Nghệ An: Công ty Synot Asean muốn rót thêm 1.000 tỷ đồng xây dựng khu du lịch sinh thái
TCDN - “Nếu được tỉnh chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, Công ty Cổ phần Synot Asean (Nghệ An) sẽ đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng để xây dựng khu du lịch sinh thái tại xã Hưng Mỹ - huyện Hưng Nguyên để tạo ra nhiều giá trị và phát triển bền vững", Công ty Synot Asean cho hay.
Công ty Cổ phần Synot Asean (Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp vừa nộp hồ sơ gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án “Nuôi cá rô phi Israel công nghệ cao tại xã Hưng Mỹ - huyện Hưng Nguyên” thành dự án “Nuôi cá rô phi Israel công nghệ cao kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái”.
Cụ thể, dự án vẫn giữ nguyên mục tiêu chính ban đầu là nuôi cá rô phi Isarel công nghệ cao nhưng kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái.
Dự án giữ nguyên quy mô diện tích các hạng mục liên quan đến nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 5704 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 với tổng diện tích 30.465m2 phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh tăng, giảm một số hạng mục và bổ sung thêm một số hạng mục mới phục vụ chăn nuôi, sản xuất, chế biến, diện tích sau điều chỉnh là 1.742,0m2. Điều chỉnh tăng, giảm một số hạng mục và bổ sung một số hạng mục mới khu hành chính, dịch vụ du lịch, diện tích 4.057,5m2.
Đề nghị điều chỉnh tăng, giảm một số hạng mục và bổ sung một số hạng mục trong hệ thống sân, bãi đậu xe, đường nội bộ, khu cây xanh cho phù hợp, sau điều chỉnh có diện tích 27.732,9m2.
Tổng diện tích xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và hành chính dịch vụ du lịch sau điều chỉnh là 5.799,5m2 được dự kiến phân bố sử dụng trong phần đất thương mại dịch vụ 8.758,6m2 đã được phê duyệt tại quyết định số 221 của UBND tỉnh Nghệ An. Doanh nghiệp cũng kiến nghị nâng mức đầu tư của dự án.
Hiện, tổng thể dự án có gần 9.000m2 đất thương mại dịch vụ, Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua quan sát, trên phần diện tích đất dịch vụ thương mại của dự án đã hình thành một số hạng mục cảnh quan như mô hình 7 kì quan thế giới, núi giả sơn… được nhiều bạn trẻ và du khách yêu thích đến check-in.
Ngoài ra, công ty có nhiều cây xanh bóng mát cộng với môi trường an toàn và yên tĩnh đã thu hút rất nhiều chim, cò về cư ngụ, sinh sôi. Các sản phẩm nông nghiệp sạch của công ty sản xuất cũng được người dân trên địa bàn đánh giá cao.
Ông Nguyễn Như Ý - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Synot Asean chia sẻ: “Nếu thuần túy nuôi cá rô phi, sản xuất nông nghiệp thì mức lợi nhuận thấp, sẽ lãng phí tài nguyên đất đai và không tận dụng được vị trí thuận lợi của vùng phụ cận thành phố Vinh. Do đó, công ty xin điều chỉnh dự án để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, tạo ra cảnh quan đẹp thu hút du khách, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp, tăng mức nộp ngân sách nhà nước”.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái là xu hướng mới, hiệu quả và bền vững trong phát triển kinh tế hiện nay. Vì vậy, mong muốn các sở ban ngành và UBND tỉnh Nghệ An xem xét mục tiêu tổng thể của dự án, sự tác động tích cực tới sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh dự án”.
Vị đại diện của Công ty Cổ phần Synot Asean còn cho biết thêm: “Doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án tại xã Hưng Mỹ 600 tỉ đồng. Nếu được tỉnh chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, Công ty sẽ đầu tư tiếp khoảng 1.000 tỉ đồng, để xây dựng nơi đây thành một khu du lịch sinh thái đẳng cấp nhất khu vực, đồng thời xây dựng thêm nhiều mô hình văn hóa các dân tộc, để dự án trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân Hưng Nguyên, TP Vinh nói riêng cũng như toàn tỉnh và cả nước nói chun đến tham quan, trải nghiệm”.
Được biết, hiện nay trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận chưa có khu du lịch sinh thái nào quy mô và có nhiều mô hình hấp dẫn để thu hút du khách. Trong khi dự án của Công ty Cổ phần Synot Asean tại xã Hưng Mỹ chỉ cách TP Vinh chưa đầy 5km, rất thuận tiện cho người dân và du khách tham quan.
“Du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái xanh là mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường đang được quan tâm của đông đảo doanh nghiệp du lịch và du khách, có thể kết hợp làm nơi để học sinh các cấp tham quan, trải nghiệm, học hỏi, vui chơi.
Hi vọng một số điều chỉnh hợp tình, hợp lý của doanh nghiệp được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và chấp thuận để tỉnh có thêm một điểm đến du lịch trải nghiệm hấp dẫn và bổ ích” – chuyên gia du lịch Nguyễn Hữu Bắc chia sẻ.
Trong 1 diễn biến liên quan, trước đó, ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và nhấn mạnh: Nghệ An xác định đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp tối thiểu 10% vào GRDP của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới Nghệ An sẽ triển khai chiến lược phát triển du lịch của tỉnh một cách toàn diện, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư để phát triển các sản phẩm du lịch và kết hợp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Tỉnh sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối các điểm du lịch và tập trung thu hút đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho phát triển du lịch; Tập trung quảng bá thương hiệu, các điểm du lịch của Nghệ An cho du khách, thông qua môi trường số; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch thời gian tới.
Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, phải thay đổi tư duy làm du lịch sau đại dịch Covid-19 theo tinh thần sáng tạo hơn, đổi mới hơn. Trong cách tiếp cận với du lịch thì phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không phải cái ta có.
Phát triển ngành du lịch những năm tới phải có đột phá, theo tinh thần của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08. Phát triển du lịch phải đặt tổng thể trong phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Phát triển du lịch gắn với kinh tế, văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc, lịch sử truyền thống của con người Việt Nam, gắn kết với quá trình chuyển đổi số, với sự phát triển mới.
Về các giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải gắn kết phát triển du lịch với hoạt động kinh tế - xã hội từng năm, trong giai đoạn; chú trọng du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh... Xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà. Rà soát các quy định pháp luật, các chính sách để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về con người, cơ sở vật chất, phương thức, cách làm, cách tổ chức các tour, tuyến du lịch. Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch độc đáo, luôn luôn đổi mới; tăng cường quản lý môi trường, sinh thái du lịch; xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế; hình thành các nhóm hợp tác với các quốc gia, phát huy vai trò của các cơ quan đại diện tại nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phát triển du lịch xanh, bền vững. Các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, luôn luôn làm mới sản phẩm; tăng cường công tác truyền thông.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899