Dự kiến siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2029

31/12/2023, 16:46
báo nói -

TCDN - Để siết lại các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất, từ 1/1/2029, hàng xuất theo phương thức này sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Phương án cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Thương mại biên giới có tác động tích cực trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho cư dân biên giới. Đặc biệt, tuyến biên giới Việt - Trung, xuất khẩu tiểu ngạch diễn ra sôi động.

Theo quy định của Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu theo hình thức tiểu ngạch sẽ được hưởng một số ưu đãi như: miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế nếu giá trị trao đổi của hàng hóa trao đổi dưới 8.000 NDT/người/ngày.

Dự kiến siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2029.

Dự kiến siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2029.

Ngoài ra, một số nông sản của Việt Nam chưa được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, như thịt lợn, trâu bò và nhiều loại trái cây, nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân.

Do những ưu đãi này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng để buôn bán tiểu ngạch, hàng hóa xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới sau khi qua biên giới sẽ được thu gom để tiêu thụ tại các chợ biên giới phía Trung Quốc.

Thậm chí, để tận dụng ưu đãi thuế, một số mặt hàng tuy đã được xuất khẩu chính thức, như quả vải, quả dưa hấu, sản phẩm sắn... vẫn chủ động chuyển sang tiểu ngạch để xuất vào Trung Quốc.

Bộ này cho rằng, quy định này giúp mở rộng giao lưu thương mại cho người dân 2 bên, nhưng cũng bộc lộ một số bất cập.

Trong đó, định mức miễn thuế 8 triệu đồng mỗi người một tháng, tương đương 96 triệu đồng một năm, đang cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người trên tháng của người dân tại hầu hết địa phương khu vực biên giới có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai...

Từ lâu đã có hiện tượng các doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn, cụ thể là lập danh sách cư dân sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập khẩu các lô hàng lớn. Hàng hóa sau khi qua biên giới sẽ được gom về tiêu thụ tại các chợ biên giới phía Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tại biên giới. Một số mã vùng trồng chuối, mít, sầu riêng, thanh long bị phía Trung Quốc thông báo dừng xuất khẩu. Hạn chế về truy xuất nguồn gốc và kiểm dịch thực vật ảnh hưởng đến xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch và qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn có sự chênh lệch về chất lượng so với hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

"Do đó, xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững, không còn nhiều cơ hội cho hàng nông thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là những hàng chưa đăng ký truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng", Bộ Công Thương nêu.

Siết lại hoạt động xuất khẩu hàng tiểu ngạch, theo Bộ Công Thương, nhằm đưa việc trao đổi, mua bán hàng hóa hàng ngày của cư dân biên giới về đúng bản chất; thúc đẩy thương mại biên giới chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Việc tuân thủ yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc nước sở tại cũng giúp hạn chế tình trạng hàng hóa sau khi xuất khẩu bị trả lại do không đáp ứng yêu cầu, góp phần hạn chế ách tắc ở cửa khẩu biên giới, nhất là vào các dịp Lễ, Tết hoặc thời điểm thu hoạch chính vụ.

Để siết lại các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất, từ 1/1/2029, hàng xuất theo phương thức này sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Phương án cụ thể sẽ do Bộ Tài chính đề xuất vào năm 2029.

Đồng thời, hàng xuất khẩu tiểu ngạch sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.

Sau đó một năm, từ đầu 2030, hàng hóa chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đạt thỏa thuận song phương về xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Dự kiến siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2029 tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Việt Nam - Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững và sâu sắc hơn
Tại cuộc Hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững và sâu sắc hơn…