Tăng trưởng kinh tế 2017 đối mặt với khó khăn

16/12/2016, 09:02

TCDN - Chỉ còn hơn hai tuần nữa là bước sang năm mới 2017. Trong năm mới này, tăng trưởng kinh tế của nước ta được quyết ở con số 6,7%. Theo một số chuyên gia, chúng ta không nên quá nhấn mạnh tới yếu tố số lượng mà cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng, đồng thời nếu thực sự nỗ lực thì dù khó nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi.

Tăng trưởng 6,7% có thể đạt được với điều kiện XK của năm 2017 phải cao hơn năm 2016. Ảnh: ST.

Diễn biến khó lường

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thống nhất mục tiêu tổng quát cho phát triển kinh tế năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK khoảng 3,5%, tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5% và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP. Con số 6,7% của tăng trưởng GDP không xa lạ bởi nó cũng chính là mục tiêu của năm 2016 mà nhiều khả năng Việt Nam sẽ không đạt được.

Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 6,7% là điều không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay khi tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể tăng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Đặc biệt, giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô vẫn ở mức thấp...

Về tình hình trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp trong khi thế giới đang bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Nhu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nhìn vào những mục tiêu phát triển kinh tế của năm 2017, có 2 mục tiêu quan trọng là tăng trưởng và lạm phát, theo đó mục tiêu tăng trưởng là 6,7% và mục tiêu lạm phát là dưới 5%. Đại đa số những dự báo gần đây của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều đưa ra 2 cái kết luận. Thứ nhất, Việt Nam có thể đạt được chỉ tiêu lạm phát từ 4-5%, mặc dù không dễ như 1-2 năm gần đây và thứ hai là Việt Nam sẽ rất khó khăn đạt được mục tiêu tăng trưởng như đề ra. Phần lớn các dự báo cho rằng tăng trưởng Việt Nam sẽ từ 6- 6,5%, đa số thiên về 6,2-6,4%. Điều này cho thấy mục tiêu 6,7% là khó.

Theo TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, giai đoạn 2011 – 2015, mức độ gây thiệt hại của biến đổi khí hậu lên GDP là khoảng 0,4% GDP. Ông nhấn mạnh, năm 2016 Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế. Về gián tiếp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động đến việc làm, thu nhập của hộ gia đình, DN, qua đó ảnh hưởng đến vấn đề đóng góp cho ngân sách của Chính phủ cũng như vấn đề đầu tư. Theo ông Đặng Đức Anh, dự báo kịch bản thấp cho tăng trưởng của năm 2017 là 6,44% và kịch bản cao là 6,72%. Kết quả mô phỏng tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến một số chỉ tiêu kinh tế năm 2017 cho thấy, biến đổi khí hậu có thể làm giảm 0,59% GDP, giảm 0,1% tăng trưởng tiêu dùng tư nhân, tăng trưởng tổng đầu tư giảm 1,12% và tăng trưởng việc làm giảm 0,07%. Như vậy, nếu không quan tâm tới vấn đề này, rõ ràng kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sẽ khả thi nếu nỗ lực?

Nhìn dưới góc độ tích cực, một số chuyên gia cho rằng, năm 2016 nền kinh tế của Việt Nam có những ổn định nhất định, lạm phát dưới 5%, tăng trưởng dù không đạt 6,7 nhưng sẽ đạt ít nhất 6% và quan trọng là chúng ta đang kiểm soát được hầu hết các thị trường như thị trường vàng, bất động sản, ngoại tệ, chứng khoán, hệ thống ngân hàng. Với tiền đề này, năm 2017 có thể là năm tiếp tục thừa kế những thành quả đạt được của năm 2016.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu không có Hiệp định TPP thì chúng ta phải tận dụng cơ hội ở 18 FTA đã ký kết. Bên cạnh đó, cùng với những cải cách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khu vực tư nhân đã và đang là một động lực vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế và cần phải có nhiều giải pháp để tạo niềm tin nhằm thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực này. “Bên cạnh đó, cần có biện pháp để thu hút đầu tư (từ khu vực FDI, nguồn kiều hối) bằng cách tăng điểm tín nhiệm của Việt Nam. Đồng thời, trọng tâm của công cuộc tái cơ cấu gồm 3 trụ cột: Đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng phải được tiếp tục trong năm 2017 để tăng cường sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam lên. Nếu chúng ta làm được thì mục tiêu 6,7% là khả thi”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Nhìn vào những động lực tăng trưởng, chuyên gia này lưu ý, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương nếu tăng trưởng XK không thuận lợi. Năm 2016 tăng trưởng XK chậm lại so với 2015, nếu theo xu thế các nước sẽ bảo hộ mậu dịch thì thị trường XK của Việt Nam sẽ bị thu hẹp lại và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, mức tăng trưởng 6,7% có thể đạt được với điều kiện XK của năm 2017 phải cao hơn năm 2016. Còn nếu theo xu hướng của năm 2016 thì mục tiêu 6,7% rất khó đạt được đối với nền kinh tế dựa nhiều vào XK như Việt Nam. Năm 2016 Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng XK hơn 10%, tuy nhiên, đến thời điểm này, tăng trưởng XK mới chỉ đạt 7,5%. Như vậy, cần phải đẩy mạnh XK để tạo nền tảng cho tăng trưởng GDP.

Về mục tiêu tăng trưởng 6,7%, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% vì nhìn thấy vẫn còn những tiềm năng, nếu xử lý tốt vẫn có khả năng nâng cao tốc độ tăng trưởng. Ông cũng cho rằng, muốn giải quyết được nhiều khó khăn, nâng cao đời sống của người dân thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam phải luôn trên 6% và càng vượt cao thì khả năng khắc phục các tồn tại của nền kinh tế, cải thiện đời sống của người lao động sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, vấn đề ở đây là chúng ta phải đi vào bản chất. Lấy ví dụ con số công bố trong năm 2015 chúng ta cổ phần hóa được 558 DN, nhưng về mặt vốn rút Nhà nước, hay nói cách khác là về mặt tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác được tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước đã cổ phần hóa vẫn chưa đúng với kỳ vọng, với đúng bản chất của mục tiêu. TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chúng ta không nên thiên về con số mà nên quan tâm tới vấn đề hiệu quả của tăng trưởng là như thế nào.

Theo Báo Hải quan

Bạn đang đọc bài viết Tăng trưởng kinh tế 2017 đối mặt với khó khăn tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận