Quốc hội cho ý kiến về thực hiện NSNNN năm 2020

12/11/2019, 16:05

TCDN - Chiều 12/11, Quốc hội nghe tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2019 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2020.

chủ nhiệm ủy ban tài chính - ngân sách nguyễn đức hải - toàn cảnh phiên họp  (1) copy12.11

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trong phần báo cáo giải trình cho biết:

Về thu NSNN, năm 2019 ước vượt 3,3% so với dự toán, trong đó, thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối hoạt động xuất, nhập khẩu đều vượt dự toán. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đang ngày càng tăng, thu dầu thô và thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Điều này phản ánh cơ cấu thu NSNN đang có chuyển dịch tích cực, phù hợp theo Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, trong các năm tới cần tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo Nghị quyết số 07/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, bảo đảm tính bền vững, ổn định lâu dài của thu NSNN. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện nội dung này tại khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ: “Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu”.

Về thu từ 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh) không đạt dự toán có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan do việc giao dự toán cho một số địa phương còn khá cao, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế, đồng thời giao dự toán còn thấp, chưa sát với thực tế đối với một số địa phương có nguồn thu thấp. Bên cạnh đó, việc hụt thu ở 3 khu vực trên một phần cũng do năng lực sản xuất một số ngành đã đi vào ổn định, khó tăng trưởng cao, cùng với đó là việc khó dự báo sát được tình hình sản xuất kinh doanh do thị trường có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, tỷ trọng thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế trong tổng thu NSNN vẫn có xu hướng tăng: năm 2017 chiếm khoảng 39% tổng thu NSNN, năm 2020 tỷ lệ này đã tăng lên gần 45%. Do đó, việc tăng trưởng từ 3 khu vực kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định tính bền vững của thu nội địa. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát để việc giao dự toán thu NSNN cho các năm sát với thực tế đối với 3 khu vực này và các địa phương.

Về tình trạng thất thu thuế, trốn thuế, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong các năm qua, Chính phủ đã tích cực thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế, trốn thuế, chuyển giá… Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, song, tình trạng gian lận trong kê khai, chuyển giá, trốn thuế vẫn còn tiếp diễn; nợ thuế còn ở mức cao.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đang xem xét Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN, sẽ góp phần làm giảm số nợ thuế. Song, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác quản lý rủi ro gắn với việc chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng cần tiếp tục được đẩy mạnh, có hiệu quả cao hơn, đặc biệt đối với những khoản nợ có khả năng thu, góp phần tăng thu NSNN.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, tại khoản 2 Điều 3 trong dự thảo Nghị quyết đã quy định về nội dung giao Chính phủ: “tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử;”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra thuế và tăng cường hậu kiểm thực hiện theo Luật Quản lý thuế.

Về dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương, hàng năm Quốc hội quyết định dự toán NSNN luôn ưu tiên, bố trí đủ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trên cơ sở định hướng đó, dự toán NSNN năm 2020, Chính phủ đã xây dựng phương án bố trí ngân sách bảo đảm theo hướng ưu tiên như trên.

Cụ thể, theo dự toán, chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã đạt khoảng 16% tổng chi NSNN, song tổng chi giáo dục - đào tạo, gồm chi thường xuyên, chi đầu tư và chi giáo dục - đào tạo trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng hằng năm cơ bản đã đạt khoảng 20% tổng chi NSNN, đúng theo Nghị quyết của Trung ương. Đối với từng địa phương, dự toán chi về giáo dục - đào tạo được giao trên cơ sở quy mô về giáo dục - đào tạo và thực tiễn địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi giáo dục - đào tạo ở địa phương phải bảo đảm mức Quốc hội quyết định và Thủ tướng Chính phủ giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, để bảo đảm tính thống nhất về mặt số liệu giữa phần lời và phụ lục theo đúng quy định của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên như Dự thảo và thể hiện tất cả các số liệu theo đơn vị tính là triệu đồng. Đồng thời, đối với những ý kiến góp ý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu hợp lý và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2020 trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Hoàng Hà t/h
Bạn đang đọc bài viết Quốc hội cho ý kiến về thực hiện NSNNN năm 2020 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thu từ DNNN luôn đạt trên 10% tổng thu NSNN
Trong tổng thu NSNN, thu từ DNNN năm 2011 đạt 17.5% (không tính lợi nhuận, cổ tức nộp NSNN và thu từ dầu thô), năm 2012 là 19.4%, năm 2013 là 22.8%, năm 2014 là 21.4%, năm 2015 là 15.7%, năm 2016 là 13.5%, năm 2017 là 11.4% năm 2018 ước tính đạt 10,7%.