Sở Xây dựng Tp.HCM đề xuất bỏ thu 2% phí bảo trì chung cư
TCDN - Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.
Ngày 21/5, Sở Xây dựng Tp.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND Tp.HCM báo cáo về tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP trong năm 2019.
Theo đó, sở kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.
Về lâu dài, sở kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỉ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Sở Xây dựng TP cũng cho biết các chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 còn thiếu nhà để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, các hệ thống PCCC…, kết cấu công trình dần xuống cấp sau hơn 20 năm sử dụng nhưng không có kinh phí bảo trì. Lý do là hầu hết các chung cư này không có quỹ bảo trì.
Ngoài ra, ở một số chung cư chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị, không bàn giao kinh phí bảo trì, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại nhiều nơi.
Kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật cụ thể, cần được nghiên cứu, kiến nghị giải pháp xử lý trong thời gian tới. Việc tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư còn diễn biến phức tạp.
Một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao căn hộ, cho cư dân vào ở. Công tác cải tạo, sửa chữa chung cư cũ; di dời, tháo dỡ chung cư cũ để xây dựng mới, thay thế chung cư cũ gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện theo chương trình, kế hoạch đặt ra.
Các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể về biện pháp chế tài, xử lý đối với nhiều hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành.
Cuộc chiến giành 2% phí bảo trì chung cư giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa nguội. Hồi tháng 3/2019, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã đề xuất bỏ khoản phí này, như một giải pháp “đình chiến”.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hải (Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng Tp.HCM) cũng cho rằng: Tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu luật pháp vẫn buộc thu khoản phí này sẽ tiếp tục phát sinh tranh chấp không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Do đó, nên bỏ khoản phí này khi người dân mua nhà. Khi chung cư đi vào sử dụng, nếu phát sinh hư hại thì người sử dụng có trách nhiệm đóng góp để sửa chữa, nếu không nộp sẽ có chế tài theo quy định đưa ra.
“Một chung cư có tuổi thọ trung bình 100 năm. Trong 5 năm đầu chung cư vẫn còn bảo hành theo chính sách của nhà thầu. Thời gian đầu chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị chưa nhiều. Nhưng càng về sau, chi phí bảo trì thiết bị càng gia tăng và sau khoảng 10 năm, nguồn quỹ bảo trì sẽ cạn kiệt.
Luật quy định là muốn bảo vệ quyền lợi người dân, nhưng lại vô tình gây ra các tranh chấp phát sinh liên quan đến khoản tiền này.
Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu, mà có thể thực hiện đóng hằng năm; hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp. Khảo sát ở nhiều nơi, nước ngoài cũng có nơi chia nhỏ khoản này ra thu hằng tháng, hằng quý cùng với phí quản lý. Khi kinh phí vận hành sử dụng hết, số dư ra sẽ lập quỹ để bảo trì”, ông Hải nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899