Quốc hội thống nhất mục tiêu tăng trưởng 2020 khoảng 6,8%
TCDN - Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% trong khi mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%.
Sáng 11/11, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 426 phiếu tán thành, 2 phiếu không tán thành và 2 đại biểu không biểu quyết. Với kết quả này, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã chính thức được thông qua.
Trước khi bỏ phiếu thông qua, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu về điều 2 của Nghị quyết do còn tồn tại những quan điểm khác nhau xung quanh các nội dung. Điều 2 gồm 12 mục nhỏ, trong đó quy định các chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Với 422/427 đại biểu Quốc hội tán thành, Điều 2 cũng đã được Quốc hội thông qua. Trong phần bỏ phiếu này, có 3 đại biểu không tán thành và 2 đại biểu không tham gia biểu quyết. Với kết quả này, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% trong khi mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%.
Bên cạnh đó, các mục tiêu khác của năm 2020 bao gồm: Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90% và Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899