Nhóm cổ phiếu mía đường có thể tăng do El-Nino
TCDN - Chứng khoán Phú Hưng nhận định, nếu El-Nino tác động tiêu cực đến niên vụ 2023 - 2024, cổ phiếu mía đường sẽ là cơ hội hấp dẫn bởi nguồn cung ngày càng giảm.
Báo cáo ngành đường của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhắc lại rằng Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, vừa dự kiến cấm xuất khẩu đường của niên vụ kế tiếp bắt đầu từ tháng 10/2023. Đây là quyết định tạm ngừng xuất khẩu đầu tiên sau 7 năm ở quốc gia Nam Á, nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.
Ủy ban Điều phối Kinh tế (ECC) Pakistan cũng đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm ổn định giá trên thị trường địa phương, theo đề nghị của Bộ An ninh lương thực quốc gia Pakistan. Động thái của giới chức diễn ra ra trong bối cảnh tình hình lạm phát giá lương thực tại Pakistan và các nước lân cận cũng đang dâng cao.
Giá đường đã phản ứng mạnh trước những thông tin này. Giá Hợp đồng đường kỳ hạn số 11 trên sàn ICE đã tăng lên 25,55 USD/lbs, mức cao nhất trong vòng 2 tháng.
Giá đường trong nước sẽ ổn định và thấp hơn so với trong khu vực
Đối với Việt Nam, nhờ vào những diễn biến tích cực của giá đường trong thời gian vừa qua, cộng thêm các biện pháp tự vệ thương mại trước đường nhập lậu, đường rửa nguồn đã khiến giá đường tăng đến 20.800 đồng (giá đường RS An Khê) vào cuối tháng 7 (tăng 14,9% so với đầu năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình sản xuất tháng 7, Hiệp hội Mía đường Việt nam (VSSA) dự báo nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến khoảng 2,3 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ, trong khi nguồn cung dự kiến khoảng hơn 2,7 triệu tấn.
VSSA giải thích nguồn cung dồi dào là bởi sức cầu đường chưa cho thấy dấu hiệu tăng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung. Điều này đồng nghĩa với giá đường trong nước sẽ ổn định và vẫn ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực.
Doanh nghiệp trong nước đảm bảo tiêu thụ
Vào ngày 4/5, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã dự báo thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 ở mức +2,1 triệu tấn. Giá đường đang neo cao bởi các hạn chế xuất khẩu của các quốc gia sản xuất đường lớn nhất trên thế giới như Ấn Độ. Tình hình sản xuất khả quan của Brazil đang là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá đường.
Sản lượng mía ép và đường tăng mạnh vào cuối tháng 7 ở khu vực Trung - Nam của Brazil, vượt qua dự đoán vốn đã lạc quan của các nhà phân tích thị trường do thời tiết khô hạn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thu hoạch (theo Reuters). Hoạt động nghiền dồi dào dẫn đến sản lượng đường tăng 11,3%, đạt 3,68 triệu tấn vào cuối tháng 7, theo dữ liệu do hiệp hội công nghiệp UNICA công bố ngày 11/8.
Nhóm phân tích cho rằng nguồn cung đường trên thế giới hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng thời tiết tại Brazil, nếu hình thái thời tiết cực đoan El Nino tác động tiêu cực đến vụ mùa 2023 - 2024 tại đây sẽ tạo nên áp lực tăng giá đường rất lớn bởi nguồn cung sẽ càng bị thắt chặt.
Về phía Việt Nam, tác động của giá đường lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố như thời tiết (liên quan đến sản lượng), khả năng kiểm soát đường nhập lậu qua biên giới Lào và Campuchia, sự hồi phục của cầu nội địa.
“Nhìn chung, các doanh nghiệp có thể đảm bảo tiêu thụ nhờ vào sản xuất trong nước và không phụ thuộc nhiều vào lượng đường nhập khẩu sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá đường này, bởi tốc độ tăng giá đường trong nước theo chúng tôi nhận xét là khá chậm so với thế giới. Đồng thời, việc giá đường tăng chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư trong thời gian sắp tới đối với dòng cổ phiếu mía đường.”, PHS nhận định.
3 rủi ro có thể xảy đến đối với ngành bao gồm: Đường nhập lậu gây áp lực lên giá; các biện pháp hạn chế xuất khẩu được gỡ bỏ gây áp lực lên giá đường; El-Nino ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng vụ trồng mía 2023 - 2024 trong nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899