Tăng năng suất lao động: Đẩy mạnh chuyển đối số, tạo việc làm số
TCDN - Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 4,8 - 5,3%. Theo đó, giải pháp được xem là căn cơ nhất để đạt mục tiêu này, đồng thời thu hẹp năng suất lao động với các nước trong khu vực là đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, tạo ra việc làm số và việc làm trong môi trường số.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực
Báo cáo của Google, Temasek cho thấy Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á 2 năm liền là 2022, 2023 và dự báo tiếp tục giữ vị trí này tới 2025. Tổng giá trị hàng hoá của Việt Nam tăng trưởng từ 30 tỷ USD lên 45 tỷ USD vào 2025.
Khảo sát Bộ Công Thương cũng cho thấy, thương mại điện tử giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022, và luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.
Những năm tiếp theo, Thứ trưởng Công Thương kỳ vọng thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển hơn nữa, tạo bước đà cho kinh tế phát triển, giúp doanh nghiệp lấy đà phục hồi.
Để phát triển kinh tế số, Thứ trưởng Công Thương cho rằng cần tìm xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm năng lượng, sản xuất thông minh, logistics; xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững; thu hẹp khoảng cách số…
Theo ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, Việt Nam tăng trưởng kinh tế cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Mua sắm trên thương mại điện tử trở thành thói quen của người dùng Việt.
57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, trong đó tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. 43% người dùng GenZ truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. Số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 lên 7 (ngành hàng) giai đoạn 2021 - 2022.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sản lượng nhóm ngành sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin tăng một đồng sẽ kích thích các ngành khác của nền kinh tế tăng lên 0,3 đồng; nhóm ngành truyền thông và nội dung số tăng sản lượng một đồng, kích thích các ngành khác tăng sản lượng 0,39 đồng; sản lượng nhóm ngành dịch vụ công nghệ thông tin tăng một đồng làm tăng sản lượng các ngành khác 0,28 đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng kinh tế không còn quá phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên, địa chính trị hay nguồn nhân lực, mà là năng suất lao động dựa vào kinh tế số, nền tảng số.
Kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số ngày càng dựa vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nhưng con người vẫn là trung tâm, là nhân tố quyết định, nếu không, dù được trang bị công nghệ tối tân đến đâu, trí tuệ nhân tạo phát triển thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể tăng được năng suất lao động, hiệu quả lao động.Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, dân số Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong phân bố tuổi với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Vào năm 2035-2037, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số, nên ngay từ bây giờ, nếu người dân không được trang bị kiến thức và làm việc trong môi trường số với công nghệ thay đổi chóng mặt, thì khi bước vào già hóa dân số sẽ thiếu lao động trầm trọng, tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội vô cùng lớn.
Doanh nghiệp đổi mới mô hình dựa trên nền tảng số
GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: nhiều diễn giả, chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu về kinh tế số và nhận thấy kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp.
Ông Thành cho rằng trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp các vấn đề suy giảm về tổng cầu và khả năng năm nay tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu, kinh tế số sẽ là một trong những vấn đề cần phải chú ý. Bởi kinh tế số cơ bản sẽ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến tổng cung của nền kinh tế, giúp tăng trưởng một cách bền vững.
"Kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt", ông Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Thành chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm, một số thành tố quan trọng của tổng cầu như đầu tư tiêu dùng, cán cân thương mại chưa đạt được tốc độ tăng trưởng mục tiêu. Vì vậy, thời gian còn lại của năm cần phải có những động thái để duy trì và tăng cường thêm tổng cầu.
Đưa ra các giải pháp để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, GS.TS Tô Trung Thành, cho rằng trong năm 2024 cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tăng tổng cầu, cần phải tập trung vào các chính sách trọng cung như cải thiện về mặt thể chế cũng như pháp lý, tạo môi trường tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang suy giảm rất mạnh.
"Thực tế hiện nay nhiều chính sách chưa hoàn toàn hướng về khu vực tư nhân, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai... Làm thế nào để tạo cho doanh nghiệp một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhất, đó mới giải pháp tích cực và lâu dài", ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh...
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về kinh tế số và xã hội số mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số Việt Nam phải dựa trên 3 trụ cột, gồm: quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp ICT chiếm 20-30% và còn lại 70-80% là kinh tế số ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số các ngành.
Ánh Tuyết
email: [email protected], hotline: 086 508 6899