Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm”

02/12/2021, 09:38

TCDN - Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là việc cán bộ với tư duy, cách làm mới tạo ra những thay đổi, tiến bộ để giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra bằng các giải pháp sáng tạo, đột phá, mang lại những giá trị mới, thiết thực, hiệu quả.

Tóm tắt

Hơn 30 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong khu vực công đã có nhiều thay đổi, phát triển để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Bài viết nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ đặc biệt là cán bộ chất lượng cao, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì nhân dân, góp phần đưa đất nước phát triển.

I. Đặt vấn đề

Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng về Đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Cán bộ ở đây là nguồn nhân lực trong khu vực công đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Quản lý nguồn nhân lực là quá trình xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) cống hiến vì lợi ích chung của Nhà nước và xã hội.

Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là lực lượng tinh túy, quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Phần lớn nhân lực chất lượng cao ở nước ta là những người làm việc cho khu vực công, có quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Trong bộ máy hệ thống chính trị, nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chiến lược, kế hoạch, giải pháp xây dựng và phát triển đất nước và là lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, giải pháp đó.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đổi mới, sáng tạo được coi là động lực quan trọng để phát triển quốc gia. Gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý, mở rộng không gian đổi mới, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm “... chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là việc cán bộ với tư duy, cách làm mới tạo ra những thay đổi, tiến bộ để giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra bằng các giải pháp sáng tạo, đột phá, từ đó mang lại những giá trị mới, thiết thực, hiệu quả về vật chất và tinh thần, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, chuyển biến tích cực trong toàn xã hội. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tâm huyết, trăn trở với công việc, những cán bộ đổi mới, sáng tạo luôn mạnh dạn trong suy nghĩ, quyết đoán trong hành động, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.

II. Thực trạng nguồn nhân lực khu vực công nước ta hiện nay

Nhân lực hành chính công ở nước ta bao gồm các nhóm cán bộ, công chức và viên chức theo Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức 2018 và Luật Viên chức 2010. Theo Báo cáo chuyên đề của Bộ Nội vụ số lượng thứ trưởng và tương đương của các Bộ, ngành ở Việt Nam là 101; người đứng đầu và cấp phó của các cơ quan thuộc Chính phủ là 35; cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên là 323.349. Tổng số cán bộ công chức cấp xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tính đến năm 2014 là 235.384 người; trong đó, cán bộ cấp xã là 118.067, công chức cấp xã là 117.317; viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.834.111.

Thực hiện Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 và Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực; thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.

Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao cũng tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 chưa xác định được nhu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước nói chung cũng như của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng. Vì vậy, chưa có cơ sở xây dựng một chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thống nhất, đồng bộ để thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và trọng dụng một cách hiệu quả, hợp lý.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII đã chỉ rõ: “... nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”.

Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là lực lượng chuyên gia đầu ngành vừa thiếu hụt, vừa không đồng bộ, tuổi đời bình quân cao. Cán bộ, công chức, viên chức trẻ có kiến thức, trình độ học vấn cao, nhưng thiếu kinh nghiệm, chậm được phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng để đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí tương xứng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn.

Thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực khu vực công còn nhiều hạn chế. Đội ngũ nhân lực lành nghề, thạo nghề, giỏi công nghệ vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu xã hội để phát triển các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cấp vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó.

Đối với đội ngũ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nêu rõ: “… Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhiều cán bộ khoa học tâm huyết, say mê nghiên cứu, có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước, một số công trình khoa học có giá trị quốc tế. Theo Sách Trắng Khoa học và công nghệ 2015, các công bố quốc tế của Việt Nam trong 15 năm qua tăng bình quân khoảng 17%/năm, nhất là một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản…”.

Tuy nhiên, cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, vì nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ chế, chính sách chưa có đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đổi mới, sáng tạo chưa thực sự tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vẫn còn tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám có những đổi mới sáng tạo…

Việc hạn chế đối với nguồn nhân lực đặc biệt nhân lực chất lượng cao trong khu vực công, chưa dám nghĩ, dám làm là do hàng loạt các nguyên nhân sau:

Đầu tiên đó là do quản lý nhân lực chưa có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương, đang có sự phân tán giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị chủ quản, giữa các bộ, ngành với địa phương.

Thứ hai, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng như các văn bản pháp quy liên quan đến phát triển nhân lực còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo.

Thứ ba, việc kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp nguồn nhân lực chưa thực sự thống nhất và hiệu quả chưa cao, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chưa có quy định chuẩn, nặng về số lượng, thiếu quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ tư, thiếu minh bạch trong khâu tuyển dụng nguồn nhân lực đối với khu vực công, dẫn đến chất lượng tuyển dụng nguồn nhân lực chưa cao, chưa thu hút được người tài vào làm việc cho khu vực công.

Thứ năm, chưa có cơ chế phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp chung.

III. Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực, khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta xác định: chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Để đạt được mục tiêu này, yếu tố quyết định là xây dựng và phát huy được nguồn lực con người Việt Nam, làm cho mọi công dân được phát triển tự do, toàn diện, kết tinh được các giá trị văn hóa truyền thống quý báu, có đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, được đào tạo, trang bị tri thức, kỹ năng sống, năng lực lao động sáng tạo, tư duy đổi mới, phát huy được tối đa trí tuệ, tài năng, khát vọng phát triển trong cuộc sống và lao động sáng tạo.

Tác giả xin đề xuất một số giải pháp nâng cao nguồn nhân lực khu vực công đặc biệt là đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì nhân dân.

Thứ nhất, thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá CCVC theo hướng tiếp thu chọn lọc cách tiếp cận quản lý tiên tiến, hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong các quy trình giải quyết công việc; sửa đổi quy định về phân loại, đánh giá CCVC hằng năm cho thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng; nghiên cứu cách thức đánh giá theo tháng, theo tuần và theo từng công việc được giao. Thống nhất cách phân loại công chức trong các văn bản quy phạm pháp luật. Sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật đối với CCVC thống nhất với quy định của Đảng.

Xây dựng quy hoạch bồi dưỡng, phát triển cán bộ một cách ổn định; khắc phục tình trạng bị động, hụt hẫng, bố trí cán bộ theo tình huống. Định hướng cho công chức chủ động học tập, phát triển theo nghề nghiệp, cả về phương diện chuyên môn và quản lý. Song song với việc xây dựng đội ngũ cán bộ trung cao cấp có đủ năng lực hoạch định và chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển trong thời kỳ mới, cần quan tâm phát hiện, bồi dưỡng công chức trẻ có tiềm năng lãnh đạo, quản lý hoặc có khả năng trở thành những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.

Thứ hai, hoàn thiện chế độ, chính sách đi đôi với cải cách tài chính công để bảo đảm nguồn ngân sách trả lương, khen thưởng và tạo điều kiện để công chức có thu nhập minh bạch, công bằng, tương xứng với trình độ, năng lực, giá trị sức lao động và kết quả công tác.

Cải cách chế độ tiền lương ở khu vực công dựa trên nguyên tắc phân tích, mô tả công việc để từ việc mà tuyển dụng người và trả lương cho người làm việc. Việc cải cách chế độ tiền lương không chỉ có ý nghĩa tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc chuyên tâm, chuyên cần, chuyên nghiệp và tích cực thực hiện cải cách hành chính, mà còn có ý nghĩa thu hút, giữ lại nhân tài cho khu vực công, thu hút các trí thức việt kiều, chuyên gia nước ngoài tham gia xây dựng đất nước.

Thứ ba, bảo vệ sự an toàn nguồn nhân lực khu vực công. Sự an toàn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: an toàn về sức khỏe, an toàn về lao động, an toàn về quyền lợi, nghĩa vụ và an toàn về thực thi công vụ...

Tiếp tục kiện toàn về mặt tổ chức và nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra để nhằm phòng tránh các hiện tượng bất bình đẳng trong việc giải quyết chế độ, quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, các cơ quan pháp luật cần phải thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các thái độ, hành vi bạo hành, lăng mạ, vu khống, tấn công gây thương tích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong khi họ đang thực thi công vụ và thao tác nghiệp vụ, chuyên môn.

Thứ tư, có cơ chế khuyến khích cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam; chiến lược, quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ. Xây dựng các tiêu chí khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo. Tạo điều kiện, hình thức khuyến khích động viên cán bộ. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong việc khuyến khích động viên cán bộ đổi mới, sáng tạo.

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

2. Kết luận 14/KL-TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

3. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII)

4. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

5. Triệu Văn Cường (2018), Đổi mới quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công ở Việt Nam, Tạp chí Tổ chức Nhà nước online, đăng ngày 15/09/2018.

ThS. Nguyễn Thị Kiều Trang

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Tạp chí in số tháng 11/2021
Bạn đang đọc bài viết Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm” tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận