Starbucks Việt Nam với những bước đi chậm mà chắc

04/01/2023, 15:02

TCDN - Ngay từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, Starbucks đã chọn chiến lược kinh doanh “chậm mà chắc”. Sau 10 năm hội nhập và tìm hiểu về văn hóa Việt, ông lớn ngành cà phê có mức tăng trưởng ổn định với doanh thu ấn tượng.

Starbucks là một trong những chuỗi cafe nổi tiếng toàn cầu của Mỹ với hơn 34.000 cửa hàng tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Kể cả người chưa từng uống 1 cốc Starbucks thì những chiếc ly giữ nhiệt ấn tượng với biểu tượng nữ thần cũng không hề xa lạ. Gã khổng lồ ngành cà phê này mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2013 tại ngã sáu Phù Đổng (Quận 1,Tp.HCM).

Cửa hàng Starbucks tại vòng xoay ngã sáu Phù Đổng quận 1, Tp.HCM.

Cửa hàng Starbucks tại vòng xoay ngã sáu Phù Đổng quận 1, Tp.HCM.

Chiến lược ban đầu của Starbucks Việt Nam là chỉ mở quán tại những nơi có vị trí đắc địa và chú trọng vào việc đem lại không gian trải nghiệm cho khách hàng, không mở rộng ồ ạt như nhiều chuỗi cafe khác. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, Starbucks Việt Nam hướng tới những cửa hàng có diện tích vừa phải có thể cho khách hàng ngồi thưởng thức cafe hoặc phục vụ khách hàng chỉ mua đi. Mô hình của Starbucks Việt Nam hiện nay hướng đến sự tinh gọn, tìm kiếm thêm các mặt bằng tại các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương. 

Giống như nhiều thương hiệu ngành F&B khác, doanh thu các chuỗi cafe đều có xu hướng giảm trong 3 năm qua. Đại dịch Covid-19 buộc các chuỗi thức ăn và đồ uống phải đóng cửa trong một thời gian dài để thực hiện quy định về giãn cách xã hội. Các thương hiệu phải chật vật để tồn tại.

Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết, thương hiệu này đang đẩy mạnh dấu ấn của mình tại Việt Nam sau một thập kỉ có mặt.

Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết, thương hiệu này đang đẩy mạnh dấu ấn của mình tại Việt Nam sau một thập kỉ có mặt.

Theo báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khu vực châu Á mới công bố của Kantar World Panel, ngành đồ uống Việt Nam sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đã có sự phục hồi. Quý 3/2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,2%, chỉ kém tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn châu Á 0,4%. 

Với Starbucks Vietnam, trong giai đoạn bình thường mới, kết quả tài chính đã có sự tăng trưởng nhất định. Bên cạnh đó, Starbucks Vietnam còn ghi dấu ấn ở một số mặt khác. Năm 2022 đánh dấu bước tiến mới của Starbucks Vietnam trong hoạt động thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử, giúp việc thanh toán của khách hàng trở nên thuận tiện hơn.  

Từ nay, ngoài thẻ ngân hàng, thẻ thành viên Starbucks Rewards hay tiền mặt, khách hàng còn có thể sử dụng mã QR để thanh toán ở các cửa hàng Starbucks Vietnam với hai đối tác lớn trong ngành ví điện tử như MoMo và ZaloPay. 

Theo bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, thương hiệu này có 87 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung tại các tỉnh thành là Hà Nội, Tp.HCM, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà), Bình Dương. Trong đó, riêng Tp. HCM có 50 cửa hàng. 

Con số này vẫn khá nhỏ nếu so sánh với các thương hiệu như Highlands Coffee (478), Trung Nguyên (454) và The Coffee House (146). Quy mô của Starbucks Việt Nam cũng kém xa chuỗi này tại một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia (487 cửa hàng) hay Thái Lan (425) (số liệu của Statista tính đến tháng 10/2021). 

Đáng chú ý, dù số lượng cửa hàng chỉ bằng một nửa, doanh thu năm 2021 của Starbucks Việt Nam là 555 tỷ đồng, mức khá cao so với các đối thủ cùng ngành. Chia sẻ về mục tiêu của Starbucks tại Việt Nam trong năm 2023 nói riêng và lâu dài, bà Marques nói: “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại những nơi mới ngoài những thành phố đã đặt chân đến”. 

Mục tiêu của Starbucks Vietnam trong năm 2023 đó là sẽ mở cửa hàng thứ 100 sau tròn 10 năm thương hiệu cà phê Mỹ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Starbucks Vietnam dự kiến sẽ ra mắt một số dòng sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn một thập kỷ phát triển tại quốc gia được mệnh danh là thủ phủ cà phê thế giới. 

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Starbucks Việt Nam với những bước đi chậm mà chắc tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh, đạt trên 2,3 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm đạt 1,03 triệu tấn và 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua.