Thách thức với chính sách tiền tệ

08/06/2020, 11:00

TCDN - Những khó khăn trong giai đoạn nửa đầu năm 2020, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có những định hướng điều hành chính sách tiền tệ mới trong nửa cuối năm nay vì còn rất nhiều thử thách đối với các chính sách tiền tệ.

Tính chuyện điều chuyển vốn

NHNN cho biết, dịch Covid-19 đặt cả ngành ngân hàng vào thách thức to lớn bởi diễn biến khác biệt và tác động khó lường của dịch bệnh này. Các nền kinh tế, các ngành kinh tế chưa chắc sẽ hồi phục nhanh sau dịch, đồng thời, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về cách thức sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ.

Để ứng phó với thách thức đó, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã tích cực thực hiện các giải pháp điều hành kịp thời về lãi suất và chỉ đạo hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN quán triệt quan điểm bám sát mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện tiếp tục vượt qua các thách thức của ngành.

Theo đó, 6 tháng cuối năm là khoảng thời gian có thể chứng kiến những khó khăn của hệ thống tổ chức tín dụng sau khi các doanh nghiệp đã “ngấm” và từng bước khắc phục khó khăn. Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng.

Về nợ xấu, nếu dịch Covid-19 không xảy ra, các ngân hàng đang trên đà tái cơ cấu nợ xấu tích cực, dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường và dự báo nợ xấu có thể tăng trong thời gian tới.

Về tăng trưởng tín dụng, con số định hướng cho năm 2020 được đặt ra từ cuối năm 2019 là khoảng 14%. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, cầu tín dụng hiện rất thấp do các doanh nghiệp đang thực hiện cơ cấu lại nợ thay vì vay mới. Đến 29/5/2020, tổng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 1,96%, thấp hơn rất nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về điều hành lãi suất, NHNN đã chỉ đạo và bám sát quá trình thực hiện của các tổ chức tín dụng trong việc cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Thực tế là có doanh nghiệp cùng quy mô, thực trạng nhưng mức lãi suất vay được hưởng là khác nhau giữa các ngân hàng, bởi vì mỗi ngân hàng xem xét dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Song nhìn chung, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay ở mức không cao, thậm chí còn thấp so với một số nước.

Sẽ có đề án tái cơ cấu mới 

Không chỉ tập trung vào các giải pháp tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, NHNN sẽ chú trọng cả việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra NHNN cho biết, đến tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là dưới 2%. Nợ xấu đang có xu hướng tăng từ tháng 3 đến nay nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Các tổ chức tín dụng đang tích cực giảm chi phí kinh doanh để vừa giảm lãi suất cho khách hàng lại vừa tái cơ cấu nợ xấu.

Định hướng của NHNN trong thời gian tới là tăng cường rà soát các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng để đánh giá rõ thực trạng nợ xấu và có giải pháp kiểm soát cụ thể.

Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, mục tiêu xử lý nợ xấu nội bảng dưới 2% đến cuối năm nay là có thể đạt được, song vấn đề đáng ngại là nợ xấu tiềm ẩn đang có xu hướng gia tăng. Do đó, NHNN đã chỉ đạo đánh giá lại toàn diện việc thực hiện đề án này đồng thời với xây dựng đề án mới về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Thách thức với chính sách tiền tệ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, áp dụng từ ngày 13/5 nhằm thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.