Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

27/04/2020, 13:45

TCDN - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, quy định cụ thể 3 trường hợp sẽ không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

115926987

Theo dự thảo Nghị định, những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan bao gồm: 1. Các trường hợp không xử phạt theo quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính. Hàng hóa, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo với cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa, phương tiện vận tải đó phải được đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi các yếu tố nêu trên được khắc phục; 

2. Nhầm lẫn trong quá trình nhập khẩu, gửi hàng hóa vào Việt Nam (trừ hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng giả, phế liệu không thuộc Danh mục được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất) nhưng đã được người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của người gửi hàng, người vận tải, người nhận hàng thông báo bằng văn bản tới Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa khi chưa đăng ký tờ khai hải quan;

3. Các trường hợp được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn theo quy định của pháp luật không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng thời hạn quy định của một trong các trường hợp sau: a) Khai, nộp, xuất trình, cung cấp thông tin hồ sơ hải quan, trừ vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này và điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định này; 

b) Khai sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin số hiệu container hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất hàng, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu; 

c) Tái xuất phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực cửa khẩu để giao nhận hàng hóa;

d) Khai bổ sung về trị giá hải quan quá thời hạn quy định đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức, hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc tách hành vi “không thông báo” và “thông báo không đúng thời hạn” (điểm d, điểm g khoản 3 Điều 7 dự thảo Nghị định) để quy định mức phạt tiền phù hợp với tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, không quy định thành cùng một khung tiền phạt.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không xử lý đúng thời hạn quy định đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn và sản phẩm gia công khi hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực; Không tái xuất, tái nhập hàng hóa đúng thời hạn quy định hoặc thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều dự thảo Nghị định.

Xem bảng tổng hợp ý kiến các bộ ngành tại đây.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan