Nga đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt
TCDN - Nga sẽ phải chịu nhiều lệnh trừng phạt như: Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ quy chế đối xử kinh tế và thương mại đặc quyền đối với Nga, cấm việc sử dụng tiền điện tử, xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ của EU sang Nga; Mỹ và các đồng minh sẽ không giảm bớt áp lực trừng phạt đối với Nga...
Ngày 11/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ quy chế đối xử kinh tế và thương mại đặc quyền đối với Nga, cấm việc sử dụng tiền điện tử, xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ của EU sang Nga và nhập khẩu các sản phẩm thép.
Với sự phối hợp của Mỹ và các đồng minh thuộc Nhóm Các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) khác, các biện pháp mới tạo thành đợt trừng phạt thứ tư nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.
Bà Von der Leyen tuyên bố gói biện pháp trừng phạt này được áp dụng kể từ ngày 12/3. Cùng với các đồng minh phương Tây khác, trong đó có Mỹ, EU sẽ bãi bỏ quy chế thương mại "tối huệ quốc" đối với Nga. Điều này sẽ tạo điều kiện cho EU cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của Nga.
Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đảm bảo một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau.
Trước mắt, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép. EU cũng sẽ đặc biệt cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga - được coi là một đòn giáng mạnh vào giới tinh hoa Nga. Cuối cùng, khối sẽ cấm các khoản đầu tư mới của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Chủ tịch Von der Leyen cho biết EU cũng đang xúc tiến việc đình chỉ các tư cách thành viên của Nga ở các tổ chức đa phương lớn, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch Von der Leyen cho biết EC đang chuẩn bị các phương án hạn chế tác động của tăng giá khí đốt đối với giá điện ở châu Âu đồng thời giảm dần sự phụ thuộc nhiên liệu vào Nga.
Cụ thể, vào cuối tháng này, EC sẽ đưa ra các phương án để hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá khí đốt đến giá điện. Ngoài ra, vào tháng 5 tới, EC sẽ công bố kế hoạch để loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than của Nga vào năm 2027.
Theo Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU từ Nga đạt 145 tỷ euro (158,7 tỷ USD) trong năm 2019, trong đó dầu và khí đốt chiếm 101 tỷ euro.
Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với vợ và con của ông Peskov
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, nước này đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với vợ và con của người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov.
“Chúng tôi đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 12 thành viên của Duma Quốc gia Nga, những người đã dẫn đầu các nỗ lực công nhận cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, cũng như vợ và các con của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói tại một cuộc họp.
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu điều kiện để nới lỏng áp lực trừng phạt Nga
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, nước này và các đồng minh sẽ không giảm bớt áp lực trừng phạt đối với Nga cho đến khi Tổng thống Vladimir Putin thay đổi hướng đi trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Nga và Belarus nhất trí về các bước để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây
Thư ký báo chí của Tổng thống Belarus Natalia Eismont cho biết, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp ở Moscow đã nhất trí về các bước hỗ trợ lẫn nhau liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả về giá năng lượng.
“Phần thứ hai của cuộc hội đàm được dành cho các vấn đề thời sự của quan hệ song phương và xây dựng hợp tác liên quan đến áp lực từ phương Tây và Mỹ cũng như cuộc chiến hỗn hợp nổ ra chống lại Nga và Belarus”, bà Eismont nói.
Theo bà Eismont, các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí về các bước chung để hỗ trợ lẫn nhau liên quan đến áp lực trừng phạt, bao gồm cả về giá năng lượng.
“Các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa giữa các nước cũng được đề cập trong cuộc trò chuyện”, nữ phát ngôn viên Belarus cho hay.
Bà Eismont nói thêm rằng “trong lĩnh vực tài chính, các nhà lãnh đạo cũng đã đạt được các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”.
Cũng theo thư ký báo chí của Tổng thống Belarus, tại cuộc gặp ở Moscow hai nhà lãnh đạo Nga-Belarus đã đồng ý cung cấp cho Minsk những mẫu thiết bị quân sự hiện đại.
Ông Biden: NATO sẽ phản ứng với bất kỳ động thái nào của Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, quân đội Mỹ đã được cử đến biên giới của Nga, các đồng minh sẽ đáp trả bất kỳ bước đi nào của Moscow đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho dù điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đối tác của mình và gửi một thông điệp rõ ràng: chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO. Đó là lý do tại sao tôi cử 12.000 quân đến biên giới với Nga (Latvia, Estonia, Romania,…). Nếu phía Nga có động thái, tôi đảm bảo chúng tôi sẽ đáp trả”, ông Biden nói tại một hội nghị của đảng Dân chủ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899