Phê duyệt phương án cổ phần hóa: Doanh nghiệp chờ hướng dẫn, địa phương chưa quy hoạch

21/10/2019, 09:58

TCDN - Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg vừa ban hành nêu rõ tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ đối với 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Tuy nhiên, hiện chỉ có 01 doanh nghiệp trong danh mục này được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

3-1

Chậm ngay ở khâu thống kê, đo đạc

Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, nêu cụ thể tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ đối với 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 (bổ sung 01 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho vào danh sách phải cổ phần hóa).

Trong tháng 8/2019 cổ phần hóa được 01 đơn vị thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa ban hành kèm theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. 

08 tháng đầu năm 2019 có 09 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 02 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và 01 doanh nghiệp theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.

9 doanh nghiệp này là: Công ty TNHH Cà phê Thắng Lợi - Đắk Lắk; Trung tâm dạy nghề giao thông vận tải Hải Dương; Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê, (SCIC); Ban Quản lý và Điều hành bến xa bến tàu Hậu Giang; Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên; Công ty Môi trường đô thị Cà Mau; Công ty TNHH MTV Sách và TBTH tỉnh Đăk Nông; Công ty Quản lý Cầu đường Đà Nẵng; Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chia sẻ, vướng mắc lớn nhất là phương án sử dụng đất. Đất đai tại Việt Nam là một quá trình từ mấy chục năm nay đối với doanh nghiệp nhà nước, tồn tại rất nhiều vấn đề mà bản thân doanh nghiệp phải xử lý. Vấn đề này đã có những văn bản để xử lý. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp chỉ đạo trong cuộc sơ kết 6 tháng đầu năm về cổ phần hóa đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có thông tư mới để hướng dẫn về nội dung này.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để ra được quyết định phương án cổ phần hóa phải phê duyệt phương án sử dụng đất. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp quy mô lớn có phạm vi hoạt động rộng khắp tất cả các địa phương, thậm chí có những doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trước đây chúng ta gọi là hạch toán toàn ngành, có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc xuống đến các cấp quận, huyện và như vậy công tác thống kê đất đai, công tác đo đạc, công tác hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải hoàn thành trước thời điểm quyết định phê duyệt cổ phần hóa, quả thực gây lúng túng và gây khó khăn cho các đơn vị. Chưa kể doanh nghiệp quốc phòng an ninh cũng gặp phải trường hợp tương tự liên quan đến vấn đề đất đai. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào quy hoạch đất đai của địa phương. Trong khi, khá nhiều địa phương chưa có hoặc chưa được phê duyệt về quy hoạch đất đai.

Báo cáo của CIEM cho thấy, xử lý đất đai trong cổ phần hóa là vấn đề gặp nhiều vướng mắc. Theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Tuy vậy, tiến độ trên thực tế thường bị chậm ở ngay khâu thống kê, đo đạc địa chính. Nhiều trường hợp không được địa phương phê duyệt phương án do hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ, do không thống nhất về phương án sử dụng đất, về đo đạc diện tích đất, về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương…, chưa kể đến trường hợp địa phương chưa có quy hoạch hoặc chưa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thiếu thống nhất hoặc chồng chéo giữa các quy hoạch.

Một số trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất từ hàng chục năm nay nhưng vẫn không có tài liệu chứng thực hợp pháp. Việc lập hồ sơ, trình phê duyệt và chấp thuận phương án xử lý đất đai càng trở nên phức tạp hơn đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc diện cổ phần hóa và các DNNN quy mô lớn, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước có mạng lưới chi nhánh, đơn vị phụ thuộc phủ khắp khắp cả nước được giao quản lý, sử dụng diện tích mặt bằng sản xuất, kinh doanh rất lớn, trải đều ở nhiều địa phương khác nhau, đang được sử dụng vào các mục đích kinh doanh đa dạng, nhưng hồ sơ pháp lý về mặt bằng kinh doanh không đầy đủ.

Những khó khăn trong xử lý tài chính, tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước vẫn là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa. Hầu hết doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch 2016 - 2020 là doanh nghiệp quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian, nhất là ở những DNNN gặp khó khăn về tài chính, công nợ lớn, nhiều loại chi phí và tài sản do doanh nghiệp quản lý nhưng không được hạch toán đầy đủ giá trị.

Một số quy định về cổ phần hóa, thoái vốn không thực hiện được trên thực tế hoặc lúng túng trong áp dụng pháp luật do thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất và tính khả thi như quy định về xác định giá trị lịch sử, văn hóa, nhãn hiệu tên thương mại trong định giá doanh nghiệp, định giá vốn nhà nước; quy định về căn cứ xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn nhà nước.

Một số chuyên gia thẩm định giá cho rằng, theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Tuy nhiên nhiều tập đoàn, tổng Công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa do nhiều nguyên nhân, trong đó hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất. Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, Nhà nước cần cho phép kết hợp xác định giá trị doanh nghiệp, đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.

Không làm đúng quy định phải trả lại chính quyền địa phương

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, công tác cổ phần hóa hiện đã thay đổi cách làm, trong đó tập trung vào khâu rà soát đất đai trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, thời gian qua do đất đai của khu vực DNNN có phạm vi lớn dẫn đến việc rà soát, chấp hành chưa quyết liệt nên chậm. Vì vậy, các doanh nghiệp không làm đúng theo quy định của Luật Đất đai và hướng dẫn về sắp xếp nhà đất, không có cơ sở giải trình nhà đất đó sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, phải trả lại cho chính quyền địa phương để đấu giá giao đất cho những thành phần kinh tế khác.

Trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã đề nghị tất cả các cơ quan phải chủ động trên cơ sở rà soát của doanh nghiệp để phê duyệt theo đúng quy định. Cơ quan, UBND tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng đất đai và gửi về cơ quan đại diện sở hữu, thống nhất và ra quyết định đất đai được công bố quy hoạch để tiến hành việc chuyển đổi cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thì xác định cụ thể diện tích được tiếp tục sử dụng.

Bất cập hiện nay là phối hợp giữa cơ quan đại diện sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố chưa được nhuần nhuyễn.

Thực tế, hồ sơ đất đai liên quan nhiều đến các sở, ban, ngành. Nếu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố không quyết liệt, các sở, ban, ngành cũng chậm. Tới đây, trong hướng sửa của Bộ Tài chính sẽ tiến hành phân cấp mạnh hơn, Bộ Tài chính sẽ phân cấp trách nhiệm cho địa phương phối hợp với doanh nghiệp. Theo đó, tiến độ, trách nhiệm của các cơ quan giúp việc cho chính quyền địa phương phải thay đổi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có văn bản hướng dẫn quy trình cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xác định thời gian, khối lượng công việc, nguồn lực cần có để triển khai. Nếu tháo gỡ được vấn đề này, tiến độ về phê duyệt đất đai sẽ được đẩy nhanh.

Như vậy, khâu chuẩn bị cổ phần hóa là rất quan trọng, không phải khi cổ phần hóa doanh nghiệp mới làm. Đây là việc một doanh nghiệp nhà nước bình thường phải làm. Một trong những thông điệp của Luật Quản lý tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP về hướng dẫn đất đai là yêu cầu DNNN phải chủ động sắp xếp. Nếu doanh nghiệp sắp xếp theo đúng quy định của Luật Đất đai, công khai, minh bạch thì khi có quyết định cổ phần hóa, bảo đảm tiến độ sẽ nhanh hơn.

Hiện cơ chế, chính sách đã đủ, cần thêm tổ chức thực hiện và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Làm tốt vấn đề sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Thực tế nhiều doanh nghiệp chủ động triển khai, nhưng trong quá trình thực hiện có nhiều thủ tục, quy trình, nếu chưa thống nhất sẽ gây ra chậm tiến độ. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp cũng như lãnh đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết tâm sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Duy Long

Tạp chí in số tháng 10/2019
Bạn đang đọc bài viết Phê duyệt phương án cổ phần hóa: Doanh nghiệp chờ hướng dẫn, địa phương chưa quy hoạch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan