích phát triển dịch vụ tư vấn thuế, kế toán thuế, cung cấp dịch vụ về thuế, về hạch toán kế toán.

29.

Những “khoảng trống” trong chính sách hỗ trợ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh, là khu vực kinh tế quan trọng, hằng năm đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khung pháp luật điều chỉnh việc gia nhập thị trường của hộ kinh doanh (quyền kinh doanh, quyền thuê lao động, đăng ký thành lập, góp vốn… ) được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp và các Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT. Cụ thể, hộ kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, với một số hạn chế về quyền kinh doanh do không có tư cách pháp nhân, như: Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của hộ kinh doanh; hạn chế đối tác kinh doanh (không được xuất hóa đơn VAT); không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện; giới hạn về một số ngành nghề kinh doanh (tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản...).

Nhìn tổng thể, hộ kinh doanh đang có lợi thế hơn so với các loại hình DN khác về đối tượng thành lập; hồ sơ; thủ tục thành lập; tổ chức quản lý; chế độ kế toán; tài chính; nộp thuế; bảo hiểm xã hội; chế độ công bố thông tin... - Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng chỉ rõ những “khoảng trống” trong chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh. Cụ thể như: hiện chưa có quy định cụ thể nào hỗ trợ hộ kinh doanh ngoài các quy định về tuân thủ chế độ thuế, kế toán phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động. Theo đó, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, như: Hướng dẫn, tư vấn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập DN, miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán; hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Thế nhưng, các chính sách hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy các hộ kinh doanh có mong muốn chuyển đổi, vì thực tế, động lực để duy trì mô hình hộ kinh doanh là do chi phí thực tế tuân thủ thuế, kế toán, thủ tục hành chính đơn giản và thấp hơn mô hình DN. Do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định về lao động và bảo hiểm, thuế thu nhập DN… để phát huy vai trò của hộ kinh doanh; tăng cường việc quản lý hộ kinh doanh để chính thức đăng ký hoạt động; sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển lên DN.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) nhấn mạnh, hộ kinh doanh hiện hoạt động trong khu vực phi chính thức, nhỏ lẻ, manh mún, cơ chế quản lý chưa rõ ràng, khung pháp lý phát triển chưa đầy đủ và còn nhiều khoảng trống. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh chịu nhiều bất lợi, khó tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017 không đưa đối tượng này vào chính sách hỗ trợ.

Lý giải nguyên nhân cản trở sự phát triển của hộ kinh doanh, Phó chủ tịch Hanoisme vấn đề đầu tiên là nhiều hộ kinh doanh thiếu thông tin đầy đủ về các chính sách hỗ trợ và những lợi ích mà việc này mang lại. Họ có thể sợ rằng thủ tục pháp lý phức tạp, tốn thời gian và chi phí cao.

Thêm nữa, hộ kinh doanh thường do một hoặc vài cá nhân quản lý, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp. Việc triển khai chính sách hỗ trợ đòi hỏi họ phải cải thiện nâng cao khả năng quản trị, đây có thể là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh sẽ phải minh bạch hơn và chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng khiến hộ kinh doanh e ngại.

Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh trong triển khai chính vừa nhiều, vừa thiếu. Nhiều là vì lẻ tẻ, phân tán ở nhiều lĩnh vực, do các đơn vị khác nhau quản lý, khiến hộ kinh doanh gặp khó khăn trong nhận diện các chính sách này để tận dụng. Nhưng thiếu là thiếu hệ thống cơ chế, chính sách có sự liên kết mang tính tập trung, có hệ thống bài bản để hộ kinh doanh tiếp cận thuận lợi.

Đẩy mạnh cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo

Để thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là tăng cường công tác phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách, chế độ, thông tin thị trường giá cả, công nghệ kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho kinh tế hộ phi nông nghiệp. Đồng thời, dịch vụ tư vấn thuế, kế toán thuế, cung cấp dịch vụ về thuế, về hạch toán kế toán cần được khuyến khích phát triển để giúp hộ phi nông nghiệp hiểu rõ về các chính sách thuế, làm tốt công tác kế toán; dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho đối tượng nộp thuế cần được mở rộng để hướng dẫn đối tượng nộp thuế thực hiện tốt công tác về kế toán, quản lý hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, quy mô vốn cho phát triển kinh tế hộ gia đình cần được mở rộng để khắc phục tình trạng kinh tế hộ gia đình thiếu vốn, nhất là vốn trung và dài hạn.

qt2

Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các tổ chức liên quan, bao gồm việc cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và các chương trình hỗ trợ tài chính. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch để các hộ kinh doanh có thể tự tin phát triển bền vững.

Trước mắt, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho hộ kinh doanh, một số chính sách nên được xem xét ban hành. Trong đó, việc áp dụng các chính sách tài khóa phù hợp có thể giúp giảm bớt khó khăn tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thứ nhất, tiếp tục giảm và giãn thuế. Tôi đề xuất giảm thuế thu nhập cho hộ kinh doanh trong một thời gian nhất định để giảm gánh nặng tài chính; đồng thời, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp bắt buộc khác, giúp hộ kinh doanh có thêm thời gian chuẩn bị tài chính.

Thứ hai, cải thiện tiếp cận vốn. Cần tăng cường các chương trình vay vốn ưu đãi cho hộ kinh doanh với lãi suất thấp hơn và điều kiện vay vốn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phát triển các quỹ hỗ trợ để cung cấp nguồn vốn đầu tư cho các hộ kinh doanh gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thông qua việc hỗ trợ chi phí chuyển đổi số cho các hộ kinh doanh, bao gồm chi phí phần mềm, hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (chính sách về quản lý kinh doanh, chính sách thuế, tín dụng, chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, môi trường, lao động, bảo hiểm, thị trường, chế độ báo cáo,…) tại các văn bản pháp luật chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với doanh nghiệp.

“Đi đôi với việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật quản lý, chính sách hỗ trợ thì cần đẩy mạnh truyền thông chính sách để người dân hiểu được quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ trong việc khuyến khích thành lập hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động kinh doanh đúng quy định pháp luật, được bảo đảm quyền lợi cũng như tránh những thiệt hại không đáng có” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực cho hộ kinh doanh: Tăng cường thông tin, phát triển dịch vụ hỗ trợ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Làm thế nào để quản lý thuế đối với hộ kinh doanh?
Theo quy định, đối với hộ kinh doanh thì hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu. Tuy nhiên, làm thế nào để công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh khi mà số hộ muốn chuyển lên thành doanh nghiệp ngày càng ít dần.
Sẽ áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế hộ kinh doanh
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết bộ tiêu chí quản lý rủi ro là cơ sở giúp cơ quan thuế xác định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và phương pháp khoán có dấu hiệu rủi ro trong việc vi phạm pháp luật về hóa đơn, pháp luật về thuế.