Khủng hoảng bất động sản có thể khiến chứng khoán Trung Quốc lao dốc
TCDN - Ngành bất động sản đang chật vật của Trung Quốc có thể là trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán nếu chính phủ không hỗ trợ mạnh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 12%. Một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống gần 3% hoặc thấp hơn, trong bối cảnh các đợt phong tỏa chống dịch và sự sa sút của thị trường bất động sản gây áp lực đối với hoạt động kinh doanh.
Bắc Kinh đặt mục tiêu GDP năm nay tăng 5,5% nhưng kết quả thực tế hai quý đầu năm đều thấp hơn nhiều so với kế hoạch.
Mùa hè 2022, người mua nhà lo ngại các căn hộ bị bỏ dở trong quá trình xây dựng, nhiều người từ chối trả nợ vay thế chấp cho ngân hàng. Theo CNBC, diễn biến đáng ngại này đã khiến những vấn đề trong ngành bất động sản trở nên tệ hơn và có thể gây nên tác động dây chuyền với toàn nền kinh tế trở thành tâm điểm tại đất nước tỷ dân.
Các nhà phân tích của tập đoàn Morgan Stanley cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cố gắng giải cứu nhanh chóng lĩnh vực nhà đất, bao gồm việc cung cấp một khoản vốn lớn nhằm khẩn trương giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn thiện các căn hộ đã bán cho người dân.
Các chính sách này, nếu Bắc Kinh thực thi, sẽ tạo điều kiện để doanh số và giá nhà bình ổn trong nửa sau của năm. Tuy nhiên, nếu nguồn vốn giải cứu quá nhỏ và các biện pháp hỗ trợ khác còn hạn chế, triển vọng với thị trường chứng khoán và nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên u ám.
Kịch bản thị trường chứng khoán giảm 20%
Theo “kịch bản kiểm tra sức chịu đựng” của Morgan Stanley, tình hình có thể sẽ xấu dần như sau:
Trong 12 tháng tới, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc có khả năng lao dốc 20% so với mức hiện nay. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chững lại rõ rệt, với mức tăng trung bình khoảng 2% trong năm 2023. Hơn 11 triệu người có thể sẽ mất việc, đẩy tỷ lệ thất nghiệp thành thị lên trên 7%, so với mức 5,4% của tháng 7/2022. Các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ lưu trú và kinh doanh nhà hàng sẽ chịu tổn thất nặng nề nhất.
Đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố gói hỗ trợ quy mô lớn nào để giúp các doanh nghiệp bất động sản hoàn thiện dự án căn hộ dở dang.
Hôm 31/8, Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì một cuộc họp với nội dung nhấn mạnh vào việc hỗ trợ để đảm bảo việc giao nhà cho những người mua đã thanh toán tiền. Ông Lý cho rằng các chính quyền địa phương nên có cách tiếp cận linh hoạt trong việc triển khai các chính sách tín dụng và cho vay đặc biệt.
Morgan Stanley đánh giá các chính sách nới lỏng nhằm hỗ trợ nhu cầu nhà ở của Trung Quốc hiện nay là “mạnh tay nhất kể từ năm 2016” và chỉ ra những nỗ lực của chính quyền các địa phương để giải quyết những ngôi nhà chưa hoàn thiện.
“Điểm sáng là tác động dây chuyền từ bất động sản sang phần còn lại của nền kinh tế vẫn trong tầm kiểm soát”, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cảnh báo rằng quy mô của thị trường nhà ở và “động lực tích lũy trong thời gian qua” khiến cho việc đánh giá xem những biện pháp hỗ trợ gần đây có đủ hay không trở nên tương đối khó khăn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899