Nỗi lo về kinh tế Trung Quốc sau cú sốc bất động sản

06/02/2024, 08:58
báo nói -

TCDN - Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng cần thiết cho hoạt động xây dựng của nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm sâu bởi cú sốc bất động sản.

Lệnh thanh lý tài sản gần đây của tòa án tại Hong Kong (Trung Quốc) đối với tập đoàn bất động sản Evergrande một lần nữa dấy lên lo ngại về tình hình nền kinh tế Trung Quốc, khi tin tức về hoạt động xây dựng bất động sản tại Trung Quốc cứ tồi tệ thêm.

Cách đây không lâu, hai doanh nghiệp xây dựng bất động sản hàng đầu là Evergrande và Country Garden được coi như những hình mẫu của thị trường bất động sản đang phát triển ở Trung Quốc. Nhưng tình hình đã xấu hơn rất nhiều.

Các số liệu sổ sách kể từ năm 2021 cho thấy hơn 50 công ty bất động sản chìm trong nợ nần của Trung Quốc đã tuyên bố vỡ nợ, bao gồm cả Evergrande và Country Garden.

Khi doanh số bán nhà giảm và người dân ngừng mua nhà, những người đã trót đặt mua bất động sản phải chứng kiến các dự án họ rất tin tưởng lâm vào tình trạng chậm trễ hoàn thành, thậm chí ngừng thi công.

Vay mượn dựa trên các hứa hẹn trong tương lai, Evergrande đã phải vật lộn để đáp ứng tiến độ trả lãi cho các khoản nợ của họ. Tình hình cuối cùng trở nên bất ổn đến mức cổ phiếu của công ty đã mất 99% giá trị trong ba năm qua.

Evergrande 1

Năm ngoái, Evergrande đã nộp đơn xin phá sản ở New York trước khi công bố kế hoạch tái cơ cấu trị giá hàng triệu USD với các chủ nợ.

Đối với thế giới phương Tây, những diễn biến này chắc chắn gợi lại những ký ức khủng khiếp về cuộc khủng hoảng ở Mỹ hồi năm 2008. Nhưng đối với nhiều nước khác, sự sụp đổ của Evergrande có thể có tác động lan tỏa đến nguồn cung và nhà cung cấp. Vì bất động sản từng là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc.

Các nguồn tin trong ngành xây dựng toàn cầu đã nhanh chóng lưu ý rằng bất kỳ sự gián đoạn nào đều có thể giáng một đòn mạnh vào việc tiêu thụ các mặt hàng cần thiết cho hoạt động xây dựng bất động sản tại Trung Quốc, bao gồm thép, nhôm và quặng sắt .

Sự thật là hoạt động khai thác mỏ và chuỗi cung ứng ở các nước xa xôi như Brazil và Australia đã có thể cảm nhận được những dư chấn khi thị trường bất động sản Trung Quốc “rung lắc.”

Có lý do tại sao các nhà kinh tế gọi Trung Quốc là “Công xưởng của thế giới”: tới 30% sản lượng chế tạo toàn cầu đến từ quốc gia này.

Năm 2022, Trung Quốc sản xuất 40 triệu tấn nhôm, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu là 68 triệu tấn. Đồng thời, các nguồn tin xây dựng cho biết nước này tiêu thụ khoảng 55% lượng nhôm toàn cầu.

Từ năm 1997-2022, mức tiêu thụ thép toàn cầu đã tăng từ 700 triệu tấn lên 1,8 tỷ tấn mỗi năm. Nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc đã chiếm phần lớn trong mức tăng 1,1 tỷ tấn đó.

Đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ đến mức chính Ngân hàng Thế giới (WB) từng mô tả Trung Quốc là “nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng bền vững nhanh nhất trong lịch sử."

Một số người nhận định đó chính là lý do chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này và đảm bảo các dự án xây dựng sẽ được hoàn thành.

Nhiều nhà kinh tế tin rằng bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đủ mạnh để chống chọi những cú sốc như vậy. Họ cho rằng dù những tin tức không mấy lạc quan về hoạt động xây dựng có thể khiến tiêu dùng chậm lại, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Tùng Lâm/CNN
Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo về kinh tế Trung Quốc sau cú sốc bất động sản tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

New Zealand miễn thuế nhiều sản phẩm sữa vào Trung Quốc
New Zealand thông báo tất cả các sản phẩm sữa của họ hiện có thể được miễn thuế vào Trung Quốc vì thuế tự vệ đối với sữa bột kết thúc vào ngày 31/12, đánh dấu việc loại bỏ tất cả các mức thuế còn lại đã được thỏa thuận trong thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước.