Nỗ lực cứu nền kinh tế Trung Quốc khó khăn vì doanh thu thuế giảm

26/11/2023, 09:18
báo nói -

TCDN - Doanh thu thuế giảm và nợ địa phương tăng cao khiến các chuyên gia băn khoăn về số tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 11, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, ông Lam Phật An, đã phát thông điệp mà thị trường mong đợi từ lâu: Bắc Kinh sẽ tăng chi tiêu ngân sách để hỗ trợ cuộc phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Lam Phật An nói Trung Quốc sẽ tăng cường phát hành và sử dụng trái phiếu chính phủ cũng như trái phiếu địa phương, đồng thời nâng tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm nay lên mức cao nhất trong hai thập kỷ là 3,8%. Mục tiêu là “duy trì cường độ chi tiêu tài khóa ở mức hợp lý”.

Sự đón nhận nồng nhiệt

Giới đầu tư đón nhận thông điệp của vị bộ trưởng nồng nhiệt. Song, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi rằng Bắc Kinh có bao nhiêu dư địa ngân sách để củng cố niềm tin của công chúng dành cho nền kinh tế và thúc đẩy động lực tăng trưởng.

Nền kinh tế thứ hai thế giới đang giảm tốc và mô hình phát triển dựa vào đầu tư trước đây của Bắc Kinh cũng mất dần hiệu quả. Thực tế ấy khiến doanh thu thuế của chính phủ gặp áp lực. Bắc Kinh cũng không muốn vay nợ thêm vì núi nợ xấu của chính quyền địa phương vẫn chưa được giải quyết, tờ Financial Times (FT) lập luận. 

Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, bình luận: “Chính sách tài khóa của Trung Quốc đã bị bó buộc trong 3 đến 4 năm qua. Những việc mà chính sách tài khóa có thể làm trong tương lai đang ngày càng hạn chế”.

Chính phủ Trung Quốc vẫn e ngại ý tưởng tăng cường đòn bẩy nợ trong nền kinh tế, khác với những chính sách họ từng áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó, Bắc Kinh đã tung ra các biện pháp kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 13% GDP  quốc gia lúc bấy giờ, để hỗ trợ tăng trưởng. 

Lần này, các nhà phân tích nhận định bảng cân đối kế toán của chính quyền trung ương đang tương đối lành mạnh. Tuy vậy, Bắc Kinh chưa tận dụng lợi thế ấy để tăng đòn bẩy.

Ông Wright của Rhodium Group ước tính quy mô nợ của các chính quyền địa phương vào năm 2022 tương đương 76% GDP. Trong khi đó, nợ của chính quyền trung ương tương đối thấp, vào khoảng 21,3% GDP.

cho trung quoc

Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại HSBC, cho hay: “Chúng nhận thấy Bắc Kinh đang có nhiều nguồn lực tài khóa trong tay”. Ông tin tưởng Bắc Kinh có dư địa để nâng tỷ lệ nợ so với GDP lên thêm 20 - 30 điểm % và yếu tố đó sẽ giúp ích đáng kể cho việc giải quyết rắc rối nợ nần của chính quyền địa phương. 

Song, hầu hết nhà phân tích cho rằng khối nợ thực sự của chính quyền trung ương cao hơn nhiều số liệu chính thức. Theo họ, Bắc Kinh là bên đảm bảo cuối cùng cho tổng nợ của chính quyền trung ương, ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và nợ ẩn từ các công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV). Nhà kinh tế Wright ước tính tổng quy mô của các khoản nợ đó bằng 142% GDP vào năm 2022.

Doanh thu thuế giảm

Giải quyết rắc rối nợ của chính quyền địa phương là một trong những vấn đề cấp bách nhất của giới chức Trung Quốc.

Hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics chỉ ra rằng kể từ tháng 9, Bắc Kinh đã yêu cầu các ngân hàng nhà nước hạ lãi suất và gia hạn các khoản vay của chính quyền địa phương. Bắc Kinh cũng cho phép các chính quyền tỉnh thành phát hành trái phiếu để trả nợ của LGFV.

Gavekal nhận xét rằng các chỉ thị đó cho thấy Bắc Kinh đang giải cứu các chính quyền địa phương nhằm “ngăn chặn rủi ro”.

Tuy nhiên, việc giải cứu kèm với cái giá phải trả là gia tăng rủi ro đạo đức tại cấp chính quyền địa phương. Nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng đã phát tín hiệu nhằm giảm bớt áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng lên các chính quyền địa phương. Động thái ấy sẽ giúp giảm nhu cầu vay nợ quá mức trong tương lai.

Song, các nhà phân tích lưu ý rằng chính phủ chưa thể giải quyết vấn đề trọng tâm là tạo ra đủ nguồn thu cho các chính quyền địa phương.

Theo cải cách năm 1994, chính quyền trương ương kiểm soát doanh thu thuế còn chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cung cấp nhiều dịch vụ để tạo ra nhiều nguồn thu hơn. Khá nhiều chính quyền địa phương phải vay nợ quá mức để đáp ứng mọi nghĩa vụ đề ra.

Ông Chris Beddor, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal, bình luận: “Để giải quyết tận gốc bài toán nợ nần của chính quyền địa phương, Trung Quốc có thể phải thay đổi cấu trúc tài khóa”.

Nhưng một rắc rối nghiêm trọng khác là trong quá trình Trung Quốc chuyển đổi từ mô hình kinh tế dựa vào đầu tư sang tiêu dùng, doanh thu từ việc bán đất và thuế giá trị gia tăng đã sụt giảm. Nhà kinh tế Wright của Rhodium cho biết tổng doanh thu thuế của Trung Quốc đã giảm từ 18,5% GDP trong năm 2014 xuống 13,8% GDP vào năm 2022.

Trung Quốc có thể sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để cân bằng nhu cầu xã hội và phát triển với một số mục tiêu chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình, ví dụ như thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ cao hoặc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

“Đề toán của Trung Quốc là phải làm sao duy trì nguồn lực tài khóa trong hệ thống. Và vấn đề là Trung Quốc sẽ phải đánh đổi khi thực hiện các điều chỉnh”, Wright nói.

Theo ông Wright, Trung Quốc có thể tăng thâm hụt tài khóa hơn nữa, nhưng tổng thâm hụt này hiện nay đã ở mức cao, vào khoảng 7% GDP. Ông nói thêm: “Đúng là Trung Quốc có thể kéo tỷ lệ đó lên 8 - 9% GDP, nhưng đó đã gần như là giới hạn cuối cùng. Việc nâng thâm hụt tài khóa hơn nữa sẽ rất khó khăn”.

Tùng Lâm/Theo AFR
Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực cứu nền kinh tế Trung Quốc khó khăn vì doanh thu thuế giảm tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan