Sàn thương mại điện tử Shopee có thêm tiền để vươn ra thế giới

10/09/2021, 13:15

TCDN - Mở rộng hoạt động thêm ra nhiều thị trường như Mỹ Latinh, Ấn Độ hay Ba Lan là chiến lược mới nhất của Sea, công ty chi phối sàn thương mại điện tử Shopee.

Straits Times đưa tin Sea, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á và đặt trụ sở ở Singapore, thông báo họ sẽ huy động thêm khoảng 6,2 tỷ USD bằng việc phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu nhằm thúc đẩy tham vọng mở rộng hoạt động ra bên ngoài Đông Nam Á.

Đang hoạt động trong các mảng trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính số, Sea đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York với giá trị vốn hoá trên 180 tỷ USD.

Kế hoạch của Sea là phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu với giá trị 3,7 tỷ USD (dựa trên giá chốt phiên hôm 8/9) cùng 2,5 tỷ USD giá trị trái phiếu. Con số còn có thể cao hơn khi Sea phát hành thêm 1,65 triệu cổ phiếu cùng 2,5 tỷ USD giá trị trái phiếu, theo Nikkei.

SEA

Ban lãnh đạo Sea tiết lộ họ sẽ sử dụng nguồn vốn mới "cho mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh và cho các mục đích chung khác của công ty, bao gồm đầu tư và thâu tóm chiến lược". Sea từ chối chia sẻ thêm các chi tiết của kế hoạch.

Lần gọi vốn "khủng" diễn ra trong bối cảnh Sea đang mở rộng mạnh mẽ ra bên ngoài Đông Nam Á, bao gồm Mỹ Latinh. Năm nay, Sea đã triển khai dịch vụ thương mại điện tử Shopee tại Mexico, Chile và Colombia, sau khi đã tạo dấu ấn ở thị trường Brazil.

Không chia sẻ về tình hình tài chính của theo khu vực, nhưng Sea đang cố gắng sao chép mô hình kinh doanh thành công ở Đông Nam Á cho các thị trường mới nổi khác. Gần đây, một số báo cáo nói rằng Sea còn có thể sẽ sớm hoạt động tại Ấn Độ và Ba Lan.

Tương tự nhiều công ty công nghệ khác, Sea đang đầu tư mạnh cho hoạt động chiếm lĩnh thị phần, ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận.

Kết quả là công ty vẫn đang lỗ nặng. Sea lỗ ròng 433 triệu USD trong quý II/2021. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn đang rất quan tâm đến tiềm năng tăng trưởng của nó, đặc biệt là giữa lúc thanh khoản trên thị trường đại chúng cực kỳ tích cực. Trong năm nay, giá cổ phiếu của Sea đã tăng 75%.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Sea cũng kêu gọi thành công gần 3 tỷ USD bằng cách phát hành cổ phiếu mới.

Cạnh tranh ở mảng công nghệ tiêu dùng ở Đông Nam Á cũng đang có nhiều thay đổi. Hiện tại, Sea đang là công ty công nghệ lớn duy nhất của Đông Nam Á niêm yết trên sàn Mỹ. Dù vậy, Grab cũng dự định sẽ niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm nay.

Ở Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á, "ông lớn" công nghệ Gojek và sàn thương mại điện tử Tokopedia cũng đã sáp nhập để tạo ra GoTo Group với mục tiêu niêm yết kép tại cả Mỹ và Indonesia. Một công ty thương mại điện tử khác của Indonesia là Bukalapak cũng có màn "chào sàn" chứng khoán địa phương rất thành công.

Sea cũng đang mở rộng dịch vụ tài chính tại Đông Nam Á, bao gồm dịch vụ thanh toán ShopeePay. Điều này đồng nghĩa với việc Sea sẽ phải đầu tư cho các chi phí thu hút khách hàng như ưu đãi hoàn tiền và các chiến dịch marketing khác.

Sea Group có ba cột trụ chính trong hoạt động kinh doanh gồm: giải trí kỹ thuật số (Garena), thương mại điện tử (Shopee), dịch vụ tài chính kỹ thuật số (SEAMoney). 

Báo cáo thường niên 2019 của SEA Group cho biết công ty đang sở hữu trực tiếp 30% CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam (Garena Việt Nam), 18% CTCP Airpay và 100% Công ty TNHH Shopee (Shopee Việt Nam). Mặc dù vậy, thực tế Tập đoàn Singapore lại có toàn quyền với 100% lợi ích tại cả Esports và Airpay.

Bất chấp đại dịch, thương mại điện tử tiếp tục là cứu cánh của Sea trong năm 2020. Báo cáo tài chính của Sea cho thấy, thương mại điện tử là đòn bẩy chính cho tăng trưởng của tập đoàn trong năm ngoái với mức doanh thu gộp là 2,2 tỷ USD, tăng 159,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Sàn thương mại điện tử Shopee có thêm tiền để vươn ra thế giới tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899