Quản lý ATVSLĐ tại làng nghề sản xuất bánh cáy Nguyên Xá: Mỗi cơ sở một phương án

21/10/2019, 08:46

TCDN - Nhờ tham gia Dự Án 3 “Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội chủ trì, công tác quản lý ATVSLĐ, điều kiện làm việc tại 20 cơ sở sản xuất bánh cáy xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình đã có những cải thiện đáng kể.

Ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động hướng dẫn cách sử dụng tủ đựng thiết bị bảo hộ lao động

Ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động hướng dẫn cách sử dụng tủ đựng thiết bị bảo hộ lao động

Ông Nguyễn Tiến Vững - Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết, hiện xã có trên 140 hộ sản xuất bánh cáy, trong đó có 20 cơ sở tham gia Dự Án 3 “Tăng cường ATVSLĐ” thuộc chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội chủ trì.

Qua hơn 2 tháng triển khai, nhận thức của các hộ sản xuất về an toàn vệ sinh lao động đã có chuyển biến tích cực. Tham gia Dự án này, bên cạnh được trang bị tủ bảo hộ lao động, các hộ sản xuất được trang bị kiến thức về ATVSLĐ. Ví dụ khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động được xác định rõ ràng. Tách riêng các khu vực sản xuất theo một chiều (khu nấu nha, cán bánh, cắt bánh và đóng gói sản phẩm). Cải thiện lại hệ thống điện đảm bảo đủ cung cấp ánh sáng cho khu vực sản xuất và an toàn phòng cháy chữa cháy.

Theo đại diện Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Thái Bình, tai nạn lao động khu vực phi chính thức tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, tuy nhiên, kiến thức an toàn vệ sinh lao động của cơ sở sản xuất còn hạn chế.

Đối với nghề sản xuất bánh cáy, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu do sử dụng máy móc khi nhào trộn nguyên liệu, chiên, ép bánh. Đặc biệt, khâu rang hoa nẻ - một công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bánh cáy, bụi nẻ ảnh hưởng đến hô hấp, gây nên bệnh phổi. Do vậy, việc nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động đối với khu vực phi chính thức này là vấn đề thực sự cần thiết.

Chị Hằng - Chủ Cơ sở sản xuất Trường Hằng chia sẻ, sau hội thảo định hướng tháng 8/2019,  các cán bộ Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã tiến hành khảo sát và hướng dẫn, tư vấn các vị trí làm việc tại khu vực sản xuất theo hướng hợp lý với quy trình công nghệ, tạo điều kiện giao thông thuận lợi, phù hợp với yêu cầu về công tác ATVSLĐ.

Cơ sở sản xuất Trường Hằng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động

Cơ sở sản xuất Trường Hằng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động

Đánh giá của các chuyên gia tư vấn cho thấy, hệ thống điện sản xuất của cơ sở không an toàn, không có cầu dao điện chống giật, chống quá tải, thiết bị, máy móc chưa có hướng dẫn sử dụng, chưa có sơ đồ bố trí đóng, ngắt riêng biệt . Vì vậy, chúng tôi đã đầu tư trên 15 triệu đồng để sửa hệ thống đường điện, làm lại mái che chống thấm. Nếu tiếp tục được sự hỗ trợ, tư vấn của các đơn vị chức năng về an toàn vệ sinh lao động, cơ sở sẵn sàng xây lát hệ thống sân nền đảm bảo an toàn cho người lao động - Chủ Cơ sở sản xuất Trường Hằng nhấn mạnh.

Anh Trần Văn Đức, Cơ sở sản xuất Thiên Đức cho hay, với diện tích rộng 1.400m2, trong đó nhà xưởng rộng 1.000m2 với 4 chuyền sản xuất các mặt hàng sản phẩm bánh cáy, kẹo lạc, kẹo dồi và kẹo vừng, diện tích nhà kho, khu vực chế biến nông sản 400m2 với đủ các thiết bị máy móc phục vụ quy trình sản xuất. Tuy nhiên, do không có kiến thức về ATVSLĐ nên khu vực nhà xưởng sản xuất thiếu ánh sáng, ồn, nóng, lưu giữ bụi, tiềm ẩn nhiều mối nguy vật lý, hóa học, thể chất, lối giao thông không thuận tiện.

Tại khu làm bánh Cơ sở sản xuất Thiên Đức, các thiết bị, dụng cụ và nguyên vật liệu được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp

Tại khu làm bánh Cơ sở sản xuất Thiên Đức, các thiết bị, dụng cụ và nguyên vật liệu được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp

Trên cơ sở tư vấn, Cơ sở đã sắp xếp lại thiết bị, dụng cụ làm việc, thiết kế bàn ghế làm việc hợp lí. Dọn dẹp, sắp xếp thiết bị, dụng cụ và nguyên vật liệu  gọn gàng, ngăn nắp sau giờ làm việc (áp dụng 5S), tắt cầu dao khi hết giờ làm việc. Nhờ đó, năng suất lao động tăng cao hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Đối với cơ sở sản xuất Bánh kẹo Tuấn Hưng, sau khóa tập huấn của dự án, cơ sở này đã tách các khu vực sản xuất thành 03 khu riêng biệt, bao gồm khu bảo quản nguyên liệu; khu nấu nha, cán bánh và khu cắt bánh, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, cải tạo hệ thống nhà xưởng, tận dụng được ánh sáng mặt trời trong sản xuất.

Cơ sở sản xuất Bánh kẹo Tuấn Hưng cải tạo hệ thống nhà xưởng, tận dụng được ánh sáng mặt trời trong sản xuất

Cơ sở sản xuất Bánh kẹo Tuấn Hưng cải tạo hệ thống nhà xưởng, tận dụng được ánh sáng mặt trời trong sản xuất

Ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, để có sự thay đổi, cải thiện điều kiện làm việc của các cơ sở sản xuất bánh cáy, vấn đề khó khăn nhất là vận động tham gia. Bởi nguyên tắc áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại làng nghề sản xuất bánh cáy thành công cần có sự phối hợp của chủ cơ sở, chính quyền và cán bộ dự án. Nếu sử dùng biện pháp hành chính sẽ khó có hiệu quả. Theo đó, trên cơ sở các cam kết của 20 cơ sở, cán bộ dự án đã khảo sát đo độ ẩm, sánh sáng, các yếu tố vi khí hậu, tiếng ồn và xây dựng phương án tư vấn đối với từng cơ sở, để cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo ATVSLĐ.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Quản lý ATVSLĐ tại làng nghề sản xuất bánh cáy Nguyên Xá: Mỗi cơ sở một phương án tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899