Thị trường khách du lịch: Tái cơ cấu, phát triển kinh tế ban đêm
TCDN - Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, ngành Du lịch hiện chỉ trông vào sự phục hồi của thị trường nội địa. Trong bối cảnh này, vấn đề chính đặt ra là cần đánh giá, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách.
Chưa chạm tới khách có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày
Báo cáo về cơ cấu lại thị trường khách du lịch của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong những năm gần đây, khách nội địa chiếm 82,5%, khách quốc tế chiếm 17,5% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam; tỷ lệ tổng thu từ khách quốc tế và nội địa hầu như không thay đổi với 55,7% thu từ khách quốc tế và 44,3% thu từ khách nội địa.
Về khách quốc tế, thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khoảng 66,8% năm 2019; thị trường ASEAN có tỷ trọng ổn định, chiếm khoảng 11,3% khách quốc tế đến Việt Nam; các thị trường truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.
Khách du lịch nội địa đã tăng từ 57 triệu lượt người năm 2015 lên hơn 85 triệu lượt năm 2019, đóng góp đáng kể vào tổng thu của ngành Du lịch, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không và nhiều ngành kinh tế khác.
Năm 2020 số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm khoảng 80%, khách du lịch nội địa giảm khoảng 50%, tổng thiệt hại đối với du lịch khoảng 23 tỷ USD, trong đó 16 tỷ USD từ thị trường khách quốc tế. Mặc dù vậy, trong bối cảnh khó khăn cũng gợi mở những cơ hội ngành Du lịch có thể nắm bắt để vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón khách du lịch quốc tế khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn.
Hiện hoạt động Du lịch Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức như: cơ cấu khách quốc tế phụ thuộc vào một số thị trường, nhiều rủi ro, chất lượng chưa cao, một số địa phương đang có tình trạng tăng trưởng khách Trung Quốc tỷ lệ nghịch với khách châu Âu, Nhật Bản; tăng trưởng nóng của một số thị trường làm quá tải một số điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường, ảnh hưởng việc đảm bảo thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia.
Việc phát triển sản phẩm và thu hút khách du lịch chưa căn cứ trên nhu cầu thị trường, chưa xác định rõ ràng các phân khúc cần tập trung đẩy mạnh; trong bối cảnh đại dịch, nhiều quốc gia có xu hướng khuyến khích công dân nước mình đi du lịch nội địa thay vì du lịch quốc tế, gây ra sự khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam…
“Thời gian tới thị trường Du lịch Việt Nam sẽ ra sao? Mở ra cơ hội trong tương lai cần đánh giá lại, cơ cấu lại thị trường khách như thế nào...? Hiện nay thị trường khách quốc tế chính là Đông Bắc Á, chiếm 68%. Có nhiều điểm đến mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới nhưng hạn chế của Du lịch Việt Nam là nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác”, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.
Ông Siêu cũng dẫn ví dụ, theo thống kê gần nhất, khách quốc tế đến Việt Nam trung bình lưu trú 8,1 ngày, chi tiêu trung bình 1.074 USD. Trong khi đó, khách quốc tế đến Thái Lan lưu trú trung bình 9 ngày chi 1.500 USD. Những con số này cho thấy lượng khách quốc tế chi tiêu thấp ở Việt Nam và chúng ta chưa chạm được vào những khách du lịch quốc tế có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Việt Nam.
Chủ động, đề kháng được những biến động
Khách đã thay đổi nhu cầu, mang tính chuyên biệt cao hơn, có những khách thiên về văn hóa, chơi golf, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên… Chiến lược du lịch Việt Nam cũng cần tập trung vào những biến động của thị trường và nhu cầu của khách. Quan trọng nhất là có những phương án chủ động, đề kháng được những biến động, thay đổi phù hợp với thị trường. “Chính vì thế, Tổng cục Du lịch cần xác định những thị trường khách chính của Du lịch Việt Nam. Những chính sách để chuyển đổi cơ cấu, tạo thuận lợi để tiếp cận điểm đến, thu hút khách, phát triển kinh tế ban đêm, phát triển du lịch biển, du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới… Công tác xúc tiến quảng bá cũng cần có những thay đổi cho phù hợp, hiệu quả. Vì thế, cần xác định rõ thị trường mục tiêu, chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Trước mắt là số hóa các tài nguyên du lịch, hình thành dữ liệu lớn về du lịch (big data). Tăng cường thu hút đầu tư, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp...”, ông Siêu cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chính đặt ra là toàn ngành cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới. Mục tiêu của cơ cấu lại thị trường du lịch là đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường. Đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền.
Tổng cục Du lịch đề xuất việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch tập trung vào một số giải pháp về nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch; về cơ chế chính sách; về xúc tiến quảng bá; chuyển đổi số trong phát triển thị trường khách du lịch; tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng sang cơ cấu thị trường mới. “Nếu chủ động, liên kết, ứng dụng công nghệ tốt, tận dụng được cơ hội để phát triển, chúng ta có thể vượt lên những người khổng lồ trong làng du lịch thế giới”, ông Hà Văn Siêu nói.
Đại diện Ban Tiếp thị Vietnam Airlines đánh giá, ngành du lịch khó phục hồi trong ngắn hạn, phải mất 2-3 năm, thậm chí dài hơn để hồi phục.
Trước khi dịch Covid - 19 xảy ra, mỗi năm người Việt Nam đi ra nước ngoài lên tới 9-10 triệu lượt, đây là lượng khách rất tiềm năng cho du lịch nội địa.
Ngành du lịch cũng cần xây dựng những sản phẩm khuyến khích khách nội địa tốt hơn. Ngoài các điểm đến quen thuộc, truyền thống như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Sa Pa, Hà Giang… còn rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác. Các điểm du lịch này cần được đầu tư tương xứng để thu hút khách, tránh tình trạng khách chỉ đi 1-2 lần và không quay lại. Ngoài ra, các điểm du lịch quen thuộc cũng cần tăng sự mới lạ, hấp dẫn, độc đáo.
Trà My
email: [email protected], hotline: 086 508 6899