Sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13:

Phân định khái niệm vốn nhà nước, làm rõ vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu

07/04/2021, 10:12

TCDN - Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) đã bước đầu sát với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, sau 05 năm triển khai, việc phân định khái niệm vốn nhà nước và vai trò của cơ quan đại diện CSH đang là vấn đề còn nhiều vướng mắc.

20210407_083602

Ngày 7/4, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69): Kết quả 05 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án 11A thuộc Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam (gọi tắt là chương trình AAA); Quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ của Chương trình AAA  do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đồng tài trợ và ủy thác qua Ngân hàng thế giới. 

Vẫn là chuyện đầu tư... từ đâu?

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, sau hơn 05 năm triển khai Luật số 69 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn của Nhà nước và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ chế chính sách quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại DNNN.

Luật số 69 cũng đã bước đầu sát với nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế. Đó là, Nhà nước không bao cấp, không bù lỗ, DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường.

Đặc biệt, Luật quy định cụ thể cơ chế giám sát của cơ quan đại diện CSH, xác định rõ chức năng giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện CSH góp phần nâng cao quyền CSH, tự chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện CSH, doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính phát biểu

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính phát biểu

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật số 69 đã bộc lộ một số hạn chế như: việc xác định vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, thẩm quyền đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, quyết định về đầu tư vốn ra nước ngoài, phân phối lợi nhuận…

Cùng với đó, quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện CSH đối với quyền điều hành, quản lý của từng doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng.

Những vướng mắc trên khiến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, tái cơ cấu hoạt động quản trị còn lúng túng, làm trì trệ quá trình phát triển của khu vực này.

Việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là thực sự cần thiết. Trong đó, cần phân định rõ khái niệm vốn nhà nước theo quy trình của dòng tiền. Tức là, sau khi đầu tư vào doanh nghiệp, vốn nhà nước trở thành vốn của doanh nghiệp, do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và định đoạt. Nhà nước trở thành CSH của phần vốn góp, cổ phần tương ứng tại doanh nghiệp.

Vai trò của cơ quan đại diện CSH cần sửa đổi, bổ sung theo hướng, sau khi đầu tư các cơ quan địa diện CSH là CSH phần vốn góp, cổ phần tại doanh nghiệp và có quyền, nghĩa vụ tương tự các nhà đầu tư, các cổ đông của doanh nghiệp. Các cơ quan địa diện CSH không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá kết quả hoạt động của DNNN sau 05 triển khai Luật số 69, Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có xu hướng giảm dần, các công ty cổ phần có xu hướng tăng. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các DNNN đang hoạt động và đầu tư để duy trì tỷ lệ của Nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên vẫn là hoạt động chủ đạo.

Tuy nhiên, việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất, thiếu rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Đặc biệt, quy định về quyền sử dụng đất trong khi đất đai là sở hữu toàn dân vẫn còn nhiều vướng mắc, chênh lệch lớn giữa giá đất do nhà nước quy định và giá đất thị trường là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực.

Tập trung hoạt động quản lý vốn nhà nước

TS. Phan Đằng Chương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu của Dự án “Tư vấn Đánh giá triển khai Luật số 69” cho thấy, có 05 vấn đề chính cần tháo gỡ. Đó là, khái niệm vốn Nhà nước và nhà nước với vai trò CSH; Các vấn đề liên quan đến bảo đảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả hoạt động; minh bạch và công bố thông tin.

Trong đó, về khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và khái niệm DNNN, 91% kết quả khảo sát cho rằng giữ mục tiêu của Luật số 69 nên tập trung vào hoạt động quản lý vốn nhà nước.

Trong vấn đề về quản lý vốn, nhiều ý kiến cho rằng, đang tồn tại các cách hiểu khác nhau về vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp, cần mở rộng khái niệm vốn nhà nước đến các doanh nghiệp cấp 2.

Ngoài việc chưa rõ ràng về nguồn vốn (tương ứng là trình tự/ thủ tục) đầu tư và bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp, các quy định về mục tiêu (điều 5) và phạm vi (điều 10) đầu tư vốn Nhà nước cần rõ ràng hơn và cần được điều chỉnh theo mỗi giai đoạn phù hợp với chiến lược phát triển ngành và của địa  phương và quốc gia.

Với 10% các ý kiến cho rằng các quy định về phân cấp thẩm quyền tại Luật số 69 chưa rõ ràng giữa các cấp từ Chính phủ, thủ tướng chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa tương thích giữa Luật số 69 và các luật hiện hành về phân cấp; Luật số 69 dẫn chiếu đến các luật khác nhưng các luật này chưa quy định cụ thể trường hợp của doanh nghiệp cần ra quyết định.

Thêm nữa, do không rõ ràng trong trật tự áp dụng pháp luật giữa Luật số 69 và các Luật khác; Chưa tính đến sự khác biệt giữa 03 mô hình sở hữu (UBQLVNN, UBND Tỉnh/ Thành phố và các bộ quản lý). Trong khi, đầu mối, hệ thống giám sát nhiều dẫn tới chồng chéo, trùng lắp cho doanh nghiệp.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Phân định khái niệm vốn nhà nước, làm rõ vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sắp có tiêu chí phân loại DNNN giai đoạn 2021 – 2025
Một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra tại dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là trong năm 2021, ban hành tiêu chí phân loại DNNN giai đoạn 2021 – 2025.
Năm 2020: Bán cổ phần DNNN chỉ đạt 23% kế hoạch
Năm 2020, công tác bán cổ phần khi cổ phần hóa DNNN đã không thành công theo kế hoạch, tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.