Pháp luật và công nghệ mới: Hành trình hội nhập tất yếu trong kỷ nguyên số tại Việt Nam
TCDN - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới toàn diện ở nhiều lĩnh vực trong đó có pháp luật.
Việc thích nghi và đồng hành cùng sự phát triển của công nghệ mới không chỉ là xu thế, mà đã trở thành một yêu cầu sống còn đối với ngành luật, nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong một xã hội đang số hóa từng ngày.

Quang cảnh Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật và công nghệ mới”.
Pháp luật và công nghệ: Từ xu thế thành yêu cầu cấp thiết
Minh chứng cho xu thế này, Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật và công nghệ mới”. Sự kiện đã thu hút đông đảo chuyên gia pháp lý, học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên cùng tham gia thảo luận, phân tích những vấn đề xoay quanh việc tích hợp pháp luật với những tiến bộ công nghệ, tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và mô hình thử nghiệm pháp lý linh hoạt (sandbox).
Trong bối cảnh công nghệ số đang tái định hình mọi khía cạnh của đời sống xã hội từ kinh tế, giáo dục đến quản trị công ngành luật buộc phải bước vào một cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để hệ thống pháp luật không chỉ kịp thời thích ứng, mà còn có thể đóng vai trò định hướng và dẫn dắt sự phát triển công nghệ?
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn đa chiều, khẳng định tính cấp bách của việc đổi mới tư duy pháp lý, cũng như xây dựng một hệ sinh thái pháp luật đủ linh hoạt để bao quát công nghệ mới, đồng thời vẫn vững vàng trong vai trò bảo vệ công lý và quyền con người.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, nhấn mạnh rằng việc gắn kết giữa pháp luật và công nghệ không còn là lựa chọn, mà là một điều kiện tất yếu để bảo đảm ngành luật có thể bắt kịp những biến động của thời đại số. Ông khẳng định, sự bùng nổ của công nghệ đang làm thay đổi cấu trúc xã hội, phương thức quản lý nhà nước và cách thức vận hành của doanh nghiệp, từ đó đặt ra thách thức to lớn cho hệ thống pháp luật.
AI tạo sinh: Đối tác mới của công lý hay thách thức cho tư pháp?
Một trong những nội dung đáng chú ý tại hội thảo là tham luận của PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp xoay quanh tác động của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) đối với ngành luật. Theo bà, AI tạo sinh với khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, âm thanh, video mới dựa trên dữ liệu học máy đang dần trở thành một "đối tác trí tuệ" hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động xét xử, tư vấn pháp lý và nghiên cứu lập pháp.

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp trình bày tham luận mở đầu với nội dung về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI).
Tuy nhiên, PGS.TS Diệp cũng cảnh báo rằng AI, nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt, có thể đặt ra nhiều rủi ro về tính khách quan, độ tin cậy và quyền riêng tư. Đặc biệt, bà đặt câu hỏi: AI có thực sự giúp mở rộng quyền tiếp cận công lý cho các nhóm yếu thế, hay sẽ trở thành một rào cản mới nếu bị thiết kế sai lệch?
Một ví dụ thực tế về việc ứng dụng AI vào ngành luật Việt Nam được trình bày bởi TS. Huỳnh Phạm Duy Anh. Ông giới thiệu Dự án Trợ lý ảo Tòa án nhân dân một sáng kiến do TAND Tối cao triển khai từ năm 2022 nhằm hỗ trợ thẩm phán và thư ký trong quá trình xử lý hồ sơ, lập luận pháp lý và phân tích dữ liệu án.
Theo TS. Duy Anh, mặc dù dự án đã mở ra nhiều kỳ vọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức như thiếu dữ liệu chuẩn hóa, rào cản kỹ thuật, sự dè dặt từ đội ngũ cán bộ và yêu cầu về tính minh bạch, giải thích rõ ràng của hệ thống AI. Ông nhấn mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như ISO/IEC 25059:2023 sẽ giúp đánh giá và kiểm soát rủi ro của AI một cách toàn diện hơn.
Một chủ đề nổi bật khác của hội thảo là tham luận của ThS. Luật gia Lưu Minh Sang về mô hình sandbox cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Sandbox cho phép các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới vận hành trong một không gian pháp lý linh hoạt và giới hạn, nhằm đánh giá rủi ro và hoàn thiện khung pháp lý trước khi chính thức áp dụng.
ThS. Sang cho biết, sandbox đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công trong các lĩnh vực như fintech, AI, blockchain. Tại Việt Nam, mô hình này đang được cân nhắc đưa vào Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, tuy nhiên các quy định hiện tại vẫn còn thiếu tính đồng bộ, cần bổ sung thêm cơ sở lý luận và cơ chế giám sát rõ ràng để bảo vệ lợi ích công cộng.

Sinh viên Bùi Thị Đoan Trang đật câu hỏi tại hội thảo.
Khép lại hội thảo, phần giao lưu giữa chuyên gia và sinh viên đã đặt ra một vấn đề lớn: thế hệ luật sư trẻ cần chuẩn bị gì để không bị tụt lại trong kỷ nguyên công nghệ? Câu trả lời chung của các diễn giả là: thay vì lo ngại về sự phát triển quá nhanh của AI, sinh viên cần trang bị tư duy pháp lý mở rộng, kết hợp kiến thức công nghệ, dữ liệu và an ninh mạng.
Nhiều trường đại học quốc tế đã tiên phong mở ngành "Luật và công nghệ" nhằm đào tạo thế hệ luật sư tương lai có thể làm việc hiệu quả trong môi trường số hóa. Việt Nam cũng cần nhanh chóng phát triển mô hình đào tạo liên ngành, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực pháp luật, để đảm bảo năng lực cạnh tranh toàn cầu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899