Ngành Bảo hiểm đối mặt với "khủng hoảng niềm tin"
TCDN - Loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng kéo niềm tin, chỉ số cảm xúc tiêu cực khách hàng với ngành Bảo hiểm tăng 19 lần. Các doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với cuộc "khủng hoảng niềm tin" lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố “Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023”. Trong đó, chia thành 2 danh sách “Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín” và “Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín”.
Theo đánh giá của Vietnam Report, năm 2022, ngành Bảo hiểm dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm song tương đối ổn định. Hàng loạt chỉ tiêu quan trọng của thị trường Bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng khả quan. Theo số liệu từ Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,1% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,0%; trong khi lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự bứt phá mạnh (tăng 15,3%) so với năm 2021 - mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Báo cáo ghi nhận tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả khoảng trên 64.018 tỷ đồng (tăng 23,3% so với năm 2021). Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 656.423 tỷ đồng (tăng 12,6% so với năm 2021).
Tuy nhiên, sang năm 2023, loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tin tiêu cực tăng đột biến. Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát cho rằng, đây là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải trong năm nay.
Kết quả phân tích cho thấy, các cuộc thảo luận về chủ đề bảo hiểm trong năm 2022, cảm xúc chủ đạo của khách hàng đa số là trung tính (chiếm 61,5%), trong khi tiêu cực là 2,2%. Tuy nhiên, sang năm 2023, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng đã lên 54,0% (gấp 19 lần).
Thống kê từ đầu năm nay cho thấy, việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh đại lý của toàn thị trường đều giảm sút, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự, ở kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, phí khai thác mới của hầu hết doanh nghiệp có thị phần đứng đầu cũng đều giảm mạnh.
“Đây là giai đoạn khủng hoảng lớn nhất về mặt niềm tin của thị trường”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam bày tỏ.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm và hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh thị trường bảo hiểm như từ tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thông báo đường dây nóng, email để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm.
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến thực hiện ở doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Cơ quan này cũng đã làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2/2023 của Bộ Tài chính diễn ra ngày 16/6, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - thông tin về kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bán chéo sản phẩm qua một số ngân hàng thương mại. Kết quả cơ quan kiểm tra đã phát hiện sai phạm nhất định.
Đến nay, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã hoàn tất kết luận thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 849.411 tỷ đồng (tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 730.540 tỷ đồng.
Trong số đó, đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708.373 tỷ đồng (tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 642.816 tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899