Quản lý rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị

18/12/2019, 15:41

TCDN - Quản lý rủi ro là một quá trình có hệ thống gồm xác định RR, đánh giá mức độ tác động và khả năng xuất hiện RR, phản ứng với RR. Có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp để cho ra kết luận đúng đắn về RR cho dự án đầu tư phát triển đô thị.

Quản lý rủi ro được xem là khâu quan trọng và phức tạp nhất trong chủ đề quản lý dự án. Thay vì đối phó với rủi ro khi xảy ra, các nhà quản lý hướng tới dự báo và phòng tránh được chúng. Tốc độ xây dựng các dự án đầu tư phát triển đô thị ngày càng tăng nhanh chóng với các yêu cầu cao hơn trong quản lý rủi ro cho dự án. Giải pháp quản lý rủi ro vì thế cũng được chú trọng và lên kế hoạch cụ thể. Trong bài viết này tác giả sẽ nêu khái quát các bước trong quản lý rủi ro và đưa ra một số giải pháp quản lý rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị.

3-1

1. Quản lý rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị

Quản lý rủi ro là một quá trình có hệ thống gồm xác định RR, đánh giá mức độ tác động và khả năng xuất hiện RR, phản ứng với RR. Có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp để có thể cho ra kết luận đúng đắn về RR cho dự án đầu tư phát triển đô thị.

1.1. Xác định rủi ro

Bằng cách kết hợp 3 phương pháp nghiên cứu là phương pháp kế thừa qua các nghiên cứu, phương pháp biểu đồ xương cá gắn với 6 nội dung của quản lý thi công công trình, phương pháp khảo sát, tác giả đã ghi nhận được 53 RR cho dự án đầu tư phát triển đô thị như bảng 1.

bang1_bai2

1.2. Đánh giá rủi ro

Có thể thấy tất cả các RR được khảo sát đều có khả năng xuất hiện và gây ra ảnh hưởng tới dự án. Chiếm tỷ lệ 9% (5 RR) nằm trong vùng ít nguy hiểm. Nhiều nhất là các RR có mức độ nguy hiểm trung bình (66%, 35 RR), và 25% (13 RR) các RR có mức độ nguy hiểm cao. Các RR này sẽ được phân vùng theo màu tương ứng là vùng màu xanh, vùng màu vàng và vùng màu đỏ. Để phân tích RR sâu hơn, tác giả đánh giá RR theo quan điểm của 3 nhóm chủ thể trong dự án là: chủ đầu tư/ban quản lý dự án (CĐT/BQLDA), đơn vị tư vấn (ĐVTV), nhà thầu chính/nhà thầu phụ (NTC/NTP). Sử dụng phương pháp xác suất thống kê, trong đó lựa chọn kỹ thuật “ANOVA một chiều” để kiểm định cho giả thuyết “ba nhóm chủ thể CĐT/BQLDA, ĐVTV, NTC/NTP có tương đồng với nhau về quản lý rủi ro”. Kết quả thu được như hình 2 và hình 3.

Bai3_hinh2_3
Bai3_bang2
bai3_bang3

Từ bảng 3 có thể so sánh từng biến có tương quan với các biến còn lại hay không thông qua chỉ số Sig. Chỉ số này có ý nghĩa ở mức 5% và chấp nhận được ở mức 10%. Khi chỉ số này có ý nghĩa ta có thể kết luận rằng các biến không tương quan với nhau, hay nói cách khác là họ có ý kiến khác nhau về các nội dung quản lý rủi ro. Trong nghiên cứu này tác giả so sánh tương quan với mức 10%, tức 0,1%.

(1) Về sự quan tâm tới RR CĐT và ĐVTV có sự thống nhất song nhà thầu lại có sự khác biệt. RR trong dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị là điều không thể tránh khỏi vì vậy NT đã quen với việc RR buộc phải xảy ra. Đó chính là lý do NT không còn quan tâm tới RR. Trong khi đó CĐT và ĐVTV với mong muốn đạt được mục tiêu của dự án thì sự quan tâm tới RR được đẩy lên cao.

(2) Nhìn nhận về RR trong dự án, cả 3 nhóm chủ thể đều có sự thống nhất rằng trong dự án ĐTPTĐT, RR xuất hiện nhiều. Điều này là phản ánh đúng với thực tế vì RR xảy ra nằm ngoài sự quan tâm của các chủ thể trong dự án.

(3) Đối với RR5 “Năng lực quản lý của Chủ đầu tư / Ban quản lý dự án yếu kém” đánh giá CĐT và ĐVTV có sự tương đồng khi xem xét về cả khả năng xuất hiện và mức độ tác động. Họ cho rằng RR5 không thưc sự nguy hiểm. Trong khi đó NT lại thấy RR này có mức nguy hiểm rất cao cho dự án. CĐT và ĐVTV cho rằng CĐT chỉ đưa ra các quyết định mang tính thời điểm, sự tác động khác của CĐT tới dự án chỉ mang tính gián tiếp nên mức ảnh hưởng của RR5 là thấp đối với dự án. Tuy vậy, NT luôn thực hiện công việc dựa trên các quyết định của CĐT. Do đó RR5 là một trong các tác nhân chủ yếu gây ảnh hưởng tới dự án.

(4) Đối với RR19 “Chậm trễ thanh toán theo cam kết” là RR có sự tương đồng của cả ba bên trong dự án. Chi phí được xem là yếu tố cơ bản duy trì hoạt động của dự án. Đây chính là lý do mà RR19 có sự đồng cao về sự đánh giá là nguy hiểm rất cao cho dự án.

(5) Mức độ cần thiết quản lý rủi ro nhận được sự tương đồng giữa các bên trong dự án. Một vấn đề được đặt ra là: NT không quan tâm tới RR nhưng do ảnh hưởng của RR rất lớn nên NT rất mong muốn phải quản lý RR. Mong muốn của NT có sự mâu thuẫn với chính hoạt động quản lý của họ. Đây được xem là một vấn đề cần giải quyết trong dự án hiện nay.

2. Một số giải pháp quản lý rủi ro nguy hiểm cho các dự án đầu tư phát triển đô thị

2.1. Giải pháp về nhân lực của nhà thầu

NT thiếu hụt về nhân lực là một vấn đề nghiêm trọng với dự án đầu tư phát triển đô thị. Để khắc phục được tình trạng này trước hết NT phải có sự chủ động trong vấn đề nhân lực theo hướng phòng tránh. Điều này chỉ được thực hiện nếu giải quyết được các nguyên nhân chính sau:

(1) NT sử dụng không đủ cán bộ kỹ thuật cho dự án do tiết kiệm chi phí hoặc đánh giá không cần thiết: Trong các hồ sơ thầu hiện nay yêu cầu về chỉ huy trưởng công trường, cán bộ kỹ thuật được quy định tương đối đầy đủ với các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, năng lực. Tuy nhiên, tới giai đoạn thực hiện dự án điều này lại ít được coi trọng. CĐT cần phải thực hiện các yêu cầu đối với NT trong vấn đề nhân lực này bằng các biện pháp cụ thể:

- Nâng cao sự tập trung của NT vào vấn đề nhân lực. Điều này có nghĩa là CĐT phải nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề nhân lực trong dự án và ghi rõ trong một điều nào đó trong hợp đồng. Thực tế tài liệu trong quá trình đấu thầu cũng là một phần không tách biệt của hợp đồng. Song việc yêu cầu trong các tài liệu đính kèm và trong chính hợp đồng sẽ thu hút sự chú ý khác nhau của NT. Khi được ghi trong hợp đồng các vấn đề luôn nhận được sự tập trung cao hơn các tài liệu khác.

- Phạt hợp đồng nếu NT không đáp ứng được hoặc gian lận trong việc sắp xếp cán bộ kỹ thuật thực hiện dự án. Mức phạt hợp đồng do CĐT và NT thực hiện khi thương thảo hợp đồng và trao đổi trong quá trình phỏng vấn thầu.

(2) Mùa vụ nên nhân công nghỉ việc. Hiện có hai hình thức nhân công xây dựng là:

- Nhân công thường xuyên: Người được hưởng các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm theo quy định của các đơn vị thi công xây dựng. Đối tượng nhân lực này các công ty xây dựng tuyển dụng với số lượng hạn chế để giảm chi phí thường xuyên của công ty. Nhân công thường xuyên thường tập trung vào các nhân công có tay nghề trong lĩnh vực chuyên môn như kết cấu thép, thi công nội thất,… Với các đơn vị thi công xây dựng nguồn việc ít hoặc trung bình thì đối tượng lao động này gần như không được sử dụng.

- Nhân công thời vụ: Người chỉ nhận lương theo công sức thỏa thuận và chỉ làm việc khi có các công việc xây dựng. Đối tượng lao động này được sử dụng nhiều nhưng hầu hết xuất phát từ nông dân, người các dân tộc vùng sâu vùng xa. Vì vậy đối tượng này lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thời vụ nông nghiệp.Biện pháp về nhân công gồm:

+ Trong các dự án đầu tư phát triển đô thị yêu cầu cao về tiến độ thì việc đầu tư tìm hiểu thời điểm mùa vụ để có sự chuẩn bị nhân lực hợp lý là điều buộc phải thực hiện.

+ Quy định thưởng, phạt và có chế độ phù hợp với đối tượng lao động mùa vụ. Điều này sẽ kích thích sự lao động của họ và giảm thời gian nghỉ mùa vụ. Tổ chức môi trường làm việc thân thiện để người lao động có tư tưởng thoải mái cũng là điều cần thiết như tổ chức các buổi giao lưu, liên hoan văn nghệ.

2.2. Giải pháp về quá trình thi công

Nhà thầu thi công cẩu thả, nhầm lẫn, bỏ qua công đoạn,... sẽ rất tới những hậu quả nặng nề cho dự án đầu tư phát triển đô thị. Ảnh hưởng trực tiếp của RR này là về chất lượng và an toàn lao động. Kéo theo đó là sự chậm trễ khi NT phải đi sửa chữa lại các vấn đề chất lượng, sự tổn thất chi phí nhân công, vật tư làm lại. Giải pháp cho quá trình thi công này chính là sự giám sát chặt chẽ của CĐT/BQLDA, của đơn vị TVGS. Bên cạnh đó cần có các quy định thực hiện công việc nghiêm ngặt của chính NT trong quá trình thực hiện công việc.

- Việc giám sát quy trình thi công của CĐT/BQLDA phải được thực hiện theo ngày. CĐT/BQLDA, TVGS cần có một chế độ cảnh báo thường chuyên trong suốt quá trình thi công. Các cảnh báo này gồm cảnh báo công việc cần thực hiện theo tiến độ và cảnh báo lỗi. Các hậu quả do lỗi cũng cần được liệt kê và đánh giá về cấp độ nguy hiểm, ảnh hưởng tới vấn đề thanh toán theo yêu cầu của CĐT/BQLDA.

- NT cần phải xây dựng quy định thi công an toàn và phát huy trách nhiệm công việc với cán bộ, công nhân trên công trường.

bai3_bang4

2.3. Giải pháp về tiến độ

NT phải có cán bộ chuyên trách về tiến độ. Cán bộ chuyên trách phải thực hiện 2 nhiệm vụ:

- Giám sát tiến độ dự án: Tiến độ tổng của dự án sau khi thống nhất giữa CĐT/BQLDA và NT phải được chi tiết theo tiến độ tháng, tiến độ tuần và tiến độ ngày. Cán bộ chuyên trách phải kiểm tra tiến độ hằng ngày, cập nhật vào bảng tiến độ. Các cảnh báo về tiến độ được thực hiện hàng ngày với cán bộ quản lý. Mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu công việc cán bộ chuyên trách về tiến độ cần có các tổng hợp công việc hôm trước và thông báo các công việc sẽ thực hiện của ngày. Điều này sẽ giúp cán bộ quản lý có sự tập trung chú ý khi tiến độ dự án đang bị chậm và có bảng giao việc hợp lý trên công trường.

Bên cạnh đó CĐT/BQLDA, TVGS cần phải thực hiện giám sát công việc một cách chặt chẽ. Sự giám sát chặt chẽ sẽ là động thái nhắc nhở NT trong thực hiện công việc. Cần đưa ra các quy định cụ thể trong nội bộ CĐT/BQLDA, TVGS về giám sát công việc. Thông thường việc gắn các quy định cụ thể với các quy định thưởng phạt sẽ mang lại hiệu quả và sự tập trung cao độ hơn. Việc đưa ra mức thưởng phạt này tùy thuộc vào từng CĐT/BQLDA với mong muốn về tiến độ của họ.

- Điều chỉnh kế hoạch cung cấp vật tư, vật liệu, nhân lực, máy móc, thiết bị hợp lý cho dự án: Kế hoạch cung cấp phải dựa trên tiến độ thi công của dự án. Trong hầu hết các đơn vị thi công có bộ phận đặt hàng. Bộ phận đặt hàng thường không trực tiếp tham gia thi công nên sẽ bỏ lỡ một số thông tin hiện trường. Nếu việc truyền tin từ hiện trường và bộ phận đặt hàng không tốt sẽ dẫn tới việc cung cấp vật tư, vật liệu, máy móc và thiết bị về công trường không phù hợp. Để giải quyết vấn đề này cần lưu ý:

+ Tạo kênh thông tin thông suốt dữa bộ phận cán bộ hiện trường và bộ phận đặt hàng và nhà cung cấp. Sử dụng tốt các phần mền ứng dụng điện thoại và máy tính hiện nay để tăng cường sự thông tin và giảm chi phí như Facebook, Zalo, Viber, Skype,…. Kênh thông tin này nên được sử dụng bởi 1 cán bộ chuyên trách cho từng dự án tránh trường hợp nhiều người cùng thực hiện sẽ dẫn tới nhầm lẫn, ỷ lại nhau. Trước đó cần thống nhất cách thông tin trong từng công đoạn để các thông tin luôn được cập nhật thường xuyên.

+ Tham gia giám sát hiện trường: Để hiểu rõ thông tin dự án, cán bộ đặt hàng cần phải tham gia giám sát hiện trường dự án. Điều này sẽ giúp cán bộ đặt hàng hiểu về dự án, có những điều chỉnh đặt hàng phù hợp. Với các vật tư vật liệu nhập khẩu, hoặc phải thi công ngay khi đưa về công trường để đảm bảo chất lượng thì phải có khoảng thời gian chuẩn bị công trường trước và xác định thời gian cung cấp chuẩn xác.

2.4. Giải pháp về an toàn lao động

An toàn lao động là một yêu cầu được ưu tiên trong quá trình thi công các dự án đầu tư phát triển đô thị. Giải pháp về an toàn lao động cần được tác động tới hai đối tượng gồm người quản lý và người lao động. NCS để xuất sử dụng quy định thưởng phạt để áp dụng trong vấn đề an toàn lao động để tăng sự quan tâm của cả cán bộ quản lý và người lao động.

(1) Quỹ an toàn lao động: Qũy an toàn lao động được CĐT/BQLDA ấn định cho NT có ghi rõ trong hợp đồng khi bắt đầu khởi công công trình. Quỹ an toàn lao động đạt được dựa trên sự thương thảo của CĐT/BQLDA và NT. Để xác định một con số hợp lý là việc tương đối khó khăn khi CĐT/BQLDA luôn mong muốn các yêu cầu cao về an toàn lao động trong khi NT lại muốn tiết giảm chi phí. NCS đề xuất lấy chi phí cho quỹ an toàn lao động này bằng chi phí bảo hiểm công trình. Theo thông tư 329/2016/TT-BXD chi phí này được tính như dưới đây:

bai3_ct

Việc vận hành quỹ an toàn lao động được thực hiện như sau:

- Bước 1: TVGS, CĐT/BQLDA ghi lại bằng hình ảnh lỗi mất an toàn lao động của NT.

- Bước 2: TVGS, CĐT/BQLDA gửi thông báo và hình ảnh lỗi của NT tới NT, kèm theo mức phạt của lỗi mất an toàn lao động.

- Bước 3: CĐT/BQLDA tự động trừ tiền lỗi vi phạm bằng cách trừ từ quỹ ATLĐ mà NT đã xác lập. Khi công trình được bàn giao đưa vào sử dụng, CĐT/BQLDA sẽ trả lại số tiền còn thừa từ quỹ ATLĐ sau khi đã trừ đi số tiền các lỗi vi phạm của NT. Nếu số tiền này lớn hơn quỹ ATLĐ, cho thấy NT đã không thực hiện tốt nhiệm vụ trong quá trình thi công xây ựng. CĐT/BQLDA sẽ có động thái mạnh mẽ trong lần thanh toán cuối cùng bằng các biện pháp khác nhau như tiếp tục trừ tiền các lỗi vi phạm vào số tiền của lần thanh toán cuối cùng; kéo dài thời gian thanh lý hợp đồng cho tới khi khắc phục được toàn bộ hậu quả của các lỗi về ATLĐ;…

(2) Bảng quy định ATLĐ: Để thuận lợi cho việc áp dụng quỹ ATLĐ, CĐT/BQLDA và NT cần ban hành bảng quy định về ATLĐ cùng mức chi phí phạt. Bảng này càng được xây dựng chi tiết sẽ càng dễ dàng tham chiếu khi sử dụng.

(3) Tập huấn ATLĐ: Thực tế việc tập huấn ATLĐ được diễn ra ở hầu hết các công trường xây dựng hiện nay như một quy định bắt buộc. Song việc tập huấn thường không mang lại hiệu quả nhất là với người lao động không thường xuyên trong dự án. Đối tượng lao động này phần lớn có trình độ thấp, chủ quan trong vấn đề ATLĐ. Vì vậy cần tập huấn và phổ biến cho họ các thông tin rõ ràng về ATLĐ và các mức xử phạt hợp lý của NT. Điều này sẽ giúp người lao động có tâm lý sợ mất tiền công lao động sẽ thực hiện tốt các quy định ATLĐ hơn.

3. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 53 rủi ro chính yếu với dự án đầu tư phát triển đô thị. Trong đó, có 13 rủi ro được đánh giá là rất nguy hiểm, 35 rủi ro nguy hiểm trung bình và 5 rủi ro nguy hiểm thấp. Khi xem xét với 3 chủ thể trong dự án gồm CĐT/BQLDA; ĐVTV, NTC/NTP, quan điểm quản lý rủi ro cũng tương đối khác nhau. Trên cơ sở đó tác giả đã đưa ra một số giải pháp quản lý rủi ro cụ thể cho công tác quản lý rủi ro dự án đầu tư phát triển đô thị. Thực tế rủi ro nào trong dự án đầu tư phát triển đô thị cũng cần có các biện pháp để quản lý chúng một cách chủ động. Vì vậy cần có những quan điểm và hiểu biết đúng đắn về rủi ro của tất cả các bên tham gia dự án.

Tài liệu tham khảo:

1. Chapman. C. B and Ward, Stephen (1997), Project Risk Management: Processes, Techniques, and Insights, John Wiley & Sons, Ltd. (UK).

2. Cretu. O, Stewart. R and Berends. T (2011), Risk management for Design and Construction, John Wiley - Sons Inc, Canada.

3. Đinh Tuấn Hải và Phạm Xuân Anh (2013). Quản lý dự án trong giai đoạn xây dựng. Nhà xuất bản Xây Ddng, Việt Nam. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Châu (2016), Quản lý rủi ro kỹ thuật trong xây dựng công trình giao thông đường bộ tại Việt Nam, Luấn án tiến sĩ, Đại học Giao thông vận tải.

5. Phạm Thị Trang (2010), Nghiên cứu giải pháp quản trị rủi ro trong dự án thi công xây dựng, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 1(36), 2010.

PGS.TS. Đinh Tuấn Hải

NCS. Nguyễn Thị Thúy

Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội

Tạp chí in số tháng 12/2019
Bạn đang đọc bài viết Quản lý rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan