Bộ trưởng GTVT: Giao ACV làm sân bay Long Thành nhà nước được lợi nhiều mặt
TCDN - Lựa chọn ACV đầu tư, khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế, theo Bộ trưởng GTVT.
Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Dù đang được đẩy nhanh các bước để triển khai và đặt mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào năm 2025, tuy nhiên dự án vẫn khiến nhiều Đại biểu lo ngại về vấn đề nợ công và việc giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.
Dự án sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ tháo gỡ tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay và trở thành “điểm nút thúc khu vực”, góp phần thúc đẩy nền kinh tế các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…
Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh, nhu cầu hoàn thành giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025 là hết sức cần thiết do sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Theo ông Thể, nếu Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ, dự kiến quý I năm 2020, Thủ tướng phê duyệt dự án, nhà đầu tư sẽ dành một năm để làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, kết hợp với được bàn giao mặt bằng thì dự án sân bay Long Thành sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Với sự chuẩn bị này, dự kiến đúng tiến độ đến 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1.
Giải trình về vấn đề lo ngại trong khâu giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đầu năm 2019 Thủ tướng phê duyệt dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho dự án. Dự án này phê duyệt tới 5.000 ha trong khi giai đoạn 1 cần 1.810 ha.
Cụ thể trong 1.810 ha đất cho giai đoạn 1 thì có 1.200 ha là đất cao su của Tổng công ty cao su, không có dân cư trong đó nên việc giải ngân sẽ giúp nhanh chóng có ngay phần diện tích này.
Ngoài ra, hiện nay Đồng Nai cũng đang tiến hành kiểm đếm. Kế hoạch của Đồng Nai từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân được khoảng 2.000 tỷ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng. Phần còn lại của người dân thì theo cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai, khoảng tháng 10/2020 sẽ bàn giao cho nhà đầu tư.
Kế hoạch khởi công dự kiến diễn ra đầu 2021, vì thế theo Bộ trưởng Thể, vẫn còn có một khoảng thời gian dự phòng khoảng 6 tháng để đơn vị đầu tư tiến hành thiết kế, chọn nhà thầu, khẩn trương thực hiện. Và đến khoảng tháng 3/2021 sẽ đủ điều kiện khởi công.
Cũng tại báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, việc Chính phủ đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư hầu hết các hạng mục chính yếu tại dự án sân bay Long Thành là nhằm đảm bảo vai trò, lợi ích Nhà nước; yêu cầu về quốc phòng – an ninh và năng lực, kinh nghiệm, khả năng huy động vốn của chính đơn vị này.
Về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ đề xuất giao ACV đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước, các công trình thiết yếu của cảng hàng không, các công trình dịch vụ phụ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo vai trò, lợi ích của Nhà nước cũng như sự kiểm soát của Nhà nước đối với tài sản chiến lược của quốc gia như sân bay Long Thành.
"Lựa chọn ACV đầu tư, khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đảm bảo an ninh, an toàn tại cảng hàng không cửa ngõ quốc gia”, ông Thể nói.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Thể, việc này còn giúp đảm bảo phối hợp tốt hoạt động dân dụng và quân sự tại cảng hàng không quốc tế Long Thành – nơi có vị trí chiến lược, là cơ sở trọng yếu của đất nước trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, là căn cứ dự bị chiến lược của lực lượng phòng không - không quân trong công tác bảo vệ vùng trời, biển đảo phía Nam của Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, phương án này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và không huy động khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ.
Theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hằng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390 – 4.780 tỷ đồng (tương đương 100 - 200 triệu USD) để nộp ngân sách Nhà nước hoặc tích lũy đầu tư phát triển các cảng hàng không như: Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899