Phát triển tài chính nông thôn: Kinh nghiệm của các quốc gia và bài học cho Việt Nam

29/11/2021, 10:52

TCDN - Bởi những khó khăn trong ngân sách nhà nước Chính phủ chỉ có thể duy trì khoản chi tiêu cho nông nghiệp ở mức 6% GDP trong nhiều năm qua. Do đó, nguồn vốn bổ sung từ nước ngoài và khu vực tư nhân trở nên hết sức quan trọng.

Tóm tắt

Tài chính nông thôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững cũng như sinh kế của người dân tại các quốc gia mà nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp như Việt Nam. Bài viết nghiên cứu thông lệ quốc tế và kinh nghiệm phát triển tài chính nông thôn tại các quốc gia để rút ra bài học cho Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu cho rằng người nông dân có thể cân nhắc tới khả năng liên kết để thành lập các nhóm sản xuất trên cơ sở tự nguyện giữa các thành viên. Ngoài ra, các định chế tài chính nên có một chiến lược kết hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật, đặc biệt là tăng cường sự kết nối với người nông dân.

1. Tổng quan về tài chính nông thôn

Đặc điểm và sản phẩm dịch vụ tài chính nông thôn 

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế (Ramirez, 2016) trong khi đó, việc tổ chức và chuyển đổi các hệ thống sản xuất nông nghiệp không thể đạt được nếu không có các dịch vụ tài chính hiệu quả. Fernando (2008) đã liệt kê 8 yếu tố cơ bản đảm bảo sự phát triển của nông thôn, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của các dịch vụ tài chính nông thôn.

Tài chính nông thôn có những đặc điểm rất riêng biệt. Ở góc độ khách hàng, người nông dân mong muốn rằng các sản phẩm tài chính nông thôn phải đa dạng, dịch vụ nhanh chóng, thời hạn và số tiền vay linh hoạt, và đặc biệt là không yêu cầu tài sản thế chấp truyền thống. Trong khi đó, các tổ chức tài chính cho rằng tài chính nông thôn có rất nhiều đặc điểm đặc thù, bao gồm: (i) Chi phí giao dịch tài chính cao khi phục vụ các hộ nông dân phân tán và nhỏ; (ii) Tính không đồng nhất trong nhu cầu vay của nông dân (vay theo mùa vụ và có kỳ hạn), độ bão hòa của nhu cầu vay vốn canh tác và phi nông nghiệp; (iii) Lợi nhuận thấp hơn và rủi ro cao hơn do sản xuất nông nghiệp liên quan tới điều kiện tự nhiên và thời tiết; (iv) Thiếu tài sản thế chấp khoản vay; (v) Kỷ luật trả nợ thấp do người nông dân luôn phải đối mặt với những nhu cầu khẩn cấp, khả năng trả nợ của họ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng và dự phòng an sinh xã hội.

Nguồn cung của tài chính nông thôn bao gồm khu vực chính thức và khu vực không chính thức. Khu vực chính thức bao gồm các định chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng đóng vai trò trung gian giữa người gửi tiền và người đi vay hoạt động theo luật các tổ chức tín dụng và được quản lý, giám sát chặt chẽ.

Đối tượng khách hàng của tài chính nông thôn bao gồm các cơ sở kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn, các hộ gia đình, các doanh nghiệp vi mô, người nông dân, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản.

Thách thức của phát triển tài chính nông thôn

Ruete (2015) đã liệt kê 4 thách thức cơ bản cho phát triển tài chính nông thôn tại các quốc gia đang phát triển: (i) Chi phí giao dịch ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị do dân cư phân tán hơn với cơ sở hạ tầng yếu kém (IFAD, 2009a); (ii) Các yếu tố rủi ro vốn có trong nông nghiệp thường cản trở các tổ chức tài chính cho vay. Ví dụ, khó khăn trong việc xác định quyền sở hữu đất hay giá trị đất thấp trong khi đó đây được coi như là một sự đảm bảo để cho khoản vay, hay sự biến động mạnh của giá cả (IFAD, 2009a); (iii) Các sản phẩm dịch vụ tài chính sẵn có không thể thích ứng với sự đa dạng trong yêu cầu của tài chính nông thôn; (iv) Việc thiếu hồ sơ và số liệu thống kê về canh tác ở các nước đang phát triển khiến quá trình thẩm định cho vay trở nên khó khăn.

Vai trò của Chính phủ trong tài chính nông thôn

Các chính phủ là những nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng cho nền nông nghiệp tại các nước đang phát triển. Ở các quốc gia trên thế giới, các chính phủ đã thành lập các tổ chức tài chính nông nghiệp riêng biệt như Ngân hàng Nông nghiệp Ghana, Ngân hàng TNHH Phát triển Nông nghiệp Nepal… Ngoài ra, vai trò của chính phủ còn thể hiện thông qua các can thiệp liên quan tới quản trị rủi ro, bao gồm: (i) Chính phủ hỗ trợ người nông dân bằng việc giảm đóng góp an sinh xã hội và miễn thuế trong thời kỳ khủng hoảng hay thành lập quỹ hỗ trợ thiên tai nhằm bù đắp cho những nông dân quy mô nhỏ bị thiệt hại trong sản xuất sau các sự kiện liên quan đến thời tiết và các sự kiện khác (OECD, 2013); (ii) Chính phủ tạo quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc hỗ trợ các chương trình bảo lãnh tín dụng do các tổ chức tư nhân cung cấp thông qua bảo lãnh đối ứng; (iii) Chính phủ hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân về những rủi ro tiềm ẩn; (iv) Chính phủ khuyến khích phát triển các mô hình liên kết trong nông nghiệp (IFAD, 2012); (v) Chính phủ ban hành các quy định hỗ trợ tài chính nông thôn phát triển. Quy định tài chính là rất quan trọng đối với hiệu quả của các dịch vụ và sản phẩm tài trợ, đặc biệt là để đảm bảo phân bổ nguồn tài chính tối ưu, giảm thiểu chi phí giao dịch trong trung gian tài chính và thích ứng các tổ chức tài chính với môi trường thay đổi (Ruete, 2015).

Empty

2. Thực trạng tài chính nông thôn tại Việt Nam

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp và có những định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Bởi những khó khăn trong ngân sách nhà nước Chính phủ chỉ có thể duy trì khoản chi tiêu cho nông nghiệp ở mức 6% GDP trong nhiều năm qua. Do đó, nguồn vốn bổ sung từ nước ngoài và khu vực tư nhân trở nên hết sức quan trọng.

Về tài trợ từ bên ngoài, trong nhiều năm lĩnh vực nông nghiệp nhận được sự hỗ trợ tài chính chủ yếu từ các khoản vay không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD). Năm 2018, NHNN đã phối hợp với IFC ban hành hướng dân dành cho các TCTD khi cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm các ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn như áp dụng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện thấp hơn từ 1% - 2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Do đó, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm (Thu Hoài, 2019). Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, dẫn đến thực trạng chưa có những cải thiện mạnh mẽ cả về mức sống và trình độ kinh tế tại các vùng nông thôn Việt Nam.

3. Thông lệ quốc tế và kinh nghiệm phát triển tài chính nông nghiệp và nông thôn tại các quốc gia

* Kinh nghiệm của Maroc

Tại Maroc, khoảng 75% người nghèo ở nông thôn sống phụ thuộc vào nông nghiệp (Ramirez, 2016). Người nông dân không thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ khi không có chứng nhận sở hữu đất đai. Bên cạnh đó, nông dân ngày càng phải đối mặt với biến đổi khí hậu, sa mạc hoá tiếp tục mở rộng và hệ thống ốc đảo xuống cấp. Do đó, năm 2008, Chính phủ Maroc triển khai kế hoạch Maroc xanh (GMP).

Một trong các sáng kiến mà bộ công nghiệp, thương mại, đầu tư và kinh tế số của Maroc đưa ra đó là thành lập các nhóm lợi ích kinh tế (EIG), bao gồm các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Việc tham gia vào các EIG là tự nguyện, dựa trên sự tin tưởng và khả năng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của các bên. Mục tiêu thành lập EIG là để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt, số lượng cần thiết để đủ cung cấp thường xuyên cho thị trường nội địa. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn của các EIG là dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tiếp cận vốn của từng người nông dân hay hộ gia đình.

Ngoài ra, ngân hàng tín dụng nông nghiệp Maroc Group Credit Agricole du Macroc (GCAM) đã ra đời với vai trò hỗ trợ nông dân và phát triển nông thôn, đặc biệt đã góp phần phục vụ tốt hơn cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ. Theo báo cáo của GCAM năm 2019, GCAM đã tài trợ 58 tỷ Dirham cho các dự án đầu tư thuộc trụ cột I và II trong giai đoạn 2009 - 2018. Ngoài ra, trong số 1,37 triệu người dân ở khu vực nông thôn đã tiếp cận được với các ngân hàng có 903 nghìn người là nông dân. Bên cạnh đó, GCAM đã hỗ trợ xoá các khoản nợ trị giá 5 tỷ Dirham cho các hộ nông dân nhỏ từ năm 2000 đến năm 2003, tương đương 60% tổng nợ. Phần còn lại nhà nước chịu trách nhiệm thông qua việc tăng vốn của ngân hàng…

* Kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ tài chính nông thôn của nhóm Friendship

Friendship là một tổ chức phi lợi nhuận của Bangladesh, thành lập vào năm 2002 với mục đích ban đầu là tập trung vào chăm sóc sức khoẻ cho các khu vực bị cô lập tại Bangladesh. Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Friendship có một chương trình phát triển kinh tế bền vững mang tên SED. Các dự án tài chính vi mô thuộc chương trình SED bao gồm dự án nông nghiệp (Agriculture Project), dự án ngư dân (Fishermen Project) và dự án điện hoá nông thôn (Electrification Project) luôn có sự kết hợp của các dịch vụ tài chính với việc tiếp cận các trợ giúp kỹ thuật.

Dự án nông nghiệp được triển khai ở khu vực phía Bắc của Bangladesh - nơi mà có rát nhiều các đảo “du mục” hình thành thành từ những đợt lũ lặp đi lặp lại hàng năm từ năm 2006. Chương trình giới thiệu cho người dân các kỹ thuật và cây trồng mới đồng thời dự án thực hiện dịch vụ cho vay nông nghiệp với 3 sản phẩm chính, đó là: (i) Khoản vay chia sẻ rủi ro để tài trợ cho việc sản xuất gạo, ngô, lúa mỳ, đay hay nuôi bò; (ii) Khoản vay mang tên “hiểm hoạ và khí hậu” để tài trợ cho việc sản xuất rau, ớt và khoai tây; (iii) Khoản cho thuê tài chính để tài trợ các máy móc thiết bị nông nghiệp nhỏ như máy bơm nước, máy xới đất.

Dự án ngư dân - được triển khai tại khu vực phía Tây Nam của Bangladesh ngay sau trận lốc xoáy năm 2011, tập trung vào các nhu cầu của ngư dân trong việc phát triển các hoạt động đánh bắt cá cá biển và sông, hỗ trợ ngư dân trên cả hai khía cạnh là kỹ thuật và tài chính. Dự án điện hoá nông thôn cũng được triển khai tại khu vực Bắc Bangladesh, nơi có rất nhiều đảo “du mục” và không có bất kỳ cơ sở hạ tầng nào, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách giúp họ chuyển từ giải pháp ánh sáng nguy hiểm sang giải pháp ánh sáng tốt cho sức khoẻ, bền vững hơn…

Abboud (2016) đã hệ thống lại các lý do vì sao Friendship thành công hơn các tổ chức khác trong việc hỗ trợ người nông dân. Đầu tiên, không phải ngay từ đầu mà Friendship đã có được các sản phẩm tài chính phù hợp, mà các sản phẩm này được thiết kế rất kỹ, sau đó được đưa vào thử nghiệm và điều chỉnh liên tục cho phù hợp với đối tượng sử dụng là người nông dân và hoàn cảnh của họ.

Thứ hai, Friendship sử dụng cách tiếp cận tích hợp và nhất quán, theo đó tất cả các chương trình mà Friendship thực hiện phải có sự kết nối chặt chẽ với nhau bởi vì khách hàng của chương trình này sẽ là người thụ hưởng của chương trình khác. Quy trình cấp tín dụng cá nhân là minh bạch và nhanh gọn. Ngoài ra, Friendship lựa chọn cách tiếp cận với nông dân chủ yếu thông qua các FCDC (Friendship Char Development Commitee) - một hệ thống khuyến khích và hỗ trợ người nông dân làm việc theo nhóm.

Cuối cùng, các chương trình của Friendship giải quyết các nhu cầu địa phương theo một trình tự cụ thể, từ đó, hình thành một logic can thiệp dựa trên các điều kiện phát triển và nhu cầu của những người thụ hưởng. Ngoài ra, các chương trình của Friendship nhất quán và hỗ trợ lẫn nhau nên thông tin về các chương trình được truyền tải thống nhất, mọi lúc và mọi nơi.

* Kinh nghiệm triển khai cho thuê tài chính vi mô (Microleasing) tại Burkina Faso

Người nông dân tại Châu Phi gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính do thiếu các sản phẩm tín dụng phù hợp. Trong khi đó, muốn hiện đại hoá nông nghiệp để tăng thu nhập của người dân thì rất cần thiết phải đầu tư máy móc thiết bị. Xuất phát từ thực tiễn trên, tổ chức hỗ trợ phát triển ADA (Appui au Development Autonome) và mạng lưới các tổ chức tín dụng tại Burkina RCPB (Réseau des Caisses Populaires) đã triển khai thử nghiệm dịch vụ hỗ trợ tài chính dưới hình thức cho thuê tài chính vi mô (microleasing) tại Burkina Faso dành cho 4 loại thiết bị cơ bản, bao gồm: máy kéo, máy bơm, máy xới đất và động cơ đa năng. Kết quả là những người nông dân nghèo đã tiếp cận được dịch vụ này. Tính tới năm 2014, có khoảng 17 máy kéo đã được cho thuê và giá trị khoản cho thuê tài chính vi mô đạt được là 300.000 euro.

4. Kết luận và kiến nghị

Qua phân tích thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển tài chính nông thôn, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp dành cho đối tượng là người nông dân và các tổ chức triển khai tài chính nông thôn như sau:

Thứ nhất, người nông dân có thể cân nhắc tới khả năng liên kết để thành lập các nhóm sản xuất trên cơ sở tự nguyện giữa các thành viên. Kinh nghiệm tại Maroc chỉ ra rằng với đặc điểm sản xuất khá manh mún của từng hộ nông dân như hiện nay tại Việt Nam, việc tiếp cận các nguồn vốn hay hỗ trợ tài chính cũng như kỹ thuật là khá khó khăn. Việc tham gia nhóm sản xuất sẽ giúp họ có thể sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt, số lượng nhiều để bán trên thị trường nhằm cải thiện thu nhập, đồng thời với quy mô sản xuất lớn, họ dễ dàng tiếp cận được các hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như tài chính từ các nguồn lực trong xã hội. Tuy vậy, việc thành lập các nhóm sản xuất phải được triển khai thận trọng, đảm bảo lợi ích của các thành viên.

Thứ hai, các tổ chức triển khai tài chính nông thôn có thể cân nhắc một số gợi ý như sau: (i) Cần phải xác định rằng mục tiêu một nền kinh tế nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải có một chiến lược kết hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật. Kinh nghiệm triển khai hỗ trợ tài chính nông thôn của nhóm Friendship tại Bangladesh hay ADA tại Niger cho thấy bên cạnh việc triển khai các khoản vay đặc thù để tài trợ cho các hoạt động nông nghiệp, các dự án cần phải chú trọng các khoá đào tạo dành cho nông dân về kỹ thuật canh tác hay cây trồng mới;

(ii) Các gói hỗ trợ tài chính nên đa dạng và được thiết kế riêng cho từng đối tượng. Các gói hỗ trợ tài chính của Friendship bao giờ cũng chia các khoản vay thành rất nhiều loại. Điều này giúp các định chế tài chính kiểm soát tốt hơn mục đích vay của nông dân, từ đó hạn chế rủi ro tín dụng. Đồng thời việc làm này sẽ giúp người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ tài chính;

(iii) Cân nhắc cung cấp dịch vụ cho thuê tài chính vi mô (Microleasing). Hoạt động cho thuê tài sản nên được cân nhắc đối với các hoạt động sản xuất đòi hỏi phải đầu tư máy móc, thiết bị giá trị lớn như đã từng được Friendship triển khai hay trường hợp tại Burkina Faso. Đây là sáng kiến rất phù hợp trong bối cảnh người nông dân thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vay;

(iv) Tăng cường sự kết nối với người nông dân. Kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia chỉ ra rằng các dự án hỗ trợ tài chính nông thôn thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ với người dân, và xây dựng được sự tin tưởng của họ đối với các chương trình hỗ trợ hay sản phẩm tài chính. Nhờ đó, quá trình triển khai và hỗ trợ tiếp cận tài chính sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Tài liệu tham khảo:

1. Abboud M. (2016), Friendship: A firm spot in the shifting sands of Banladesh, Passerelles, No 3, ISSN 2354-5402.

2. Ghanem H. (2015), Agriculture and Rural development for inclusive growth and food security in Morocco, Global economy and development, Working paper 82, February 2015.

3. IFAD (2019), Socialist Republic of Viet Nam: country strategic opportunities programme 2019 - 2025 (COSOP), Rome: IFAD (https://webapps.ifad.org/ members/eb/127/docs/EB-2019-127-R-18.pdf).

4. Klein, B., R. L. Meyer, A. Hannig, J. Burnett, and M. Fiebig (1999), Better practices in agricultural lending, Food and Agricultural Organization (FAO) and Deutsche Gesellschaft fur Technische Zusammenarbeit (GTZ).

5. Ramirez J. (2016), Saving drops of water and nururing life: Financing arboriculture projects and irrigation systems in rural Morocco, Passerelles, No 3, ISSN 2354-5402.

6. Thu Hoà (2019), Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn - Thực trạng và định hướng, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ISSN 2734 -9144

7. World Bank (2020), World development indicators, Washington DC: World Bank.

TS. Nguyễn Thị Nhung - Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

ThS. Nguyễn Thị Điệp - Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tạp chí in số tháng 11/2021
Bạn đang đọc bài viết Phát triển tài chính nông thôn: Kinh nghiệm của các quốc gia và bài học cho Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận