Ngân hàng dự kiến nới lỏng cho vay chứng khoán, siết cho vay bất động sản
TCDN - Trong 6 tháng cuối năm các tổ chức tín dụng dự kiến giảm bớt “thắt chặt” đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi vẫn “giữ nguyên” xu hướng “thắt chặt” đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD, trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực. Tại kỳ điều tra này, các TCTD giữ nguyên mức kỳ vọng về xu hướng gia tăng nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tính chung trong năm 2022 như tại kỳ điều tra trước; trong đó dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân, nhu cầu tín dụng ngắn hạn “tăng” tương đương nhu cầu tín dụng trung dài hạn, nhu cầu tín dụng VNĐ cao hơn tín dụng ngoại tệ.
Đến thời điểm 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Nhu cầu tín dụng “phục vụ đời sống và tiêu dùng” được nhiều TCTD dự báo “tăng” nhất trong năm 2022, tiếp theo là nhu cầu về vay thương mại, dịch vụ và vay phát triển công nghiệp, xây dựng, trong khi nhu cầu tín dụng “phát triển nông, lâm, thủy sản” được ít TCTD dự báo “tăng” nhất.
Trong các lĩnh vực cho vay cụ thể, “đầu tư vận tải kho bãi”, “kinh doanh xuất nhập khẩu”, “mua nhà để ở” và “công nghiệp chế biến chế tạo” là 4 lĩnh vực có số lượng TCTD dự báo nhu cầu tín dụng “tăng” nhiều nhất trong năm 2022.
Tương tự năm 2021, “diễn biến tăng trưởng kinh tế”, “thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của khách hàng”, “cơ hội đầu tư xuất nhập khẩu”, “diễn biến lãi suất” và “chất lượng phục vụ của đơn vị được cải thiện” là những nhân tố tiếp tục được nhiều TCTD kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022.
Trong khi “diễn biến lãi suất” và “thị trường bất động sản” được nhiều TCTD dự báo là những nhân tố chính có thể dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu tín dụng của khách hàng trong năm 2022.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, bên cạnh 62,1% TCTD kỳ vọng mặt bằng rủi ro tín dụng “ổn định”, tỷ lệ TCTD dự báo rủi ro tín dụng “tăng” (26,3%) cao hơn tỷ lệ TCTD kỳ vọng “giảm” (11,6%) và tỷ lệ TCTD có cùng nhận định trong 6 tháng đầu năm 2022 (25,3%) nhưng thấp hơn so với tỷ lệ TCTD dự báo “tăng” tại kỳ điều tra trước (26,9%).
Trong năm 2023, các TCTD dự báo rủi ro tín dụng “giữ ổn định” hoặc “tăng” rất nhẹ so với năm 2022. Riêng rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực “đầu tư phát triển nông, lâm, thủy sản”; “cho vay phục vụ nhu cầu đời sống” được kỳ vọng
Tại kết quả điều tra lần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các TCTD cho biết có xu hướng “nới lỏng” hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân và các lĩnh vực ưu tiên; giảm mạnh xu hướng “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng đối với lĩnh vực “đầu tư, kinh doanh du lịch”, về cơ bản “giữ nguyên” tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và có xu hướng thắt chặt nhẹ đối với các lĩnh vực “đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “đầu tư kinh doanh bất động sản”, “kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”.
Chuyển sang 6 tháng cuối năm 2022, các TCTD dự kiến “giữ nguyên” hoặc có xu hướng “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình, dự kiến áp dụng đối với tất cả các nhóm KH, trong đó tập trung “nới lỏng” hơn đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Đồng thời dự kiến giảm bớt “thắt chặt” đối với lĩnh vực “cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, “cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch” so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi vẫn “giữ nguyên” xu hướng “thắt chặt” đối với lĩnh vực “cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”.
Các TCTD cho biết cơ sở để dự kiến “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục là kỳ vọng lạc quan về các yếu tố “Triển vọng kinh tế vĩ mô”, “Chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN” cùng với “năng lực tài chính của TCTD”.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD, cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và các hoạt động của ngân hàng trong bối cảnh các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, các TCTD cần lưu ý, rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của tổ chức mình, nhận diện những rủi ro và có những cách thức xử lý phù hợp; đặc biệt là cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn cho phù hợp, đảm bảo cân đối về thời hạn, tránh trường hợp phải đối mặt với rủi ro về thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899