Quy hoạch điện VIII: Phấn đấu đến năm 2030 có 50% nhà dân dùng điện mặt trời mái nhà

19/05/2023, 20:54
báo nói -

TCDN - Theo Quy hoạch điện VIII, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Chiều 19/5, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII có mục tiêu tổng quát là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới. 

Đồng thời, Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể như sau: 

Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:

- Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. Trong đó, Điện thương phẩm: Năm 2025 khoảng 335,0 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.114,1 - 1.254,6 tỷ kWh; Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2025 khoảng 378,3 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 567,0 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.224,3 - 1.378,7 tỷ kWh; Công suất cực đại: Năm 2025 khoảng 59.318 MW; năm 2030 khoảng 90.512 MW; đến năm 2050 khoảng 185.187 - 208.555 MW.

- Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

- Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Về chuyển đổi năng lượng công bằng:

- Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

- Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

- Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo: Dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

- Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW. 

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch điện VIII có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ cho ngành năng lượng mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế.

Mặc dù được triển khai từ khá sớm, nhưng quá trình lập quy hoạch cũng gặp rất nhiều khó khăn do tình hình xu hướng phát triển năng lượng thế giới thay đổi nhanh chóng cũng như các cam kết mới của Việt Nam với quốc tế về chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hóa.

Đồng thời, cũng có không ít ý kiến tranh luận trái chiều về phương án tiếp cận của Việt Nam với đòi hỏi từ quốc tế. 

Để triển khai thành công Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung làm tốt công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình thực hiện.

Trong đó, cần có xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành, phân công công việc cho từng tổ chức, cá nhân để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cũng như huy động nguồn lực cho phát triển ngành điện, bảo đảm các phương án quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Cục cũng cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm đồng bộ và khả thi.

Chủ động, tích cực phối hợp, hướng dẫn các địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật đầy đủ các chủ trương, định hướng đề ra trong Quy hoạch điện VIII để tích hợp vào quy hoạch tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các cấp quy hoạch theo quy định; đồng thời, chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương, tạo cơ sở, tiền đề cho việc triển khai các dự án phát triển điện lực trên địa bàn trong tương lai.

Bộ trưởng cũng đề nghị các Tập đoàn năng lượng như EVN, PVN và TKV theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điện VIII, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển điện lực quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Trước đó, thông tin tại buổi họp báo ngày 18/5, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, danh mục các dự án quan trọng được ưu tiên phát triển của ngành điện đã có trong Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam sẽ tập trung phát triển các dự án điện sử dụng nhiên liệu khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu và các dự án thủy điện vừa và lớn cũng như các dự án lưới điện từ 220kV trở lên…

Trên cơ sở các danh mục dự án như trên, có cơ sở pháp lý quy hoạch để triển khai thực hiện để làm cơ sở triển khai các dự án không phải là dự án ưu tiên, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, trong đó ngoài các nội dung được quy định theo Luật Quy hoạch về xác định nguồn lực để thực hiện quy hoạch thì sẽ có việc tính toán và xác định các dự án cụ thể mà không phải dự án quan trọng, ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao như: hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển điện lực, trong đó có các việc sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi, xây dựng mới luật năng lượng tái tạo cũng như cơ chế mua bán điện trực tiếp để tạo đầy đủ cơ sở pháp lý về chính sách, quy hoạch, kế hoạch khi triển khai.

Minh Anh
Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch điện VIII: Phấn đấu đến năm 2030 có 50% nhà dân dùng điện mặt trời mái nhà tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Công Thương trình lại Quy hoạch điện VIII
Ngày 14/11, Bộ Công Thương tiếp tục có tờ trình 7194/TTr-BCT về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII. Tính riêng trong năm 2022, đây là lần thứ 6 Bộ Công Thương có tờ trình về Quy hoạch điện VIII.