Nâng cấp cà phê Việt, chinh phục thế giới

24/01/2023, 13:15

TCDN - Cà phê nông sản của Việt Nam đã vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe, xuất khẩu đến những thị trường khó tính, như: châu Âu, Mỹ, Úc... Các bên liên quan đang tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, đó là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp bước.

ảnh 1 - cafe

Châu âu chuộng cà phê nông sản

Công ty Cà phê Nông sản Việt Meet More đang có 7 sản phẩm bán tại Việt Nam và xuất khẩu sang 14 quốc gia trên thế giới.

Lý giải vì sao lại chọn cà phê nông sản mà không phải là cà phê truyền thống, người sáng lập Việt Meet More chia sẻ: “Cà phê của cà phê thì rất bình thường và các quốc gia đã có thức uống này. Cà phê là thức uống nữ hoàng, tất cả quốc gia đều dùng hàng ngày, nếu sử dụng lượng phù hợp thì rất tốt.

Giống như một phát minh mới từ nông nghiệp mà thế giới đang cần, bản thân họ đã biết đến một số loại trái cây của Việt Nam rồi nhưng chưa được thưởng thức, thậm chí là nhiều người chưa biết. Vậy tại sao lại không xuất khẩu thức uống kết hợp cà phê và nông sản?”.

Cũng theo nhà sáng lập này, đối với thị trường nước ngoài, doanh nghiệp đang có hướng đi tốt, khi thị trường đang “ăn hàng”. Điển hình như cà phê nông sản Meet More đã xuất khẩu sang 14 quốc gia trên thế giới, tăng trưởng đều, và mới đây đã thâm nhập được vào thị trường Séc, Pháp, Ba Lan ở khu vực châu Âu.

“Sau khi đưa hàng vào được 3 quốc gia trên, chúng tôi đã tham gia 1 hội chợ lớn nhất tại Pháp để giới thiệu về mặt hàng nông sản chế biến sâu của Việt Nam. Không ngờ được rằng, thị trường Pháp “ăn hàng” rất tốt. Chính vì vậy, trong năm 2023, chúng tôi xác định thị trường chính là châu Âu”, ông Luận chia sẻ.

Ông Luận, người nỗ lực chế biến sâu về nông sản và vươn ra thế giới

Ông Luận, người nỗ lực chế biến sâu về nông sản và vươn ra thế giới

Một trong những yếu tố để cho cà phê nông sản vào được các thị trường này là nó phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là hợp “gu”. Đối với người tiêu dùng ở các quốc gia này, “gu” cà phê của họ là nhẹ, chứ không đậm đặc như ở thị trường Việt Nam.

Ông Luận nói: “Một trong những khó khăn tiếp theo, sau khi chinh phục được “gu” của khách hàng là phải vượt qua hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn. Mỗi quốc gia lại có quy định riêng, vì thế, mình phải len lỏi để tìm hiểu về quy định của họ đối với việc nhập khẩu mặt hàng này. Từ đó mới điều chỉnh lại sản phẩm của mình theo từng nước”.

Đổi lại, may mắn và thuận lợi đối với sản phẩm cà phê nông sản Meet More đó chính là có hợp tác với nhà phân phối lớn nhất châu Âu, uy tín, có tâm huyết. “Họ là người bản địa nhưng gốc Việt, do người Việt điều hành nên thấu hiểu được và đồng hành cùng chúng tôi. Ngoài lợi nhuận, họ còn hiểu được giá trị về quảng bá văn hóa, hình ảnh, con người, nông sản của Việt Nam thông qua mỗi sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Đây là một trong những tiêu chí chúng tôi đánh giá rất cao và đã giao toàn bộ thị trường châu Âu cho họ phân phối. Còn đối với các doanh nghiệp bản địa, họ thường chỉ quan tâm tới lợi nhuận, ít khi quan tâm đến các câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm, nên khi có lợi nhuận họ mới làm”, ông Luận hồ hởi nói.

Khắc phục điểm yếu để tăng tốc

Hành trình khởi nghiệp – “khởi động” tìm kiếm, xây dựng sản phẩm đã khó, việc định vị và phát triển thị trường lại càng khó hơn bao giờ hết, nhất là tìm lối ra cho sản phẩm, hướng đi nào cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, để tồn tại, doanh nghiệp phải tính đến bài toán nguồn vốn và hàng loạt điểm yếu khác, nhất là hướng đến thị trường xuất khẩu.

Theo nhà sáng lập thương hiệu Cà phê nông sản Việt: “Để khắc phục một trong những điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đó là yếu tố toàn diện về nguồn lực tài chính, công nghệ, dây chuyền sản xuất, phát triển thị trường… Tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp phải có định hướng sản phẩm riêng và thương hiệu riêng. Làm sao để thực hiện được chiến lược phát triển doanh nghiệp và định vị được thị trường hiện nay là vấn đề chưa mấy ai làm đúng và trúng. Tôi nhận thấy, việc mở doanh nghiệp hay khởi nghiệp đang theo trào lưu là nhiều hơn”.

Thực tế, chúng ta đã nhận thấy điều này và tổ chức các khoá huấn luyện, đào tạo để cho mọi người khởi nghiệp nhưng đây cũng chỉ giải quyết được phần nào đó giúp doanh nghiệp định hình sản phẩm, thị trường. Còn muốn phát triển được không hề đơn giản, có khi sẽ mất nhiều thời gian hơn là 1 năm, 2 năm hay 5 năm. Hiện doanh nghiệp đang tự bơi là chính, mạnh doanh nghiệp nào, người đó tự tìm đường đi, như Meet More tự tìm thị trường, “gu” tiêu dùng của các quốc gia để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên thế giới.

Còn về nguồn vốn, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu nhỏ rất khó tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, nếu có thì lãi suất rất cao. Kinh nghiệm của Meet More là có bao nhiêu làm bấy nhiêu, trung thành với triết lý đã đề ra, thực hiện chế biến sâu để khẳng định và phát triển thương hiệu. “Hiện quy mô của doanh nghiệp đã qua giai đoạn khởi động và khởi nghiệp, đang chuẩn bị vào đường tăng tốc. Nhiều đối tác từ ASEAN, Trung Quốc đã tìm đến, đặt vấn đề hợp tác, vì vậy, bắt buộc tăng quy mô doanh nghiệp. Đây là một trong những tín hiệu rất mừng và chúng tôi đang kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan từ thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu”, ông Luận lạc quan nói.

Thanh Tùng

Tạp chí in số Xuân Quý Mão 2023
Bạn đang đọc bài viết Nâng cấp cà phê Việt, chinh phục thế giới tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Quý Mão 2023 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh, đạt trên 2,3 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 1,03 triệu tấn và 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua.