Nghiên cứu năng lực thông tin của sinh viên ngành kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số

26/03/2024, 22:09
báo nói -

TCDN - Bài viết giúp các sinh viên và những người làm công tác giáo dục có cái nhìn cụ thể, bao quát hơn về năng lực thông tin của sinh viên trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trong những năm gần đây.

4-1

TÓM TẮT:

Năng lực thông tin là một trong những kiến thức và kỹ năng then chốt, cần thiết trong việc nghiên cứu bất kỳ lĩnh vực nào. Đó là điều kiện tiên quyết cho việc học tập và cho phép người học tham gia một cách chủ động và có phê phán vào nội dung học tập và mở rộng việc nghiên cứu, trở thành người có khả năng tự định hướng, tự kiểm soát tốt hơn quá trình học của mình. Khi các trường đại học ngày càng có xu hướng lồng ghép việc phát triển và đánh giá các kỹ năng này vào việc đào tạo ở bậc đại học, là cơ sở quan trọng cho việc phát triển các kỹ năng khác. Các nghiên cứu về năng lực thông tin hiện nay chưa hệ thống hóa và làm rõ được năng lực thông tin như thế nào của sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành kế toán. Bài viết giúp các sinh viên và những người làm công tác giáo dục có cái nhìn cụ thể, bao quát hơn về năng lực thông tin của sinh viên trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trong những năm gần đây.

1. Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyển đổi số trong kế toán có thể hiểu là việc ứng dụng các công nghệ số vào các nghiệp vụ kế toán, giúp cho các nghiệp vụ kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bài viết trao đổi về những khó khăn, thách thức, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số trong kế toán dưới bối cảnh tác động của công nghệ số. Theo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), qua đánh giá về việc tiếp cận Cách mạng công nghệ 4.0 đối với ngành nghề kế toán và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này nói chung, có thể thấy Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên. Tuy nhiên, những khảo sát về sự quan tâm và hiểu biết của người làm trong lĩnh vực kế toán về tác động của công nghệ số đối với nghề nghiệp của mình cho thấy, đang có sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trong tư duy.

Theo kết quả khảo sát của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về ảnh hưởng của Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, về mức độ quan tâm có hơn ½ Kiểm toán viên (KTV) quan tâm cao và chỉ hơn 10% KTV quan tâm đặc biệt; 1/3 KTV cho rằng CMCN 4.0 là vấn đề bình thường như mọi việc khác. Về mức độ tác động, theo khảo sát có 67% các doanh nghiệp kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 đang và sẽ tác động lớn đến ngành nghề kế toán, kiểm toán; 5% nhận thức được CMCN 4.0 sẽ tác động làm biến đổi sâu sắc đến toàn ngành nghề trong tương lai không xa; Có đến 25% các DN kiểm toán, KTV cho rằng CMCN 4.0 chỉ tác động bình thường như yếu tố khác hiện đang tác động đến công việc của họ (như cạnh tranh giá phí, các kỹ thuật kế toán - kiểm toán truyền thống, tuân thủ chuẩn mực, chính sách chế độ…); Có đến 3% cho rằng CMCN 4.0 ít tác động đến công việc mà họ đang thực hiện cung cấp cho khách hàng.

Về ứng dụng thực tế, để tiếp cận với chuyển đổi số nói chung, nhiều doanh nghiệp kế toán, kiểm toán đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghề nghiệp. Hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ số đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng vào trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, như: phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán điện tử, phần mềm bán hàng điện tử, phần mềm văn phòng điện tử... Bên cạnh đó, các DN đã dành nguồn lực để đầu tư về mặt công nghệ và về mặt đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động nghề nghiệp và cung cấp dịch vụ.

Trong hoạt động quản lý nhà nước, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán được Bộ Tài chính quan tâm đẩy mạnh thông qua việc tạo ra khuôn khổ pháp lý khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Trong đó, Chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán kiểm toán - kiểm toán đến năm 2030 tiếp tục khẳng định định hướng, mục tiêu về chuyển đổi số: “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán - kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán - kiểm toán".

Kết quả khảo sát những người hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam của nhóm tác giả Nguyễn Phước Bảo Ấn và cộng sự (2021) cho thấy, sự hiểu biết của người hành nghề kế toán, kiểm toán về các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán không cao. Trong đó, phần mềm kế toán được người hành nghề kế toán, kiểm toán có mức độ hiểu biết cao nhất (mức 4). Các công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối, ứng dụng ERP, phần mềm kế toán đám mây có được biết đến nhưng chỉ ở mức độ không rõ ràng.

Về thực trạng ứng dụng các công nghệ trong hệ thống thông tin kế toán của các doanh nghiệp cho thấy, 58,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã ứng dụng và vận hành thành thạo, chuyên nghiệp phần mềm kế toán. Ngoài ra, một số các phần mềm khác cũng được các doanh nghiệp sử dụng thành thạo nhưng tỷ lệ chưa cao như phần mềm lập hoá đơn điện tử trên nền công nghệ chuỗi khối - Blockchain (26,8%); hệ thống ERP (15,7%) và phần mềm kế toán đám mây (10,5%).

Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cơ sở hạ tầng CNTT chưa tương xứng: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới và chưa được chú trọng đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, bài toán nan giải đặt ra đó là do việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng số không phải là việc có thể tiến hành nhanh, trong khi việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Sự thiếu hụt nhân sự tài chính, kế toán chất lượng cao: Trong lĩnh vực kế toán, nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất bởi các kiến thức chuyên sâu và gắn với lợi ích của nhiều bên liên quan.

Thực tế đã chứng minh, nguồn nhân lực trong ngành Kế toán, kiểm toán ở Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng cũng chưa cao. Thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh.

Trong khi đó, kỷ nguyên số hóa ngày nay với những công nghệ mới lại đòi hỏi trình độ của nhân sự tài chính, kế toán, kiểm toán rất cao. Lo ngại bài toán bảo mật dữ liệu: Sự ra đời của các công nghệ trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi hoàn toàn phương thức, quy trình kế toán truyền thống: toàn bộ dữ liệu được số hóa thành các thông tin điện tử, công nghệ blockchain trở thành “sổ cái” khổng lồ... Tuy nhiên, các nguy cơ bị mất cắp các dữ liệu thông tin kế toán, kiểm toán là rất hiện hữu trong môi trường mạng. Đây là một nguy cơ mà các kế toán, kiểm toán cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới. Nếu không có chính sách hay biện pháp bảo mật thì việc lộ thông tin, đánh cắp thông tin là điều dễ nảy sinh..Sự không phù hợp giữa tư duy lối mòn cũ và văn hóa doanh nghiệp với sự đổi mới công nghệ số: Chiến lược tư duy truyền thống không còn phù hợp đối với doanh nghiệp kế toán kiểm toán. Văn hóa là một yếu tố đóng góp lớn vào sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số. Văn hóa mới trong tổ chức phải được thiết lập, đảm bảo rằng các nhân viên tin vào tiềm năng chuyển đổi số và đồng lòng thay đổi hướng đến mục đích chung của DN.

2. Năng lực thông tin của sinh viên kế toán trong thời kỳ chuyển đổi số

Đối với sinh viên ngành kế toán, việc hiểu biết sâu rộng về các phần mềm và công cụ kế toán là cơ bản. Tuy nhiên, năng lực thông tin không chỉ là việc biết sử dụng các công nghệ hiện đại mà còn liên quan chặt chẽ đến khả năng phân tích số liệu, xử lý dữ liệu lớn và áp dụng các phương pháp phân tích dựa trên dữ liệu để đưa ra các quyết định thông minh. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực kế toán không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình làm việc mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên ngành kế toán. Năng lực sử dụng các phần mềm kế toán, hệ thống ERP và khả năng làm việc trên các nền tảng làm việc trên điện thoại đám mây trở thành yếu tố quyết định sự thành công trong ngành này. Sinh viên kế toán cần có khả năng ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề kế toán hiện đại. Sự hiểu biết bền vững về phần mềm kế toán chuyên sâu như QuickBook, SAP hay Microsoft Dynamics sẽ giúp thích ứng nhanh chóng với một môi trường chuyển đổi số,sinh viên cần có khả năng áp dụng linh hoạt những kiến thức này vào công việc kế toán hàng ngày, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất làm việc. Đồng thời, việc nắm vững kỹ năng xử lý dữ liệu lớn và khai thác thông tin từ các nguồn khác nhau sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của sinh viên trong ngành kế toán. Không chỉ dừng lại khả năng sử dụng công nghệ , mà còn quan trọng là khả năng phân tích và tư duy logic. Hơn hết ,việc học kỹ năng kỹ thuật, năng lực thông tin còn đòi hỏi sự phát triển kỹ năng mềm như làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Trong môi trường chuyển đổi số, khả năng này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà sinh viên kế toán cần linh hoạt thích ứng với sự biến động nhanh chóng và đưa ra giải pháp sáng tạo. Sinh viên cần có khả năng hiểu rõ quy trình kế toán, từ đó áp dụng công nghệ một cách linh hoạt hiệu quả. Việc liên tục cập nhật kiến thức qua các khóa đào tạo, hội thảo là không thể thiếu. Sinh viên kế toán cần là người luôn tìm kiếm cơ hội học tập mới, để không chỉ duy trì năng lực thông tin mà còn đảm bảo rằng chúng luôn đồng bộ với xu hướng phát triển công nghệ liên tục cập nhật kiến thức qua các khóa đào tạo, hội thảo là không thể thiếu. Sinh viên kế toán cần là người luôn tìm kiếm cơ hội học tập mới, để không chỉ duy trì năng lực thông tin mà còn đảm bảo rằng chúng luôn đồng bộ với xu hướng phát triển công nghệ. Đồng thời, phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm là yếu tố quan trọng giúp sinh viên kế toán có thể hợp nhất thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra quyết định chính xác. Việc liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng thông tin qua các khóa đào tạo, hội thảo là quan trọng để sinh viên kế toán không chỉ duy trì năng lực thông tin mà còn nâng cao chúng theo xu hướng phát triển công nghệ. Sự hỗ trợ từ giảng viên và doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên kế toán định hình và phát triển năng lực thông tin của mình trong thời kỳ chuyển đổi số. Chuyển đổi số cũng đặt ra thách thức về an toàn thông tin. Sinh viên kế toán cần có kiến thức về bảo mật dữ liệu, đặt biệt là khi làm các nền tảng trực tuyến. Việc duy trì tính minh bạch và đảm bảo an toàn thông tin khách hàng là trách nhiệm hàng đầu.

Tại Việt Nam, năng lực thông tin là khái niệm không còn mới đối với nhiều trường đại học. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo năng lực thông tin nói chung còn manh mún, phân tán, thiếu cách tiếp cận tổng thể mang tính hệ thống, chưa được lồng ghép chính thức vào bài giảng. Do vậy, triển khai nghiên cứu những thách thức và tìm ra giải pháp giúp phát triển hoạt động đào tạo năng lực thông tin trong bối cảnh các trường đại học tại Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế là cần thiết. Trong việc đào tạo năng lực thông tin vai trò của các cơ sở đào tạo là đặc biệt quan trọng. Nếu như coi trường học là nơi cung cấp cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc xác định nhu cầu thông tin, thẩm định và tổng hợp thông tin, thì thư viện chính là nơi cung cấp các dịch vụ thông tin, đào tạo cho người dùng kỹ năng tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin, sử dụng thông tin đúng pháp luật và hợp đạo đức. Nói cách khác, hai loại hình cơ quan trên gắn bó với nhau một cách hữu cơ trong việc trang bị năng lực thông tin cho mọi người.

Hiệu quả của các chương trình đào tạo năng lực thông tin phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo. Việc triển khai chương trình năng lực thông tin sẽ cần sự phối hợp, hợp tác của nhiều bộ phận, tổ chức xã hội. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ để ngành thư viện Việt Nam khẳng định được vị thế của mình, chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong hệ thống kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây các trường đại học ở Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến phát triển năng lực thông tin cho sinh viên - xem đó là một trong những kỹ năng mềm quan trọng trang bị cho sinh viên trước khi tốt nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển năng; lực thông tin các cơ quan, trường đại học đã xây dựng, triển khai và phát triển chương trình năng lực thông tin đến các đối tượng người dùng tin như: Các Trung tâm học liệu Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái nguyên, Thư viện Đại học Hà Nội, Trung tâm TT-TV Trường Đại học Y tế Công cộng, Thư viện Đại học Hoa Sen, Trung tâm TT-TV Đại học Quốc gia Hà Nội,Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Đại học Luật Hà Nội, Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm TT-TV Trường Đại học Hà Tĩnh,...

3. Yêu cầu để phát huy tốt năng lực thông tin cho sinh viên ngành kế toán ở thời kỳ chuyển đổi số

Để phát huy tốt năng lực thông tin của sinh viên hiện nay, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành kế toán, có một số yêu cầu quan trọng mà sinh viên cần tuân thủ:

Để có một nền móng kiến thức chuyên ngành vững chắc, sinh viên cần tiếp cận và nắm vững kiến thức chuyên ngành thông qua việc học tập và nghiên cứu. Trong thời kỳ chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sinh viên kế toán cần trang bị kiến thức chuyên ngành như sau: Đối với công nghệ thông tin thì sinh viên cần hiểu về các công nghệ thông tin liên quan đến kế toán, bao gồm phần mềm kế toán, hệ thống quản lý tài chính (ERP), và các công cụ phân tích dữ liệu. Trong quy trình chuyển đổi số: Sinh viên cần nắm vững quy trình chuyển đổi số, từ việc thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, đến báo cáo và phân tích kết quả. Trong việc ứng dụng thực tế: Sinh viên cần hiểu cách áp dụng chuyển đổi số trong các tình huống thực tế của ngành kế toán, bao gồm quản lý tài chính, kiểm toán, và tư vấn thuế. Đối với kỹ năng phân tích dữ liệu: Kỹ năng phân tích dữ liệu và trực quan hóa thông tin là rất quan trọng trong môi trường kế toán chuyển đổi số. Sinh viên cũng nên tìm hiểu về các xu hướng mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và automation để áp dụng chúng vào công việc kế toán hiện đại.

Cần phát triển kỹ năng tư duy logic, phân tích và tổng hợp thông tin để giải quyết vấn đề. Kỹ năng tư duy logic giúp sinh viên phân tích và hiểu rõ quy trình chuyển đổi số, từ việc xử lý dữ liệu đến việc tạo ra báo cáo và phân tích kết quả. Sinh viên cần có khả năng tư duy phản biện để đưa ra những quan điểm chính xác và logic trong việc áp dụng chuyển đổi số vào các tình huống kế toán cụ thể. Kỹ năng tư duy sáng tạo giúp sinh viên tìm ra cách áp dụng công nghệ và quy trình chuyển đổi số một cách linh hoạt và hiệu quả trong lĩnh vực kế toán. Kỹ năng tư duy phân tích giúp sinh viên hiểu rõ dữ liệu kế toán và tạo ra các phân tích thông tin có giá trị từ dữ liệu này để hỗ trợ quyết định kinh doanh. Sinh viên cần có khả năng tư duy toàn diện để nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và áp dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế công việc kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số.

Sinh viên cần biết cách sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy và hiệu quả trên internet và thư viện.Tìm kiếm thông tin chuyên ngành: Sinh viên cần biết cách tìm kiếm thông tin chuyên ngành từ các nguồn đáng tin cậy như sách, bài báo, tạp chí chuyên ngành, và các nguồn thông tin trực tuyến uy tín.Sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google, PubMed, hoặc các cơ sở dữ liệu chuyên ngành giúp sinh viên tra cứu thông tin hiệu quả. Sinh viên cần có khả năng đánh giá và xác minh tính chính xác của thông tin từ các nguồn khác nhau trước khi áp dụng vào công việc kế toán. Liên kết thông tin từ nhiều nguồn khác nhau giúp sinh viên xây dựng được kiến thức toàn diện và áp dụng chúng vào thực tế công việc kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, sinh viên cần hiểu biết về công nghệ thông tin để có thể sử dụng các công cụ và nguồn thông tin hiện đại. Sinh viên cần nắm vững kiến thức về công nghệ thông tin và các công cụ phần mềm kế toán hiện đại. Việc tìm hiểu về các công nghệ mới và cách chúng ứng dụng trong lĩnh vực kế toán là rất quan trọng.

Sinh viên cần phát triển kỹ năng đọc hiểu thông tin và viết lách một cách logic và rõ ràng, cần có khả năng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, phần mềm kế toán, và các quy trình kế toán liên quan. Việc hiểu rõ văn bản chuyên ngành giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế công việc kế toán. Cần biết cách trình bày ý kiến và thông tin một cách rõ ràng, logic và chính xác. Việc viết báo cáo, tóm tắt, hoặc phân tích về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong kế toán là một phần quan trọng của công việc kế toán hiện đại. Học cách sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành kế toán và công nghệ thông tin một cách chính xác và hiệu quả khi viết báo cáo, tài liệu kỹ thuật, hoặc tóm tắt thông tin. Tóm tắt và phân tích thông tin từ các nguồn khác nhau giúp sinh viên viết lách một cách sâu sắc và có giá trị trong lĩnh vực kế toán chuyển đổi số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bùi Vũ Bảo Khuyên, Mai Mỹ Hạnh, Nguyễn Tấn Công (2019), Giáo dục đại học với công tác đào tạo năng lực cho sinh viên

Trần Dương ( 2017), Một số giải pháp nâng cao năng lực thông tin cho sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh

https://tapchitaichinh.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-ke-toan-tai-viet-nam.html

ThS. Trương Thị Hoài,

Ngô Ngọc Thu, Trần Thị Ngần, Nguyễn Thị Ngọc, Đinh Thị Hải Nhung, Ngô Thị Cẩm Nhung

Trường Đại học Vinh

Tạp chí in số tháng 3/2024
Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu năng lực thông tin của sinh viên ngành kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899