Doanh nghiệp phương Tây đối mặt nguy cơ mất hàng tỷ USD nếu rời Nga

11/03/2022, 14:47

TCDN - Nhiều doanh nghiệp phương Tây tuyên bố rút hoàn toàn hoặc tạm đóng cửa hoạt động ở Nga. Tuy nhiên, chính quyền Moscow có thể sẽ quốc hữu hóa tài sản của họ và các doanh nghiệp này sẽ đối mặt nguy cơ mất hàng tỷ USD nếu rời thị trường Nga.

Theo CNN, Goldman Sachs là ngân hàng lớn đầu tiên của phương Tây thông báo rút khỏi Nga hôm 10/3 để tuân thủ các yêu cầu cấp phép và quy định, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, động thái này có thể khiến họ thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Goldman Sachs là ngân hàng Mỹ đầu tiên rời Nga.

Goldman Sachs là ngân hàng Mỹ đầu tiên rời Nga.

Hệ thống tài chính của Nga đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng khi các lệnh trừng phạt gây gián đoạn giao dịch và hoạt động của các tổ chức cho vay lớn, bao gồm ngân hàng trung ương, VTB và Sberbank.

Trước đó, Mỹ, Canada và nhiều nước phương Tây đã loại bỏ 7 ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng quốc tế cho các thực thể Nga vay trên 121 tỷ USD. Các ngân hàng châu Âu cho vay trên 84 tỷ USD, trong đó các ngân hàng Pháp, Italy và Áo có số nợ cao nhất, và các ngân hàng Mỹ cho Nga nợ 14,7 tỷ USD.

Goldman Sachs (GS) trước đó tiết lộ rằng họ cho Nga vay 650 triệu USD vào tháng 12/2021.

Theo ngân hàng Societe Generale, tổng dư nợ của Nga vào cuối năm ngoái tại ngân hàng này xấp xỉ 21 tỷ USD. Ngoài ra, những ngân hàng có dư nợ lớn từ Nga tại châu Âu bao gồm BNP Paribas của Pháp (3,3 tỷ USD, tính cả phần của Ukraine), UniCredit của Italy (8,1 tỷ USD), Credit Suisse của Thụy Sĩ (1,1 tỷ USD), Deutsche Bank của Đức (1,5 tỷ USD).

Nga cũng đang nợ nhiều ngân hàng khác tại Mỹ như Citigroup, khoảng 10 tỷ USD. Mark Mason, Giám đốc tài chính của ngân hàng cho biết ngân hàng có thể thiệt hại tối đa 50% mức rủi ro trong kịch bản nghiêm trọng.

Hôm 10/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lên tiếng về những rủi ro đối với lĩnh vực ngân hàng. Dù nhiều thứ để mất, các ngân hàng khác vẫn có thể sớm theo chân Goldman Sachs rời khỏi Nga. Tuy nhiên, họ lo ngại tài sản có thể bị Điện Kremlin tịch thu hoặc quốc hữu hóa.

Ngoài lĩnh vực ngân hàng, nhiều doanh nghiệp phương Tây khác cũng tuyên bố rút hoàn toàn hoặc tạm đóng cửa hoạt động ở Nga. McDonald’s hay Ikea, biểu tượng cho sự hội nhập của nước Nga thời hậu Xô Viết, đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng và nhà máy.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/3 cho biết tình hình kinh tế ở Nga là "hoàn toàn chưa có tiền lệ" và đổ lỗi cho phương Tây về một "cuộc chiến tranh kinh tế". Moskva đã cam kết sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt và một số ngân hàng cho rằng tài sản của họ có thể bị Điện Kremlin tịch thu hoặc quốc hữu hóa, theo TTXVN.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Vladimir Putin cũng đang khuyến khích hoạt động quốc hữu hóa tài sản của các công ty phương Tây rút khỏi Nga. Ông cho rằng tài sản của các công ty như vậy nên được đặt dưới sự quản lý và chuyển giao “cho những người muốn làm việc”, Tổng thống Nga nói trên truyền hình.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương đã áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng tiền, bao gồm ngăn các công ty rút hơn 5.000 USD tiền mặt trong 6 tháng tới.

Gia Linh/Theo CNN
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp phương Tây đối mặt nguy cơ mất hàng tỷ USD nếu rời Nga tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan