Nâng cao năng lực tài chính các trường đại học ngoài công lập

21/12/2022, 10:14

TCDN - Tại nhiều quốc gia trên thế giới, giáo dục đại học ngoài công lập được xem như một phần bổ sung quan trọng cho khu vực giáo dục đại học công lập. Nó có thể đáp ứng một cách hiệu quả và linh hoạt đối với những yêu cầu của người học và giới tuyển dụng.

2- sinh vien

TÓM TẮT:

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, giáo dục đại học ngoài công lập được xem như một phần bổ sung quan trọng cho khu vực giáo dục đại học công lập. Nó có thể đáp ứng một cách hiệu quả và linh hoạt đối với những yêu cầu của người học và giới tuyển dụng. Hơn nữa giáo dục đại học ngoài công lập còn góp phần mở rộng quy mô giáo dục đại học của quốc gia với một chi phí công không đáng kể. Ở một số nước, tỷ lệ sinh viên học tại các trường đại học ngoài công lập có thể khá lớn, thí dụ: Tỷ lệ này là 86% ở Philipin, 75% ở Hàn Quốc và 60% ở Braxin, Indonexia, Bangladet và Columbia.

Tại Việt Nam, mô hình đại học ngoài công lập (tư thục) đã khẳng định được thế mạnh bằng sự phát triển qua gần 30 năm với hơn 60 trường chiếm 25% trường đại học, quy mô đào tạo chiếm gần 15% tổng số sinh viên của cả nước và chất lượng thương hiệu đào tạo của các trường cũng dần tăng lên.

Mặc dù các trường đại học ngoài công lập đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục đại học của đất nước, tuy nhiên cơ chế hoạt động, chính sách tài chính đối với các trường đại học ngoài công lập vẫn còn nhiều bất cập, chưa khai thác tối đa tiềm năng của hệ thống trường này và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Trên cơ sở phân tích thực trạng chính sách tài chính, qua đó chỉ ra một số bất cập, hạn chế, tác giả đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực để nâng cao năng lực tài chính của các trường đại học ngoài công lập.

1. Sự phát triển của hệ thống đại học ngoài công lập

Tính đến năm 2020, cả nước có 240 trường đại học và học viện, bao gồm 175 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. 60 trường đại học tư thục của Việt Nam có mặt ở 29/63 tỉnh/thành, miền Bắc có 23 trường, miền Trung - Tây nguyên có 12 trường và miền Nam có 25 trường, trong đó thành phố Hà Nội có số lượng nhiều nhất là 13 trường, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh có 12 trường.

Ngoài ra, ở Việt Nam có 05 trường đại học tư thục có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh thành gồm: Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (thành lập năm 2000, Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Anh quốc Việt Nam (2009, Thành phố Hà Nội), Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (2015, Tỉnh Hưng Yên), Đại học Mỹ tại Việt Nam (2015, Thành phố Đà Nẵng) và Đại học Fulbright Việt Nam (2016, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, thực hiện Luật Giáo dục đại học, mô hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bắt đầu được thành lập.

Quy mô sinh viên: các trường đại học tư thục chiếm trên 10% trong tổng số sinh viên bậc đại học của cả nước trong nhiều năm qua; năm học 2017 - 2018, cả nước có 1.707.025 sinh viên trong đó sinh viên các trường đại học tư thục là 267.530, chiếm tỷ lệ 15.67%.

Một số trường đại học tư thục đã tuyển sinh được sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập cũng như trao đổi sinh viên quốc tế.

Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tư thục chiếm từ 12% trở lên trong tổng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm.

Quy mô giảng viên: năm học 2017 - 2018, các trường đại học trong cả nước có 74.991 giảng viên trong đó có 15.759 giảng viên thuộc các trường đại học tư thục, chiếm tỷ lệ 21.01%, tăng so với các năm học trước đó; giảng viên có trình độ từ tiến sĩ là 3195 trong tổng số 20.198 giảng viên trong các trường đại học, chiếm tỷ lệ 15.82%. Một số trường đại học tư thục đã tuyển dụng được đội ngũ giảng viên quốc tế về giảng dạy và nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo báo cáo tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ học đại học, cao đẳng của Việt Nam năm 2019 là 28,6%; thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN và bằng một nửa so với bình quân 55,1% các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Hệ thống giáo dục đại học hiện nay phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của xã hội, nhân dân...

2. Thực trạng

2.1 Chính sách hỗ trợ kinh phí của Nhà nước

2.1.1. Qũy đất xây dựng

Chính sách hỗ trợ kinh phí của Nhà nước Đầu tư phát triển GDĐH nói chung, ĐHTT nói riêng bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó ba yếu tố cơ bản và quan trọng quyết định chất lượng đào tạo đó là đầu tư nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, đầu tư tài chính để vận hành và đầu tư cho đội ngũ giảng viên. Thiếu một trong ba yếu tố này không thể có được sản phẩm đào tạo như mong muốn. Chính sách hỗ trợ kinh phí của Nhà nước sẽ có tác động lớn đến sự ổn định và phát triển của trường đại học tư thục trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù thời gian qua Nhà nước đã quan tâm ban hành hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động các trường đại học tư thục nhưng vẫn còn nhiều bất cập chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa trường đại học ngoài công lập và đại học tư thục nên ảnh hưởng tới sự vận hành của các trường đại học tư thục.

Theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của chính phủ về quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường Đại học quy định tại khoản 3 điều 28 về trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được hưởng các chính sách hỗ trợ, trong đó được ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 quy định tại khoản 2 điều 12 được ưu tiên ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và chính sách khác để phát triển đại học; tại khoản 4 điều 12 cũng quy định khuyến khích và ưu tiên cho cơ sở giáo dục Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Trong đó nêu rõ các chính sách ưu đãi với tổ chức đầu tư vào hoạt động giáo dục được ưu tiên giao, thuê đất.

Các văn bản trên hiện nay vẫn chưa cụ thể, mỗi địa phương, mỗi cơ quan thực hiện mỗi khác và chưa có chính sách giao đất sạch hợp quy hoạch để nhà đầu tư có đủ quỹ đất xây trường. Trường hợp chủ đầu tư đã mua đất thì phải xin đề xuất quy hoạch chuyển đổi đất giáo dục mới được phép đầu tư xây dựng. Trường hợp nữa là nhà đầu tự bỏ kinh phí ra nhưng không được hỗ trợ trong công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vì trong luật không có quy định cho trường tư thục không vì lợi nhuận. Chính những vấn đề này làm cho việc chuẩn bị đất để xây dựng trường sau khi Luật đất đai 2013 ra đời gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, có những trường mất hàng chục năm vẫn chưa được giải quyết đất để xây dựng trường.

2.1.2. Nguồn vốn vay đầu tư, Thuế thu nhập

Đối với vốn vay: Hiện nay đa số các trường tư thục đều tự thân chuẩn bị nguồn vốn đầu tư ban đầu từ các nguồn như vốn góp của các cổ đông cá nhân, tổ chức, vốn vay từ thế chấp tài sản. Ngoài việc chuẩn bị nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản và chuẩn bị cho giai đoạn đầu thì các trường vẫn phải có nguồn vốn để đầu tư nâng cao năng lực cho các giai đoạn sau.

Chính sách về cho vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển đại học tư thục hiện nay còn chưa cụ thể và phụ thuộc vào chính sách của từng tỉnh thành, có rất ít trường tiếp cận được để vay vốn và thời gian cũng khá ngắn nên rất dễ mất cân đối để duy trì trường và đối với các khoản vay từ các ngân hàng lại phát sinh khoản lãi suất cao là áp lực rất lớn cho các trường. Đề nghị nhà nước nên có chính sách cụ thể hơn về nguồn vốn hay quỹ đầu tư ưu đãi với lãi suất phù hợp và thời gian vay trung dài hạn đảm bảo trường hoạt động ổn định, tạo điều kiện cho trường tái đầu tư và cân đối trả vay.

Đối với chính sách thuế: Từ năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, trong đó điểm a), khoản 2, điều 8 quy định các trường ngoài công lập “được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Nhưng để các trường ngoài công lập hưởng được chính sách ưu đãi này, các trường phải đáp ứng tiêu chuẩn "diện tích đất tối thiểu/ học sinh" ở thành phố là 8 m2/trẻ bậc mầm non; 6 m2/học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; 55 m2/ sinh viên bậc đại học, cao đẳng, theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008. Nếu các trường không đáp ứng được tiêu chuẩn này, các trường ngoài công lập phải đóng 100% thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 28%, 25%, 22% và từ 2016 là 20%).

Đến năm 2013 theo Quyết định số 693/QĐ-TTg chính phủ điều chỉnh "diện tích đất tối thiểu" đối với sinh viên bậc đại học, cao đẳng thành "Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tối thiểu", giữ nguyên quy định "diện tích đất tối thiểu" đối với các bậc học dưới đã góp phần giúp các trường tư thục tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục, giảm bớt gánh nặng sĩ số, biên chế, ngân sách nhà nước phải chi cho giáo dục công. Do đó cần có chính sách ưu đãi, tiếp tục giảm về thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục mới có thể thu hút được các nhà đầu tư cùng chung tay với Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

2.2 Chính sách huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức và các cá nhân đầu tư, tài trợ

Thực tế phát triển đại học tư thục ở Việt Nam cho thấy nguồn tài chính của trường đại học tư thục chủ yếu là do sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư; sự vận hành chủ yếu cân đối dựa trên nguồn học phí của sinh viên, hầu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước và hơn nữa Việt Nam chưa có truyền thống hay điều kiện để hiến tặng cho trường đại học tư thục như nhiều quốc gia trên thế giới cho nên không ít trường gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2008 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69 nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, tài trợ cho trường đại học tư thục.

Tuy nhiên trong việc thực thi chính sách còn nhiều bất cập dẫn đến chính sách chưa đi vào thực tế. Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập, chỉ ra những bất cập trong việc thực thi chính sách trong chủ trương xã hội hóa giáo dục. “Nghị định 69 của Chính phủ ban hành từ năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đã đưa ra nhiều chính sách có lợi cho công tác xã hội hóa như: được xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng; được nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; được vay vốn tín dụng đầu tư; được miễn thuế thu nhập 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo… Tuy nhiên những chính sách ưu đãi này vẫn chỉ nằm trên giấy. Hiện nay, đa số các trường đại học ngoài công lập không nhận được sự hỗ trợ đất đai hay cho vay tín dụng để xây dựng trường như trong nghị định đề ra.

Thêm nữa, đại đa số các trường đại học ngoài công lập khó tiếp cận được các ưu đãi bởi không thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Quyết định 693/QĐ - TTg. Qua khảo sát phần lớn các trường đại học đánh giá ưu đãi về tín dụng ở mức thấp. Trong số các trường đại học ngoài công lập đi vay, phần lớn các trường vay vốn tín dụng thương mại bằng hình thức bảo đảm bằng tài sản, rất ít các trường tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Khả năng để các trường đại học ngoài công lập hiện nay tiếp cận tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành là rất khó khăn. Tuy nhiên, để khuyến khích và tạo động lực cho các trường đại học phát triển và nhằm giải quyết nhu cầu vốn đầu tư thiếu hụt hiện nay, Chính phủ cần thực hiện ra gói “Tín dụng hỗ trợ đầu tư cho các trường Đại học.

2.3. Chính sách học phí Học phí và lệ phí

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 yêu cầu các trường phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trên thực tế còn rất nhiều bất cập, có trường sau khi sinh viên làm thủ tục nhập trường mới công bố tiền học phí, như thế sẽ gây bất lợi trong việc lựa chọn ngành học, trường học cho sinh viên. Mức thu học phí của các trường đại học công lập được ghi rõ tại cuốn “Những điều cần biết về các trường Đại học, Cao đẳng” hoặc có thông tin công khai trên trang web của trường. Các trường đại học tư thục không làm được điều tương tự, mức học phí không được công khai, có trường chỉ công khai mức học của từng tín chỉ. Sinh viên cũng không thể nắm bắt rõ vấn đề học phí của từng kì mà chỉ dựa và mức học của từng tín chỉ. Lệ phí tuyển sinh, nhập trường của các trường tư thục cũng có những chênh lệch lớn so với trường công.

Mặc dù Nhà nước có chính sách cho vay học phí không phân biệt sinh viên trường đại học công lập hay đại học tư thục song thực tế cho thấy chính sách này vẫn chưa đủ bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng. Các trường đại học tư thục có mức học phí cao phải rất vất vả để duy trì chất lượng và thu hút sinh viên trong khi đất đai và cơ sở vật chất hạn hẹp, không được hưởng các nguồn kinh phí như trường công.

Sinh viên ngoài công lập chịu 100% chi phí, sinh viên công lập lại được Nhà nước hỗ trợ khoảng 70%, chỉ phải nộp 4-5 triệu trong tổng số 10-12 triệu đồng học phí/năm. Trong khi đó, sinh viên trường đại học tư thục không có sự bao cấp này, vẫn phải đóng mức phí 10-12 triệu/năm. Mà suy cho cùng, các sinh viên dù ở trường công hay tư khi tốt nghiệp đều cống hiến cho xã hội, hơn nữa không phải cứ SV trường đại học tư thục là kém chất lượng so với trường đại học công lập. Như vậy rõ ràng rất không bình đẳng, bởi tiền đầu tư của Nhà nước cho giáo dục là tiền đóng thuế của toàn dân nhưng con em của họ nếu học ở trường đại học công lập được hưởng còn học tại trường đại học tư thục lại không được hỗ trợ gì.

3. Giải pháp

Để các trường đại học tư thục phát triển và khẳng định được vị trí, vai trò, vấn đề đầu tiên cần giải quyết, đó là Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính cho giáo dục đại học nói chung và đại học tư thục nói riêng nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trường đại học tư thục phát triển.

Thứ hai, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với các trường đại học tư thục. Nếu chỉ có một nguồn thu từ học phí của các sinh viên với đòi hỏi đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng như xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên, đồng thời phải đóng thuế cho Nhà nước nữa thì nguồn tài chính của đại học tư thục sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên cần thiết phải được sự hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước để phát triển quy mô và chất lượng của các cơ sở đại học tư thục. Không nên đánh thuế các trường đại học tư thục phi lợi nhuận.

Đánh thuế các trường đại học tư thục là chính đánh thuế sinh viên, vì nguồn thu chính của trường là học phí. Nếu bị đánh thuế, các trường sẽ nâng học phí lên, người “chịu trận” sẽ là sinh viên. Đó không chỉ là cách mà Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công của mình mà còn là cách để hoàn thiện các dịch vụ công cung ứng cho xã hội.

Thứ ba, khuyến khích thành lập trường đại học tư thục phi lợi nhuận nhưng đồng thời cũng cho phép thành lập trường đại học tư thục vì lợi nhuận và phải xây dựng những quy định riêng biệt cho hai loại trường này, từ cơ chế tổ chức và hoạt động đến chính sách cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn hay nói cách khác cần tách bạch rõ ràng 2 loại hình trường đại học tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Cần xây dựng và sớm ban hành quy chế trường đại học không vì lợi nhuận và trường đại học tư thục vì lợi nhuận. Cơ sở đại học tư thục chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng, nếu để được nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận mới được quyền hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Cơ sở đại học tư thục cam kết hoạt động không vì lợi nhuận nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định sẽ bị tước quyền thụ hưởng các chính sách ưu tiên nói trên; phải hoàn trả các khoản hỗ trợ tài chính của Nhà nước và bị truy thu các khoản thuế theo quy định. Đồng thời tương ứng với các loại hình trường này Nhà nước phải ban hành chính sách riêng biệt, nếu nhập 2 quy chế làm một không chỉ khó thực hiện mà còn có thêm những phức tạp khi cần điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế vận hành của các loại hình trường này.

Hơn nữa về quan điểm, việc phân biệt lợi nhuận hay phi lợi nhuận không nên xuất phát từ cái nhìn không tốt về lợi nhuận mà nên xuất phát từ mục tiêu phát triển giáo dục. “Vì lợi nhuận” nghĩa là mục đích lợi nhuận, không đồng nghĩa với có các nguồn thu phí cao để đảm bảo chất lượng giáo dục, vấn đề là ở chỗ nếu không chia lợi tức mà tập trung vào tiếp tục đầu tư phát triển vì sự nghiệp giáo dục thì vẫn là phi lợi nhuận (vì sự nghiệp giáo dục chứ không phải vì lợi nhuận). Trường vì lợi nhuận cũng tốt cho xã hội, thậm chí rất tốt nếu nó cung cấp được những dịch vụ giáo dục chất lượng cao và tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực tinh túy. Còn trường phi lợi nhuận, nếu không tổ chức quản lý tốt, đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thì vẫn là không tốt.

Mặt khác, cũng không nên nghĩ rằng các trường vì lợi nhuận sẽ chia hết hay chia phần lớn lợi nhuận. Ngay cả các công ty sản xuất kinh doanh cũng không làm như vậy. Trong môi trường cạnh tranh thực sự, muốn đứng vững và phát triển tốt thì mỗi trường đều phải chăm lo đến việc tái đầu tư. Những trường muốn gia tăng uy tín, tạo dựng thương hiệu tốt để vươn lên tốp đầu thì việc đầu tư càng được đặt nặng hơn. Vì vậy, không nên lo lắng về việc các trường chia lợi nhuận nhiều hay ít, mà nên nghĩ đến việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, nghĩ đến cách tạo động lực để các nhà đầu tư sẵn lòng đầu tư và chăm lo phát triển trường. Trong bối cảnh chung đó, nếu xảy ra trường hợp một số trường chia lợi nhuận cao thì cũng nên xem đó là chuyện bình thường. Đó là sự chọn lựa của những người chủ sở hữu, nhưng ngược lại họ cũng phải đối đầu với sự lựa chọn của xã hội dành cho họ.

Vấn đề là thí sinh phải được cung cấp đủ những thông tin chính xác để hiểu đúng về các trường khi quyết định chọn trường cho mình. Vì vậy, nếu chính sách tốt, minh bạch, làm cho người đầu tư an tâm về quyền sở hữu, thì người ta sẽ mạnh dạn đầu tư, thậm chí có thể không cần chia cổ tức trong một thời gian dài, và biết đâu đến một lúc nào đó có thể các trường vì lợi nhuận sẵn lòng chuyển sang mô hình phi lợi nhuận. Ngược lại, nếu chính sách bất ổn, những người góp vốn cảm thấy không an tâm về quyền sở hữu của mình thì có khi người ta sẽ tìm cách chia lợi nhuận càng nhiều càng tốt, thậm chí dưới dạng trá hình, để nhanh chóng thu hồi vốn, đảm bảo an toàn. Trong hoàn cảnh đó, động lực đầu tư dài hạn sẽ biến mất. Mà đầu tư dài hạn mới là điều thực sự cần thiết cho một trường đại học.

Thứ tư, xây dựng khung học phí đối với trường đại học tư thục tương ứng với các quy chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng và xây dựng chính sách hỗ trợ học phí, đảm bảo các chính sách xã hội đối với sinh viên học tại trường đại học tư thục.

Trên cơ sở kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai chất lượng, Nhà nước cần tính toán để quy định khung học phí đối với các trường đại học tư thục. Bởi hiện nay mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh của đại học công lập nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định, còn trường đại học tư thục được chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển. Vì thế các cơ sở đại học tư thục đang có chênh lệch lớn về mức thu học phí và chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai minh bạch trước khi tuyển sinh, trong khi đó các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa kiểm soát chặt chẽ việc này làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người học.

Nhà nước nên thay đổi quan điểm đầu tư cho giáo dục đại học, không đầu tư theo đầu trường mà Nhà nước hỗ trợ, đầu tư theo đối tượng sinh viên không phân biệt công lập hay tư thục. Từng bước thực hiện cấp kinh phí theo “đầu ra” trên cơ sở kiểm định chất lượng để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Như vậy, sinh viên học ở trường công lập hay trường tư thục đều được Nhà nước đối xử như nhau sẽ tạo được sự cạnh tranh giữa các trường về chất lượng đào tạo. Sinh viên thuộc diện chính sách xã hội học tại trường đại học công lập hay trường đại học tư thục Nhà nước phải có trách nhiệm và đảm bảo chính sách miễn giảm học phí và các chế độ khác như nhau; đồng thời xây dựng khung học phí phù hợp với các quy chuẩn về điều kiện đảm bảo chất lượng để kiểm soát việc tăng học phí phải hợp lý, bảo vệ quyền và lợi ích cho người học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2018), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, số 34/2018/QH14;

2. Phạm Thị Huyền và đồng nghiệp (2017), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập;

3. Trần Phương (2011), Mô hình tư thục của Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, NXB Khoa học kỹ thuật;

4. Thái Vân Hà (2019), Phát triển trường đại học tư thục ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị;

5. Đặng Thị Minh (2014), Chính sách phát triển trường Đại học tư thục ở Việt Nam; 18. Hoàng Thị Xuân Hoa (2012), Tự chủ đại học: Xu thế của phát triển;

ThS. Vũ Thị Thảo

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số 12/2022
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực tài chính các trường đại học ngoài công lập tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận