Nguồn lực Nhà nước để tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước hết sức hạn chế
TCDN -
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II. Trong khi đó nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước cũng hết sức hạn chế.
'Nguồn lực Nhà nước để tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước hết sức hạn chế'
Chính phủ vừa có Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 gửi tới Quốc hội với nhiều nội dung đáng chú ý về tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo báo cáo, Nghị quyết 24 và các văn bản có liên quan 6 mục tiêu chính về cơ cấu lại các TCTD đến năm 2020, gồm 2 mục tiêu định lượng và 4 mục tiêu định tính. Nghị quyết 27 đã xác định 7 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện các mục tiêu này. Đánh giá sơ bộ, có 4 nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng, 3 nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả bước đầu.
Chính phủ đánh giá, việc xử lý nợ xấu tại các TCTD được thực hiện thực chất hơn, lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Lũy kế từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 794,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 492,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 62%); nợ xấu bán cho VAMC là 281,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,5%); nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác 19,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,5%).
Cùng với đó, chất lượng tài sản của TCTD được nhận định là cải thiện, cơ cấu danh mục đầu tư, cơ cấu tài sản có dịch chuyển theo hướng tích cực, an toàn hơn, dòng vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tại thời điểm tháng 6/2018, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 9,2%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 17,55%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 5,54%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 6,57%; tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV tăng 4,48% so với cuối năm 2017.
Tín dụng đối với hầu hết các ngành kinh tế đều tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp (chiếm tỷ trọng 21,37%, trong đó ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng 16,32%), ngành xây dựng (chiếm tỷ trọng 9,80%) và ngành thương mại dịch vụ (chiếm tỷ trọng 59,09%, trong đó ngành bán buôn bán lẻ chiếm tỷ trọng 19%).
Tuy nhiên, theo Chính phủ, việc cơ cấu lại các TCTD vẫn cho thấy một số hạn chế.
Thứ nhất, việc thực hiện cơ cấu lại đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước gặp khó khăn về vốn, chưa tương xứng với tốc độ phát triển và quy mô hoạt động. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II. Trong khi đó nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước cũng hết sức hạn chế.
Thêm vào đó, việc thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác của các ngân hàng mua lại bắt buộc chưa được thực hiện, do phát sinh vướng mắc liên quan đến quy định về việc chuyển nhượng vốn của ngân hàng thương mại mua bắt buộc phải gắn với phương án cơ cấu lại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định về yêu cầu kết quả định giá doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước.
Thứ hai, tình trạng sở hữu chéo các TCTD đã được xử lý bước đầu, nhưng còn phức tạp, với nhiều hình thức sở hữu tinh vi, khó phát hiện hơn.
Chính phủ cho hay, tình trạng sở hữu chéo khó xử lý với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ, việc này rất tinh vi nên thanh tra phải kỹ lưỡng mới phát hiện ra. Mặc dù tình trạng sở hữu chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý tích cực, tuy vậy, tình trạng sở hữu chéo tại một số TCTD còn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Chính phủ, là do việc xử lý sở hữu chéo thực chất là vấn đề xử lý và chuyển nhượng cổ phần nên TCTD cần có phương án, lộ trình triển khai từng bước (để xác định thời điểm, mức giá và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp…) nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho TCTD và cơ quan Nhà nước trong bối cảnh TCTD là công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán”.
Thứ ba, quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại, đặc biệt đối với các ngân hàng mua bắt buộc.
Bên cạnh đó, còn một số vướng mắc trong triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 do công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu; một số cơ quan thuế chưa áp dụng đúng nội dung Nghị quyết 42/2017/QH14 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng cũng như tổng nợ trong nước (nợ trong nước của Chính phủ và dư nợ tín dụng) so với GDP đã ở mức cao. Tỷ lệ nợ trong nước của Chính phủ và tư nhân năm 2017 là 159% GDP, so với mức 145% của Thái Lan, 45% của Indonesia và 65% của Philippines.
"Do vậy, nếu tốc độ tăng tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng GDP, sẽ có rủi ro dẫn tới mất ổn định kinh tế vĩ mô", Chính phủ nhận định trong báo cáo.
Theo Vietnamfinance
email: [email protected], hotline: 086 508 6899