Chiến lược chống trượt giá nhân dân tệ khéo léo của Trung Quốc
TCDN - So với lần nhân dân tệ suy thoái năm 2015, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược chống trượt giá khéo léo và đột phá hơn trong năm 2023.
Là tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà xuất khẩu lớn nhất, giá trị nhân dân tệ quyết định giá hàng hóa toàn cầu và hàng nghìn tỷ USD dòng vốn.
Vào 2015, khi nhân dân tệ mất giá mạnh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phải can thiệp chính thức bằng cách bán ra 1.000 tỷ USD dự trữ để hỗ trợ.
Nhưng năm nay, khi nền kinh tế Trung Quốc chao đảo và tiền rời khỏi đất nước, PBOC đã có cách tiếp cận hoàn toàn khác để bảo vệ đồng tiền. Biện pháp chủ đạo là điều phối việc mua nhân dân tệ của các ngân hàng quốc doanh.
Cụ thể, mỗi khi phát hiện yếu tố khiến nhân dân tệ trượt giá, các ngân hàng quốc doanh sẽ lặng lẽ thu mua. Ví dụ, vào cuối tháng 5, họ mua nhân dân tệ trong hai ngày sau khi đồng tiền này chạm mức thấp nhất trong năm.
Tương tự, hoạt động mua đồng nhân dân tệ của các ngân hàng quốc doanh tăng mạnh trong tháng 12, sau khi Moody’s tuyên bố cắt giảm triển vọng xếp hạng của Trung Quốc. Dữ liệu chính thức không có bằng chứng nào cho thấy PBOC đã bán USD chính thức như đã làm năm 2015. Tuy nhiên, những người tham gia thị trường lưu ý rằng các ngân hàng đã bán USD bằng cách hoán đổi tiền tệ, điều này sẽ không được nhìn thấy trong dữ liệu.
Đồng thời, các ngân hàng nhỏ hơn năm nay đã nhận các "hướng dẫn" hoặc "đề nghị" không chính thức nhiều hơn từ cơ quan quản lý, yêu cầu cả ngân hàng và khách hàng của họ giảm nắm giữ USD, theo nguồn tin của Reuters.
Các nhà quan sát thị trường nhận định vào tháng 6 và 7, Cơ quan tự điều chỉnh thị trường ngoại hối Trung Quốc - do PBOC giám sát - đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh lớn cắt giảm lãi suất tiền gửi bằng USD. Mục đích của hành động này là khuyến khích doanh nghiệp và gia đình chuyển từ USD sang nhân dân tệ.
Năm 2023, nhân dân tệ giảm giá gần 2,8% so với USD. Vào ngày 8/9, nhân dân tệ chạm mức thấp nhất trong 16 năm. Vài ngày sau, các nhà quản lý của 8 ngân hàng lớn được triệu tập tới Bắc Kinh để gặp các quan chức PBOC. Họ được thông báo rằng các công ty nào muốn mua hơn 50 triệu USD sẽ cần được PBOC chấp thuận.
Các chủ ngân hàng cũng được thông báo phải cắt giảm giao dịch giao ngay, xen kẽ việc mua USD và không giữ vị thế mua ròng USD vào cuối bất kỳ ngày giao dịch nào. Nhà chức trách cũng tập trung vào việc giám sát kế hoạch mua và bán ngoại hối của các nhà xuất khẩu do họ nắm giữ lượng tiền tệ lớn, có thể gây biến động.
Những tháng gần đây, nhà quản lý gọi điện cho các ngân hàng và yêu cầu họ thực hiện các cuộc khảo sát gần như hàng tuần về ý định của khách hàng xuất khẩu. Trước đây, chỉ đạo qua điện thoại chỉ lẻ tẻ và khảo sát chỉ được gửi hàng tháng.
Nhờ loạt biện pháp điều hành không chính thức, linh hoạt và liên tục của PBOC, nhân dân tệ hiện đã ổn định trên mức thấp nhất trong 16 năm. Vào tháng 10, khối lượng nhân dân tệ giao dịch trong nước giảm 73% so với tháng 8, xuống thấp kỷ lục 1.850 tỷ nhân dân tệ. Theo giới phân tích, điều đó cho thấy các chủ ngân hàng Trung Quốc đã chú ý đến lời kêu gọi giảm giao dịch, đặc biệt là mua USD.
Nhưng chiến lược chống trượt giá nhân dân tệ năm nay của PBOC cũng có điểm yếu. Các chuyên gia nói với Reuters chiến lược ấy đã làm tê liệt phần lớn thị trường ngoại hối của Trung Quốc và đặt ra câu hỏi về cơ hội để nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Eswar Prasad, Giáo sư cấp cao về chính sách thương mại quốc tế tại Đại học Cornell (Mỹ), nói rằng tình hình hiện "phức tạp hơn đáng kể" vì bao gồm cả các yếu tố kinh tế toàn cầu cũng như nội địa. Ông mô tả việc PBOC sử dụng "các biện pháp phi tiêu chuẩn" để can thiệp vào thị trường ngoại hối chỉ là "xử trí sơ bộ" để ngăn chặn đồng nhân dân tệ giảm giá quá nhanh.
Một nhà xuất khẩu tên Zhu ở Thượng Hải theo dõi chặt chẽ giá USD trong năm nay, vì công ty nhận về USD được thanh toán hàng tuần. "Câu hỏi hàng ngày của tôi là liệu có cần giữ chúng lại hay đổi sang nhân dân tệ", Zhu nói. Hiện bà quyết định giữ lại USD với kỳ vọng giá nhân dân tệ sẽ cải thiện.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899