Sửa quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam với Hàn Quốc
TCDN - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2022 - 2027 (Hiệp định AKFTA).
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, việc ban hành Nghị định số 119/2022/NĐ-CP đã thực hiện theo đúng lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo quy định của Hiệp định AKFTA và theo Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, và góp phần hỗ trợ công tác thống kê hải quan về xuất nhập khẩu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh doanh minh bạch về thuế suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, Nghị định thư thứ 3 (NĐT 3) sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) được các nước ASEAN và Hàn Quốc ký kết vào ngày 22/11/2015. Ngày 22/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 150/NQ-CP.
Theo kế hoạch thực hiện NĐT 3, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2022/NĐ-CP về ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện cam kết tại Hiệp định AKFTA.
Trong quá trình thực hiện Nghị định số 119/2022/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2022 - 2027 được áp dụng ổn định và không có vướng mắc phát sinh. Theo đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP chỉ sửa đổi bổ sung các điều khoản liên quan để thực hiện cam kết thuế tại NĐT 3. Các điều khoản cụ thể như sau:
Cột "Thuế suất AKFTA (%)": Thuế suất áp dụng từ ngày 28 tháng 11 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027.
Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan gồm một số mặt hàng thuộc các nhóm hàng 04.07, 17.01, 24.01, 25.01, thuế suất AKFTA trong hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này, thuế suất AKFTA ngoài hạn ngạch là mức thuế suất quy định tại Danh mục hàng hóa áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngoài hạn ngạch ban hành kèm theo Nghị định này. Thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với hàng hóa không thuộc Danh mục nêu trên thì áp dụng theo quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu. Danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương.
Ban hành kèm theo Nghị định này Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng sau đây gọi là thuế suất AKFTA) để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2023 - 2027.
Trong đó, nhóm hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan gồm một số mặt hàng thuộc các nhóm hàng 04.07, 17.01, 24.01, 25.01. Tại NĐT 3, Việt Nam cam kết thuế suất trong hạn ngạch và thuế suất hạn ngạch đối với nhóm hàng này.
Đối với thuế suất trong hạn ngạch tại NĐT 3: có mức cam kết ngang bằng hoặc thấp hơn mức thuế suất MFN trong hạn ngạch hiện hành (tại Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 31/5/2023) và cam kết trần đối với thuế suất trong hạn ngạch WTO. Tại Nghị định sửa đổi, bổ sung, thuế suất trong hạn ngạch áp dụng đối với nhóm hàng hạn ngạch thuế quan sẽ được quy định tại biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định. Theo đó, thực hiện sửa đổi tại biểu thuế kèm theo Nghị định số 119/NĐ-CP từ “không cam kết” (ký hiệu *) thành các mức thuế áp dụng cụ thể theo cam kết.
Đối với thuế suất ngoài hạn ngạch tại NĐT 3: có mức cam kết ngang bằng thuế suất MFN ngoài hạn ngạch hiện hành (tại Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 31/5/2023), có một số dòng thuế thuộc nhóm 17.01 (đường mía, đường củ cải), nhóm 2501 (muối loại khác) thấp hơn mức cam kết trần đối với thuế suất ngoài hạn ngạch WTO. Danh mục hàng hóa áp dụng thuế suất AKFTA ngoài hạn ngạch ban hành kèm theo Nghị định sửa đổi, bổ sung bao gồm phạm vi các dòng hàng có mức thuế suất ngoài hạn ngạch thấp hơn mức cam kết trần đối với thuế suất ngoài hạn ngạch WTO, tương tự thông lệ đã có trong thực hiện cam kết về thuế suất ngoài hạn ngạch tại Hiệp định FTA ASEAN-Australia-New Zealand. Đối với các mặt hàng hạn ngạch thuế quan có thuế suất ngoài hạn ngạch NĐT 3 bằng mức cam kết ngoài hạn ngạch WTO thì không cần thiết ban hành tại Danh mục.
Biểu thuế AKFTA ban hành kèm theo Nghị định này có khoảng hơn 2000 dòng thuế có ưu đãi thay đổi (cao hơn hoặc thấp hơn) so với mức ưu đãi hiện hành tại Biểu thuế AKFTA ban hành kèm theo Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 30/12/2022, bao gồm thay đổi về mức thuế suất và ưu đãi áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại, trong đó hầu hết là thay đổi theo nguyên tắc có đi có lại. Về quy định áp dụng thuế đối với các dòng hàng này, trong trường hợp mức thuế quy định tại Nghị định sửa đổi bổ sung thấp hơn mức thuế quy định tại Nghị định 119/2022/NĐ-CP thì hàng hóa được xử lý tiền thuế nộp thừa theo điều khoản hiệu lực trở về trước quy định tại Nghị định sửa đổi bổ sung.
Trong trường hợp mức thuế quy định tại Nghị định sửa đổi bổ sung cao hơn mức thuế quy định tại Nghị định 119/2022/NĐ-CP, do theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hiệu lực trở về trước của văn bản quy định không được quy định hiệu lực trở về trước đối với trường hợp: “b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn”. Theo đó, quy định tại Nghị định sửa đổi bổ sung không có quy định về việc nộp bổ sung thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trong giai đoạn trước khi Nghị định có hiệu lực.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899