Nghệ An: Hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới

09/09/2022, 11:34
báo nói -

TCDN - Chiều ngày 8/9, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới diễn ra tại thành phố Vinh.

Hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới của tỉnh Nghệ An.

Hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới của tỉnh Nghệ An.

Hội thảo do ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến, bài tham luận sâu sắc của các Sở, ban ngành Nghệ An nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới.

Cụ thể, Sở Xây dựng Nghệ An thẳng thắn nhìn nhận về những chỉ tiêu quan trọng như: Tiếp cận tài liệu quy hoạch, tiếp cận tài liệu pháp lý thì Nghệ An đều bị đánh giá rất thấp, đứng gần cuối bảng xếp hạng (60/63). Tồn tại này xuất phát từ 4 nhóm nguyên nhân. Cụ thể:

Nhóm thứ nhất: Công tác lập quy hoạch cho giai đoạn tới nhiều vướng mắc.

Mặc dù quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành khối lượng lớn các quy hoạch ở các cấp độ đã tạo tiền đề cho việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển đô thị, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và có vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020. Để chuẩn bị cho phát triển giai đoạn tới, rất nhiều quy hoạch xây dựng đã đến kỳ phải điều chỉnh và phải lập mới sau khi Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, bao gồm quy hoạch vùng các huyện, quy hoạch các đô thị, các khu chức năng, quy hoạch nông thôn... Yêu cầu đặt ra lớn nhất trong quá trình này chính là phải lập các loại quy hoạch này rất nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng và sát với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ khi lập đồng thời các quy hoạch đó là: Nguồn kinh phí cho công tác lập quy hoạch tương đối lớn trong khi điều kiện kinh tế của tỉnh hạn chế, không tìm được đơn vị tư vấn chất lượng do quá tải, Pháp luật về quy hoạch còn nhiều chồng chéo...

Nhóm thứ 2: Việc cung cấp thông tin các loại quy hoạch còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân do việc tổ chức số hóa dữ liệu quy hoạch để đưa lên mạng nhằm thuận lợi cho việc cung cấp thông tin về quy hoạch đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, phải thực hiện trong thời gian dài. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin phục vụ cho công tác công bố thông tin lên mạng chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đồng bộ hóa các loại dữ liệu quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành khác) chưa có cơ chế vận hành thống nhất.

Nhóm thứ 3: Việc phân cấp thực hiện các thủ tục về xây dựng chưa triệt để.

Thời gian qua, việc phân cấp thực hiện các thủ tục về xây dựng cho chính quyền cấp huyện đã thực hiện được nhiều nội dung như phê duyệt một số loại quy hoạch, thẩm định thiết kế, cấp phép, nghiệm thu theo quy định pháp luật. Tuy nhiên việc phân cấp này còn chưa triệt để theo quy định của pháp luật về xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực quản lý và nhân sự của các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhóm thứ 4: Thủ tục hành chính trong quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ngoài ngân sách chưa phù hợp.

Hiện nay, để xem xét chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 việc lấy ý kiến về các cấp ngành được thực hiện đồng thời. Do các đề xuất của nhà đầu tư không có đủ thông tin về vị trí khu đất nên khó khăn trong đánh giá về sự phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất nên không có cơ sở để các sở ngành trả lời. Để đầy đủ thông tin, các sở ngành phải làm thêm văn bản đề nghị chính quyền địa phương nơi có dự án báo cáo. Như vậy vừa tăng số lượng công việc, mất nhiều thời gian dẫn đến ảnh hưởng đến các công việc khác của các sở ngành. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư nên hồ sơ thiếu thông tin hoặc không phù hợp với các quy định pháp luật về chuyên ngành, dẫn đến phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa hồ sơ.

Theo Sở Xây dựng Nghệ An, để cải thiện và nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới của tỉnh, Ngành Xây dựng sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đóng góp vào việc nâng cao chỉ số thành phần mà ngành có liên quan trực tiếp:

“Về công tác lập quy hoạch: Theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về “tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030” có cho phép “Lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.”. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức lập đồng thời các quy hoạch, nhằm rút ngắn thời gian lập quy hoạch. Trong quá trình lập Quy hoạch Tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã cho phép các địa phương được triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng các huyện và điều chỉnh quy hoạch một số đô thị. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt sẽ tiếp tục lập các quy hoạch ở cấp độ phân khu, chi tiết. Đề nghị chính quyền các cấp cần quan tâm bố trí kinh phí cho công tác lập quy hoạch, đồng thời quan tâm chỉ đạo đôn đốc triển khai thực hiện.

Về cung cấp thông tin các loại quy hoạch: Trong thời gian tới cần triển khai số hóa dữ liệu quy hoạch để quản lý quy hoạch có hiệu quả, hỗ trợ cho công tác lập quy hoạch và công khai quy hoạch lên mạng để mọi đối tượng được tiếp cận thông tin đầy đủ kịp thời. Tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng thông tin và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành trong việc đồng bộ hóa các loại dữ liệu quy hoạch.

Về phân cấp thực hiện các thủ tục về xây dựng: Hiện nay, Sở Xây dựng đang tham mưu cho UBND tỉnh để thay thế Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND quy về phân công, phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, theo hướng phân cấp nhiều hơn nữa cho thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cho chính quyền cấp huyện nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời cũng đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu phân cấp thực hiện một số nội dung về quản lý thị trường bất động sản, cấp phép theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Về thủ tục hành chính trong quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án: Đề nghị sớm ban hành tài liệu hướng dẫn các thủ tục về đầu tư để các nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ thông tin để thực hiện theo đúng quy định”.

Trong những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 và năm 2020, xếp thứ 18/63 tỉnh thành trên cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ; những điểm nghẽn, tồn tại hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh dần được tháo gỡ, khắc phục; tình hình thu hút đầu tư đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Trong giai 2016-2021, toàn tỉnh thu hút được 733 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 112.166,5 tỷ đồng, tăng cả về số lượng và chất lượng dự án so với giai đoạn trước. Riêng 08 tháng đầu năm 2022, đã cấp mới 80 dự án, điều chỉnh 77 lượt  dự án, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là là 31.461 tỷ đồng; đứng thứ 9 cả  nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư cấp mới và điều chỉnh  là 580 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có  tiềm lực, thương hiệu, uy tín quan tâm đầu tư các dự án quy mô lớn tạo động lực  phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp  vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đặc biệt, đã thu hút được các nhà đầu tư kinh  doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, giải quyết  được điểm nghẽn về mặt bằng sạch, tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án trên địa  bàn tỉnh.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chỉ số PCI của tỉnh vẫn còn một khoảng cách tương đối xa so với các tỉnh nằm trong top đầu cả nước, tốc độ cải thiện còn chậm hơn nhiều tỉnh, thành khác. Năm 2021, tuy có điểm số tăng so với năm 2020 nhưng thứ hạng chỉ số PCI của Nghệ An giảm 12 bậc so với năm 2020, xếp thứ 30/63 tỉnh thành cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương phân tích từng chỉ số thành phần PCI, đánh giá kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, về nhóm giải pháp chung, cần chú trọng thực hiện:

Tiếp tục nâng cao vai trò, nhận thức, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy cơ sở, người đứng đầu về tầm quan trọng, ý nghĩa việc cải thiện chỉ số PCI.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Thực hiện rà soát, điều chỉnh phù hợp, đồng bộ các loại quy hoạch như: quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu chức năng… Thực hiện quản lý công khai, minh bạch các quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025, Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025, Đề án Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, trong đó tập trung tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, cải cách hành chính và chất lượng nguồn nhân lực trong thu hút đầu tư.

Đối với giải pháp cụ thể để cải thiện từng chỉ số thành phần PCI, kiến nghị UBND tỉnh phân công trách nhiệm cho từng đơn vị trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nhằm tập trung cải thiện các chỉ số chuyển biến chậm, xếp hạng thấp, đồng thời duy trì và nâng cao hơn nữa các chỉ số đã được cải thiện tốt.

Mục tiêu đến năm 2025, chỉ số PCI tỉnh Nghệ An nằm trong top 15 của cả nước. Hi vọng rằng, Hội thảo diễn ra sẽ đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại Nghệ An để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và đặc biệt nâng cao hơn nữa Chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An, phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ngọc Tuấn
Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nghệ An: Dự án sân golf, biệt thự Cửa Lò 'treo' 15 năm
Đã 15 năm trôi qua, nhiều hạng mục Dự án Tổ hợp sân Golf, khách sạn và biệt thự thị xã Cửa Lò với tổng mức đầu tư hơn 1.527 tỷ đồng vẫn còn dang dở, gây lãng phí tài nguyên, nợ tiền sử dụng đất và đặc biệt làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An.