Siết doanh nghiệp “ma” buôn lậu, trốn thuế

14/11/2020, 08:45

TCDN - Mỗi năm có hàng nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Các doanh nghiệp “ma” ra đời nhằm mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế, doanh nghiệp ảo nhưng buôn lậu thật.

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp "ma" thành lập với số lượng lớn.

Gần 65% doanh nghiệp “ma”

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, năm 2019, toàn quốc có 77.096 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, theo đó số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký 49.808 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 64,61%.

Các doanh nghiệp này thường vi phạm không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, doanh nghiệp “ma” ra đời mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; doanh nghiệp ảo nhưng buôn lậu thật.

Theo Bộ Tài chính, sau khi cơ quan thuế ban hành thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, các doanh nghiệp này lại làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm ngừng hoạt động; hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp này tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới. Dù có hậu kiểm nhưng khi phát hiện thì hậu quả đã xảy ra, không xử lý được.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung cơ chế tại dự thảo Nghị định này để cơ quan Đăng ký kinh doanh có chế tài xử lý, cụ thể bổ sung vào các Điều 33, 65, 68 để quy định khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thay đổi thông tin, tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp thì “Cơ quan Đăng ký kinh doanh căn cứ thông tin về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp là không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký yêu cầu doanh nghiệp báo cáo và xử lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.

Liên quan đến đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính cho hay thời gian qua có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa được cơ quan quản lý nhà nước cấp mã ngành kinh doanh đặt cược khi đăng ký kinh doanh trong khi thực tế chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược để truyền thông, quảng bá nhằm kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài góp vốn, mua cổ phần.

Theo Bộ Tài chính đề nghị bổ sung: “Đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp chỉ được đăng ký ngành nghề, kinh doanh này sau khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có mục tiêu kinh doanh các ngành nghề này”.

Bộ Tài chính đề xuất thêm các quy định nhằm siết chặt việc thành lập doanh nghiệp

Bộ Tài chính đề xuất thêm các quy định nhằm siết chặt việc thành lập doanh nghiệp "ma".

“Cưỡng chế” thu hồi nợ thuế

Một trong những nội dung được Bộ Tài chính có ý kiến về vấn đề đăng ký doanh nghiệp đó là sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nhằm hạn chế trình trạng doanh nghiệp “ma” trốn thuế.

Bộ Tài chính cho hay, trong thời gian qua nhiều thông tin thay đổi do cơ quan đăng ký doanh nghiệp chuyển sang cơ quan thuế bị lỗi không nhận được vào hệ thống thuế và gửi lại cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh không xử lý vì đã hoàn thành việc cập nhật thông tin thay đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh, dẫn đến thông tin chênh lệch giữa 2 bên.

Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định tại Khoản 2 theo hướng: phòng đăng ký kinh doanh sau khi kiểm tra hồ sơ hợp lệ sẽ gửi giao dịch thay đổi thông tin cho cơ quan thuế để kiểm tra các nội dung thay đổi thông tin đăng ký thuế của doanh nghiệp. Phòng đăng ký kinh doanh ghi nhận thông tin thay đổi nếu nhận kết quả kiểm tra của cơ quan thuế là thông tin không hợp lệ.

Về vấn đề đăng ký giải thể doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung hàng loạt các quy định nhằm liên thông giữa phòng đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Cụ thể, hiện nay có nhiều doanh nghiệp chỉ gửi nghị quyết, quyết định giải thể cho cơ quan thuế mà không nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh dẫn đến cơ quan thuế đã giải quyết cho doanh nghiệp giải thể theo quy định của Luật Quản lý thuế nhưng tại cơ quan đăng ký kinh doanh doanh nghiệp vẫn hoạt động.

Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định phòng đăng ký kinh doanh gửi thông tin cho cơ quan thuế để đề nghị xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể doanh nghiệp khi quá thời hạn 180 ngày.

Đồng thời bổ sung quy định cơ quan đăng ký kinh doanh công khai thông báo hủy bỏ Nghị quyết, Quyết định giải thể và chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đồng thời gửi thông tin cho Cơ quan thuế để cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp tại hệ thống thuế.

Về đăng ký giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung “Phòng đăng ký kinh doanh gửi quyết định thu hồi giấy chứng nhận, quyết định giải thể của Tòa án cho cơ quan thuế qua hệ thống trao đổi thông tin để cập nhật thông tin và hệ thống thuế”.

“Đây là một biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, biện pháp này chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước mà không bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện giải thể”, Bộ Tài chính khẳng định.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Siết doanh nghiệp “ma” buôn lậu, trốn thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI đã đến hồi cảnh báo
Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội ngày 3/11, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) khẳng định, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng đã đến hồi cảnh báo.