Ngân hàng Coop-Bank chuyển đổi số để phát triển bền vững

02/06/2023, 10:11
báo nói -

TCDN - Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Coop-Bank) vừa thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng và Triển khai chiến lược công nghệ thông tin, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chuyển đổi số, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN về Phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 11/05/2021 nhằm đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.

Triển khai thực hiện Quyết định này, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Coop-Bank) đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai Chiến lược công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Coop-bank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 249/2021/QĐ-NHHT ngày 27/09/2021. Coop-Bank cùng với sự tài trợ của dự án STEP đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và công nghệ thông tin đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng và Triển khai chiến lược công nghệ thông tin, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng và Triển khai chiến lược công nghệ thông tin, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tính đến hết tháng 5/2023, toàn hệ thống Coop-Bank có gần 300.000 tài khoản thanh toán, tăng hơn 200% về số lượng tài khoản và số dư casa, tăng hơn 50% so với thời điểm trước triển khai sản phẩm số. Số lượng giao dịch trên kênh Mobile Banking trung bình 300.000 giao dịch/tháng với tổng giá trị hơn 6.000 tỷ đồng.

Doanh thu từ dịch vụ số tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Coop-Bank còn là đầu mối hỗ trợ các Quỹ tín dụng nhân dân trong quá trình chuyển đổi số nhằm đưa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại tới các đối tượng khách hàng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN, chuyển đổi số phải gắn liền với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và sự phát triển bền vững, hiệu quả của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Với tiềm lực tài chính hạn chế, Coop-Bank vẫn rất chú trọng đầu tư cho chuyển đổi số gắn với đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho các hệ thống thông tin cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Đây cũng là xu thế phát triển chung của Coop-Bank và cả hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên toàn quốc.

Ngoài việc đầu tư các trang thiết bị mạng, bảo mật, hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu và Trụ sở chính, Coop-Bank cũng rất chú trọng việc thường xuyên nâng cấp hạ tầng mạng, an ninh bảo mật, hạ tầng công nghệ thông tin tại các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống Coop-Bank.

Coop-Bank đang đầu tư nâng cấp, thay thế các thiết bị mạng, bảo mật cho các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc trong toàn hệ thống. Mọi thủ tục đầu tư đều tuân thủ đúng các quy định hiện hành, đảm bảo công khai minh bạch.

Mục tiêu của việc thay thế, nâng cấp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, phục vụ tốt hơn hoạt động nghiệp vụ của các chi nhánh, phòng giao dịch, nâng cao năng lực quản trị điều hành trong toàn hệ thống. Đây là một trong những cấu phần của toàn bộ các giải pháp cần thực hiện để thực hiện thắng lợi chiến lược chuyển đổi số tại Coop-Bank.

Hiện nay, mạng lưới của Coop-Bank gồm 32 chi nhánh, 67 phòng giao dịch. Coop-Bank còn là đầu mối chăm sóc, hỗ trợ gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân thành viên ở các xã, phường trên toàn quốc.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế, vai trò là ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân, đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Coop-Bank luôn đồng hành cùng sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam rất quan tâm đến công tác hỗ trợ an sinh xã hội với nhiều dự án, chương trình tài trợ trên khắp cả nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Coop-Bank) tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong những năm qua đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới các sản phẩm, dịch vụ hiện có và phát triển các sản phẩm mới nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu của khách hàng.

Đầu mối về điều hoà vốn, thanh toán, cung ứng các dịch vụ cho các Qũy tín dụng nhân dân. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tư vấn cho các Quỹ tín dụng nhân dân thành viên về tổ chức, quản trị và điều hành. Quản lý các quỹ bảo đảm an toàn hệ thống Qũy tín dụng nhân dân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đào tạo hướng dẫn một số nghiệp vụ cho các Quỹ tín dụng nhân dân

.

Hoàng Nhung
Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Coop-Bank chuyển đổi số để phát triển bền vững tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan