Phát triển bền vững doanh nghiệp hậu Covid-19: Phép thử quan trọng
TCDN - Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 lần này không chỉ là phép thử năng lực, sức chịu đựng mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại chiến lược dài hạn của mình, cũng như nhận thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của phát triển bền vững.
Sáng 15/7, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã tổ chức buổi đối thoại cùng báo chí với chủ đề: Phát triển bền vững doanh nghiệp, bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19.
Tại buổi đối thoại, theo nhiều chuyên gia kinh tế, dịch bệnh toàn cầu Covid-19 đã phơi bày lỗ hổng quản trị trong doanh nghiệp Việt, đó là vấn đề về khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng và khả năng thích ứng...
Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng nghìn doanh nghiệp bị phá sản, rời khỏi thị trường do khủng hoảng bởi dịch bệnh trong thời gian qua.
Hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động còn lại cũng đứng trước nhiều thách thức mới lần đầu tiên trong lịch sử. Họ buộc phải nhìn nhận lại cách thức quản trị mục tiêu kinh doanh có gắn liền với phát triển bền vững hay không và cũng là lần đầu tiên họ nhận thức được vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội không phải là chi phí mà chính là sự đầu tư cho tương lai bền vững của doanh nghiệp.
Nói về câu chuyện phát triển bền vững và lợi thế cạnh tranh, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng nhóm hợp tác, Ban thư ký VBCSD, nhấn mạnh, từ 5 năm nay, Hội đồng và các chuyên gia đã nghiên cứu để xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI và Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam để đồng hành cùng các doanh nghiệp.
"Bộ chỉ số doanh nghiệp và bền vững đã trang bị cho doanh nghiệp như một công cụ để có thể chống chọi được trước những ảnh hưởng về mặt kinh tế", ông Hải cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Chỉ số CSI đã được cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã ký kết gần đây, cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững và kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững 2020.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, tham gia chương trình đánh giá doanh nghiệp phát triển bền vững và áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi kịch bản.
Việc các doanh nghiệp thường xuyên tham chiếu Bộ chỉ số này sẽ kịp thời phát hiện những điểm yếu, thiếu sót trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh để cải thiện. Đồng thời nắm bắt những cơ hội tiềm năng để đầu tư và đi tắt đón đầu trong hoạt động của mình.
Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Phạm Thị Thanh Xuân, Đại diện Hiệp hội da giầy - Túi xách Việt Nam cho biết, bộ chỉ số SCI là một công cụ rất hiệu quả giúp cho doanh nghiệp, nó như một thước đo xem doanh nghiệp chúng ta đang ở đâu, qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo bà, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành cà phê. Sáu tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu của ngành có suy giảm đáng kể, riêng tháng 5, giảm tới 3,6%. Các doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, việc làm.
“Hiệp hội đã và đang đồng hành sát sao cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới việc làm của người lao động”, bà Xuân cho biết.
Cũng tại buổi đối thoại, bà Lê Thị Hoài Thương, đại diện Công ty TNHH Nestle Việt Nam thừa nhận dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình sản xuất, phát triển của doanh nghiệp.
“Có thể nói, đại dịch Covid-19 như một phép thử đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, bộ chỉ số SCI như một thước đo giúp Nestle tự xem bản thân đang ở đâu và cần làm gì để tháo gỡ khó khăn.”, bà Thương nhấn mạnh.
Theo bà Thương, hiện tại ở Việt Nam, Nestle đang kết nối khoảng 23 ngàn hộ nông dân trồng cà phê, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Trong bối cảnh dịch covid, neslte rất may mắn được đồng hành cùng báo chí.
“Ngay thời điểm đầu đại dịch xảy ra, dựa vào những đánh giá nội bộ, công ty ngay lập tức đã đưa ra một chiến lược giúp vượt qua cơn bão. Chiến dịch đó trước tiên phải hướng đến yếu tố con người, cán bộ, công nhân viên trong công ty có khỏe, không bị nhiễm bệnh thì mới tính tới các yếu tố khác. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cam kết không cắt giảm nhân công, thậm chí còn có kế hoạch tăng lương cho họ”, bà Thương cho biết.
Trả lời báo chí về chủ đề trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng công nghiệp thương mại VCCI cho rằng, đây là lúc, các doanh nghiệp thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh “vì lợi nhuận trước mắt”, nhanh chóng thay đổi chiến lược để phục hồi và đón đầu các thời cơ thương mại mới.
"Khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta chấp nhận chuẩn mực cao nhất về thương mại và đầu tư trong nền kinh tế toàn cầu.
Chúng ta tái khởi động trong thời kỳ hậu Covid 19 nghĩa là chúng ta tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại và một trong những yêu cầu rất quan trọng của các chuỗi cung ứng toàn cầu là cần phải hướng tới phát triển bền vững hơn, an toàn và có trách nhiệm … Từ đó, để chúng ta có thể tái khởi động thành công sau Covid 19", ông Lộc nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899