Đánh giá lại quy mô GDP: Nợ công sẽ giảm hơn 10%

31/10/2019, 14:59

TCDN - Các chỉ tiêu tài chính công sẽ giảm đáng kể từ việc đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế. Trong đó, nợ công/GDP giảm từ 56,1% xuống còn 44,7%; nợ Chính phủ/GDP giảm từ 49,2% xuống còn 39,2%; nợ nước ngoài/GDP giảm từ 45,8% xuống còn 36,5%.

20191031_084123

Tại Tọa đàm đối thoại chính sách “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ góc nhìn đa chiều” ngày 31/10, PGS.TS Phạm Thế Anh – Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc đánh giá lại GDP sẽ khiến các chỉ tiêu tài chính công gắn với GDP giảm đáng kể, cách xa mức trần. Cụ thể, nợ công/GDP giảm từ 56,1% xuống còn 44,7%; nợ Chính phủ/GDP giảm từ 49,2% xuống còn 39,2%; nợ nước ngoài/GDP giảm từ 45,8% xuống còn 36,5%; thâm hụt ngân sách/GDP giảm từ 3,6% xuống còn 2,9%.

Bên cạnh đó, việc đánh giá lại GDP có tác động làm tăng thu nhập bình quân đầu người trên “sổ sách”. Khi đó, Việt Nam sẽ vượt Lào và tiệm cận Ukraine và Philippines trên bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB).

Thực tế, cùng với Trung Quốc, Ấn độ bị thế giới hoài nghi về con số GDP. Theo đó, Viện Nghiên cứu Brookings cho rằng GDP của Trung Quốc cao hơn 12% so với con số báo cáo. Một nghiên cứu khác của Đại học Harvard chỉ ra GDP của Ấn Độ chỉ tăng 4,5% thay vì 7% như báo cáo.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại GDP thường xuyên và định kỳ. Chu kỳ đánh giá lại phụ thuộc vào mức độ biến động của nền kinh tế và tính đầy đủ của nguồn thông tin. Từ năm 2010 đến nay, các quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, In-đô-nê-xi-a... đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan.

Tại Việt Nam, dù nguồn thông tin thống kê những năm qua ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tốt hơn của người dù ng. Tuy nhiên, nguồn thông tin đầu vào để phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP vẫn hạn chế. Hiện kinh tế Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất ngày càng phát triển, tạo ra ngày càng nhiều mặt hàng với mẫu mã, chủng loại phong phú và đa dạng hơn và thay đổi thường xuyên. Vì vậy việc theo dõi thu thập và cập nhật thông tin gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng số liệu thống kê.  

Điều tra mẫu hàng năm, nguồn thông tin chủ yếu quan trọng để phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP phản ánh được xu hướng phát triển của từng ngành, lĩnh vực nhưng chưa phản ánh đầy đủ toàn diện quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP toàn bộ nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, theo thông lệ quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc Tổng điều tra và hồ sơ hành chính, các cơ quan Thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP. Năm 2018, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành 02 cuộc Tổng điều tra lớn, đó là Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và Tổng điều tra Nông thôn năm 2016. Đây là nguồn thông tin quan trọng, toàn diện phản ánh đầy đủ nhất kết quả hoạt động của các ngành kinh tế, là cơ sở căn bản để tiến hành đánh giá lại quy mô GDP.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Đánh giá lại quy mô GDP: Nợ công sẽ giảm hơn 10% tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận