Huy động từ thuế, phí chưa đạt 21% GDP

01/11/2019, 10:21

TCDN - Năm 2019-2020, tỷ lệ huy động thu vào NSNN từ thuế, phí chưa đạt mục tiêu 21% GDP, mặc dù bình quân cả giai đoạn cơ bản đạt mục tiêu là 21% GDP.

Tại hội trường chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày và giải đáp một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019.

201910211424053214_b trng b ti chnh inh tin dng

Thu thuế, phí có xu hướng giảm dần

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thu NSNN 4 năm qua đều vượt dự toán, trong đó năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp vượt thu của ngân sách trung ương. Các chỉ tiêu tổng thu, tỷ lệ huy động vào NSNN và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm.

Theo đó, tổng thu 5 năm 2016 - 2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4% GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt gần 84% trong tổng thu NSNN.

Trả lời ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tỷ lệ thu thuế, phí năm 2019-2020 chưa đạt mục tiêu là 21% GDP, mặc dù bình quân cả giai đoạn cơ bản đạt mục tiêu là 21% GDP.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ yếu là do đóng góp thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua giảm rất nhanh. Bình quân của giai đoạn 2006-2010, hai khoản thu này đóng góp là 10,5% GDP đến giai đoạn 2011-2015 còn 7,3% GDP, giai đoạn 2016-2020 giảm còn 4,5% GDP, dự kiến năm 2019 là 4,2% GDP và năm 2020 còn 3,6% GDP.

Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn, như trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách thu để thu tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng để nhằm bù đắp giảm thu từ xuất nhập khẩu dầu thô.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã đi vào ổn định khó đạt mức tăng trưởng cao như dự toán năm 2020 từ than (Quảng Ninh) tăng 8,2%, thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất giảm 19%. Cùng với đó thu nội địa của một số địa phương trọng điểm có điều tiết về ngân sách trung ương.

Tổng số thu chiếm 2/3 tổng thu nội địa của cả nước, tăng rất chậm như Hà Nội thu của nội địa của năm 2017 tăng 17,6% nhưng đến năm 2020 tăng 6,5%; Tp Hồ Chí Minh năm 2017 thu nội địa tăng 15,7% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 12,3%; Bình Dương năm 2017 là 17,3 %, năm 2020 còn tăng 9,9%. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cân đối thu ngân sách trung ương gặp khó khăn 5 năm 2020 ước đạt khoảng 55-56 % tổng thu, thấp hơn mục tiêu đề ra.

“Để cải thiện vấn đề này, trong thời gian qua, chúng tôi đã và đang nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chính sách thu, vừa đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, đồng thời huy động hợp lý cho ngân sách nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bên cạnh đó cũng phải tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm ở mức cao nhất. Đồng thời cũng đang nghiên cứu để xây dựng hoàn chỉnh các chính sách thu, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Thu NSNN 4 năm đều vượt dự toán

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thu ngân sách nhà nước chưa thật sự bền vững, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán trong khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Đúng là thu ngân sách nhà nước 4 năm qua luôn vượt dự toán thu của 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán mấy năm qua do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh”.

“Dự toán năm 2020 thu dầu thô chiếm 2,3% tổng thu ngân sách nhà nước, thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,8%, thu tiền sử dụng đất chiếm 6%, nên dự toán thu hàng năm chúng ta tập trung vào 3 khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách nhà nước. Dự toán năm 2020, ba khu vực kinh tế chiếm 45% cũng là tập trung vào các địa phương trọng điểm về kinh tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Về vấn đề này, năm 2018, Bộ Tài chính đã báo cáo với Quốc hội và đã được điều chỉnh sát hơn với thực tiễn số địa phương. Cụ thể, nếu như năm 2017 là 34 địa phương thì đến 2018 còn 22 địa phương và dự kiến năm nay 2019 còn 15 địa phương.

Tuy nhiên dự báo nguồn thu của địa phương có nhiều khó khăn. Ví như khi xây dựng dự toán đánh giá trong năm tới, năng lực sản xuất của địa phương sẽ tăng lên do 1 hoặc 2, 3 dự án mới đi vào hoạt động nhưng thực tế chậm tiến độ, dẫn đến giảm thu trong năm. Hay một số địa phương có thủy điện vừa và nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chúng tôi cho rằng, thu ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng và cốt lõi dự toán thu nội địa năm 2020 với mức 83,6% tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó riêng thu từ ba khu vực kinh tế đạt gần 45% tổng thu ngân sách nhà nước, trong khi năm 2017 mới đạt 39%. Tỷ lệ này đang tăng lên rất nhanh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Huy động từ thuế, phí chưa đạt 21% GDP tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hà Nội:  701 đơn vị nợ 536 tỷ đồng tiền thuế, phí
Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công khai danh sách 701 đơn vị nợ 536 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Danh sách bao gồm 605 đơn vị bị công khai lần đầu với số nợ 426 tỷ đồng và 96 đơn vị bị công khai lại với 110 tỷ đồng.
Hà Nội bêu tên 228 đơn vị nợ thuế, phí
Cục Thuế Hà Nội vừa công khai lại 40 đơn vị nợ 84 tỷ đồng thuế, phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Trong đó có tới 39 doanh nghiệp nợ 82,7 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp.