Thành lập doanh nghiệp vốn siêu khủng: Nên trói buộc góp vốn qua ngân hàng?

02/06/2021, 08:53
báo nói -

TCDN - Từ thông tin một công ty được đăng ký thành lập với vốn điều lệ trên 500.000 tỷ đồng, có ý kiến cho rằng nên bắt buộc việc góp vốn qua ngân hàng để kiểm soát. Trong lúc đó, có ý kiến lại cho rằng không cần thiết. Bởi đây chỉ là Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép.

Doanh nghiệp khai khống vốn đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt.

Doanh nghiệp khai khống vốn đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt.

Nếu doanh nghiệp khai khống có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Tỏ ra băn khoăn về trường hợp này, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín đặt câu hỏi liệu số vốn đó có thực hay không?

Ông Được cho rằng, nếu họ thành lập doanh nghiệp với vốn thực góp 523.000 tỷ là tín hiệu tốt cho xã hội. “Số vốn đó gấp 2,8 lần tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhà đầu tư tư nhân lớn, có nguồn vốn mạnh sẽ tạo điều kiện đầu tư cho sự phát triển nền kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Được nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhìn thấy 2 điểm tích cực từ việc thành lập siêu doanh nghiệp này.

Điều đầu tiên, việc các cá nhân, tổ chức, khi muốn kinh doanh, đã dễ dàng gia nhập thị trường hơn. Điều này có được nhờ sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999, có hiệu lực năm 2000. Như trong trường hợp này là Luật đã bỏ đi điều kiện về vốn pháp định.

Ông Tuấn nhấn mạnh: "Luật Doanh nghiệp đã đưa ra tư duy mới về thúc đẩy kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân cũng như cách quản lý nhà nước. Nó giảm tối đa các hàng rào cản trở việc gia nhập thị trường. Tư duy này đã tác động dây chuyền đến các hệ thống pháp luật khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thành lập dễ dàng hơn”.

Ông Tuấn kể lại, thời gian đầu khi Luật đi vào thực tiễn, đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc nếu doanh nghiệp được thành lập dễ dàng như vậy thì quản lý sẽ như thế nào? Nó có kích thích việc xuất hiện những công ty ma, lừa đảo hay không. Nhưng thực tế đã cho thấy việc mở cửa, thông thoáng trong việc gia nhập thị trường đã tạo ra những thay đổi tích cực của Việt Nam, hình thành cả một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đông đảo, tạo ra động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa rồi.

“Tự do kinh doanh là quyền quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép, nó chỉ là sự ghi nhận từ phía Nhà nước là có doanh nghiệp muốn đứng ra kinh doanh với số vốn dự kiến như vậy. Phải để ý là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ không phải là giấy phép kinh doanh", ông Tuấn nói.

Nếu như doanh nghiệp, cá nhân nào khai khống vốn kinh doanh lên để lừa đảo bên thứ ba, lừa dối Nhà nước để trúng thầu… thì lại là câu chuyện khác. Đây là căn cứ để Nhà nước xử phạt theo các quy định khác, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, điểm tích cực thứ hai là về hệ thống đăng ký kinh doanh đó chính là việc các cơ quan truyền thông có thể phát hiện ra con số bất thường từ doanh nghiệp này là nhờ việc đăng ký kinh doanh được tổ chức tập trung tốt. Cục Đăng ký kinh doanh cũng đã nhìn thấy được vấn đề khi doanh nghiệp đăng ký. Về bản chất, họ có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng đồng thời, họ cũng sẽ có những động thái giám sát, thanh tra thường xuyên về tiến độ vốn góp.

Theo luật, doanh nghiệp có 90 ngày để nộp đủ số tiền đã đăng ký. Sau 90 ngày này nếu chưa thực hiện được, doanh nghiệp vẫn có thêm 60 ngày tiếp theo để bắt buộc điều chỉnh vốn giảm. Nếu anh không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Liệu có phải vốn ảo?

Ông Nguyễn Văn Được cho hay, quy định hiện nay, cá nhân góp vốn thành lập doanh nghiệp không bắt buộc phải góp vốn thông qua ngân hàng. Do đó, họ có cơ hội khai khống vốn điều lệ để khuếch trương tình hình tài chính hoặc làm đẹp hồ sơ năng lực ở một phạm vi nào đó…

Theo quy định Luật doanh nghiệp, nếu không phải ngành nghề vốn pháp định thì họ có quyền đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu cũng được. “Tôi cho rằng trong trường hợp này chưa chắc họ đã góp vốn thực hoặc chỉ đăng nhằm mục đích nào đó sau đó lại thực hiện điều chỉnh giảm vốn”, ông Được nhận định.

Tuy nhiên, ông Được cho rằng việc đăng ký vốn điều lệ lớn có thể ảnh hưởng tới chính doanh nghiệp bởi vốn càng lớn thì chịu trách nhiệm càng cao…

Bên cạnh đó việc đăng ký vốn khống sẽ làm ảnh hưởng đến bến thứ 3 như doanh nghiệp, tổ chức tín dụng… Khi bên thứ 3 chỉ nhìn vào vốn điều lệ của công ty có thể nhầm tưởng rằng vốn cao có lẽ có tiềm lực tài chính mạnh. Nhưng thực tế do vốn điều lệ khống, tài chính không có thực nên rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ 3 khi công ty không đảm bảo thanh toán các khoản nợ, các khoản phải bồi thường, khắc phục hậu quả…Từ đó sẽ phát sinh tranh chấp buộc các cơ quan liên quan phải vào cuộc, giải quyết sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho xã hội.

Ngoài ra, việc khai khống vốn kinh doanh cũng sẽ tạo ra môi trường tài chính không minh bạch, kém lành mạnh. Với nguồn vốn đó, nhà nước sẽ thống kê vào chỉ tiêu vốn đầu tư tư nhân và từ đó bức tranh nền kinh tế thiếu chính xác.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý rằng với bên giao dịch thứ 3, cần ý thức được rằng vốn đăng ký kinh doanh trong giai đoạn đầu không phải là yếu tố tạo ra và đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. Khi muốn ký kết làm ăn phải tìm hiểu nhiều yếu tố khác, đừng tin ngay vào con số đó. Vốn khai nhiều không có nghĩa là lớn và vốn khai ít không có nghĩa là bé. Trên thế giới vẫn có những công ty 1 đô la nhưng có thể làm ăn rất bài bản. Ngay ở Việt Nam có nhiều công ty thực tế quy mô, phạm vi kinh doanh rất lớn nhưng vốn điều lệ lại rất khiêm tốn.

Để khắc phục tình trạng nêu trên ông Được kiến nghị, pháp luật cần quy định tất cả các giao dịch về vốn phải thanh toán qua ngân hàng. Như vậy sẽ hạn chế được việc khai khống vốn kinh doanh.

“Pháp luật cần quy định tất cả các giao dịch về vốn như: Góp vốn, chuyển nhượng vốn… đều phải thanh toán qua ngân hàng sẽ hạn chế được việc khai khống vốn kinh doanh bởi lẽ phải có tiền thực tại ngân hàng mới chuyển khoản góp vốn được. Đồng thời quy định này góp phần hạn chế các hành vi trốn thuế, gian lận thuế về chuyển nhượng vốn khi khai thấp giá chuyển nhượng nếu chỉ thanh toán bằng tiền mặt.

Điều này cũng góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp tạo ra bức tranh tài chính minh bạch và đóng góp cho các con số thống kê về vốn đầu tư được chính xác, gần với thực tế từ đó giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách đúng đắn và phù hợp hơn”, ông Nguyễn Văn Được khẳng định.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Thành lập doanh nghiệp vốn siêu khủng: Nên trói buộc góp vốn qua ngân hàng? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Siết doanh nghiệp “ma” buôn lậu, trốn thuế
Mỗi năm có hàng nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Các doanh nghiệp “ma” ra đời nhằm mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế, doanh nghiệp ảo nhưng buôn lậu thật.