Nguy cơ các nước đang phát triển đối mặt khi nhân dân tệ trượt dốc
TCDN - Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi có thể phải đối mặt áp lực giảm giá theo nhân dân tệ, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về xuất khẩu.
Chỉ vài tháng trước, giới truyền thông còn ca ngợi đồng nhân dân tệ là tài sản trú ẩn an toàn của các thị trường mới nổi, bảo vệ nhà đầu tư trước ảnh hưởng của chiến sự và lạm phát. Nhưng hôm nay, đồng nội tệ của Trung Quốc đang biến thành mối họa.
Trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lâm nguy, đồng nhân dân tệ đã rớt xuống đáy hai năm và có vẻ sẽ còn tiếp tục giảm. Nguy cơ ấy khiến hàng loạt ngân hàng - từ Goldman Sachs của Mỹ cho đến SEB của Thụy Điển - cảnh báo làn sóng chấn động sẽ lan sang các nước khác.
Nguy cơ phá giá tiền tệ ở các nước đang phát triển
Không chỉ các láng giềng mà cả những quốc gia xa Trung Quốc như châu Phi và Mỹ Latinh cũng có thể hứng chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân là đồng nhân dân tệ rẻ hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của những nước khác và châm ngòi cho chính sách phá giá tiền tệ.
Ông Per Hammarlund, trưởng chuyên gia về thị trường mới nổi tại ngân hàng SEB, phát biểu: “Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ sẽ còn suy yếu hơn nữa, tiền tệ của các nước mới nổi sẽ đối mặt với áp lực giảm giá. Tác động rõ rệt nhất sẽ rơi vào các nước cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về xuất khẩu”.
Bloomberg đưa tin nhân dân tệ đã rớt giá 6 tháng liên tiếp tính tới tháng 8, đánh dấu chuỗi suy giảm dài nhất kể từ đỉnh điểm chiến tranh thương mại với Mỹ hồi tháng 10/2018. Các công ty quản lý tài sản bao gồm Societe Generale, Nomura và Credit Agricole dự đoán đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống và mất mốc tâm lý 7 nhân dân tệ/USD trong năm nay.
Khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, nhân dân tệ giữ giá rất tốt. Ban đầu, sau khi Nga nổ súng vào Ukraine ngày 24/2, nhân dân tệ là đồng tiền duy nhất của các thị trường mới nổi không giảm, được giao dịch ở mức cao nhất gần 4 năm so với chỉ số tiêu chuẩn của MSCI.
Nhu cầu toàn cầu dành cho nhân dân tệ tăng - từ những nước muốn giảm sự phụ thuộc vào USD như Nga và Arab Saudi và cả các nhà đầu tư trái phiếu muốn tìm nơi trú ẩn an toàn.
Nhưng trong tháng qua, tâm lý đã đảo chiều. Chính sách “Zero COVID”, khủng hoảng bất động sản và tăng trưởng giảm tốc đang thôi thúc vốn ngoại tháo chạy, dẫu cho kỳ vọng lạm phát tại Trung Quốc tăng.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tìm cách đẩy lùi đà giảm giá và liên tục ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày cao hơn ước tính, nhưng sức mạnh của USD đang làm suy yếu các chiến thuật phòng thủ như vậy.
Tuần này, Trung Quốc sẽ công bố một số dữ liệu tháng 8, nhưng chúng có vẻ không mấy hứa hẹn. Trung Quốc có thể sẽ báo cáo dự trữ ngoại hối suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu và dịch vụ giảm tốc.
Mối liên hệ khăng khít giữa các nước đang phát triển với Trung Quốc
Xu hướng trượt dốc của nhân dân tệ sẽ làm tăng thêm mối đe dọa tới các thị trường mới nổi, bên cạnh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và nguy cơ suy thoái tại những thị trường phương Tây quan trọng.
Nhân dân tệ chiếm tỷ trọng 30% trong Chỉ số Tiền tệ Thị trường Mới nổi của MSCI và đang thúc đẩy chỉ số này tiến tới năm tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Trên thị trường quốc tế, đường tương quan động 120 ngày của nhân dân tệ với tiền tệ của các thị trường mới nổi đang dao động gần mức cao nhất trong vòng hai năm, nhấn mạnh tác động lớn của đồng tiền này.
Goldman Sachs và Societe Generale dự đoán đà trượt dốc của nhân dân tệ có thể kéo cả đồng won của Hàn Quốc, baht Thái Lan, ringgit Malaysia và rand Nam Phi cùng suy giảm. SEB đánh giá peso Mexico, forint Hungary, leu Romania và lira Thổ Nhĩ Kỳ là những đồng tiền dễ bị tổn thương nhất.
Bà Phoenix Kalen, trưởng bộ phận nghiên cứu tại hãng tư vấn Phoenix Kalen nhận xét: “Các mối liên hệ thương mại và tài chính giữa Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Những mối quan hệ gắn bó sâu sắc như vậy khiến tiền tệ của các thị trường mới nổi trên toàn thế giới càng khó tách biệt với Trung Quốc”.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899